Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Giao lưu trực tuyến cùng ĐH Bách khoa: Sinh viên mới ra trường lương 20-30 triệu/tháng là có thể đạt được

Team Sinh viên TV Theo dõi Saostar trên google news

Tất cả những thắc mắc của sĩ tử liên quan đến vấn đề chọn ngành, chọn trường sẽ được PGS - TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến cùng độc giả Saostar diễn ra lúc 9h30 sáng 26/3.

Một trong những câu hỏi khiến nhiều sĩ tử đau đầu nhất mùa tuyển sinh 2019 có lẽ là vấn đề chọn ngành học gì khi đăng ký nguyện vọng? Để giải đáp thắc mắc của tất cả sĩ tử về vấn đề: “Học ngành gì để ra trường dễ tìm việc và nhận lương cao”, sáng nay, tạp chí điện tử Saostar có buổi tư vấn trực tuyến cùng PGS - TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Với vai trò từng là Phó trưởng phòng Đào tạo đại học, Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế và hiện đang là Trưởng phòng Tuyển sinh, PGS - TS Trần Trung Kiên sẽ đem đến những lời giải thích hợp lý, chi tiết nhất cho các sĩ tử quan tâm và có câu hỏi thắc mắc liên quan đến vấn đề chọn ngành cũng như muốn dự tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS Trần Trung Kiên tham gia buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Saostar.

Chi tiết về chính sách học phí, học bổng của ĐH Bách khoa Hà Nội

Trịnh Quỳnh Trang (quynhtrang85@gmail.com) Em nghe nói ĐH Bách khoa có chương trình trải nghiệm ĐH miễn phí áp dụng từ tháng 11/2018 đến tháng 31/3/2019. Vậy trong thời gian tới đây, nhà trường có mở tiếp chương trình như vậy không. Nếu bây giờ em muốn được trải nghiệm thời gian 1 tuần làm sinh viên ĐH Bách khoa thì có được không và phải đăng ký như thế nào?

Trường Bách khoa Hà Nội tổ chức chương trình này từ tháng 11/2018 đến hết tháng 3/2019. Trong thời gian này, chúng tôi đã tổ chức chương trình trải nghiệm, giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về ngành nghề đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cho các em.

Trong thời gian tới trường sẽ tiếp tục tổ chức trải nghiệm này. Tuy nhiên, từ giờ đến khi thi THPT xong, chương trình trải nghiệm sẽ không tiếp tục.

Trải nghiệm 1 tuần làm sinh viên trong trường thì chúng tôi chưa nghĩ đến nhưng các em có thể tiếp tục đăng ký chương trình trải nghiệm ĐH và nhà trường rất ủng hộ việc này.

Các bạn học sinh có thể đăng kí trên trang web trường hoặc đăng kí theo nhà trường cấp 3 tổ chức. Số lượng đăng kí không giới hạn.

Nguyễn Anh Tuyết: Em nghe nhiều người bảo ĐH Bách khoa Hà Nội đuổi sinh viên như cơm bữa vì nội quy rất khắt khe. Em muốn thi vào ĐH Bách khoa nhưng bị nhiều người dọa thế cũng suy nghĩ lung lắm. Thầy có thể giải thích rõ hơn về tin đồn này được không?

Cái này thực ra gọi là tin đồn cũng không đúng. Chuyện Bách khoa đuổi sinh viên là có thật nhưng nếu gọi đúng phải nói đó là quá trình sàng lọc sinh viên.

Tỉỷệ ra trường tính ra trong chục năm gần đây ở Bách Khoa vào khoảng 70-75%. Việc ra trường đúng hạn hay không là tùy thuộc vào khả năng của sinh viên.

ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu cao về chất lượng đào tạo. Các em không chú trọng vào việc học sẽ bị sàng lọc. Tất nhiên, không phải trường sẽ sàng lọc ngay mà sẽ có những cảnh báo cấp 1, cấp 2, cấp 3. Nếu sau khi cảnh báo, sinh viên vẫn có kết quả học tập không tốt, vi phạm quy chế đào tạo thì trường sẽ sàng lọc.

Về nội quy, quy chế của trường, tôi nghĩ tốt nhất các em nên tìm hiểu những thông tin chính thống.

Ngọc Hiền: Em có tìm hiểu mức học phí của ĐH Bách khoa và thấy dù là trường công nhưng vẫn khá cao. Vậy năm học 2019-2020 nhà trường có tiếp tục tăng học phí không ạ? Nếu tăng thì học phí bình quân đối với hệ đào tạo đại trà sẽ như thế nào?

Từ 12/2016, ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành trường tự chủ hoàn toàn, không được nhận hỗ trợ từ ngân sách theo đầu sinh viên. Vì vậy, nhà trường phải có chính sách học phí để đảm bảo hoạt động.

Vì học phí tuy do trường quyết nhưng Bộ GD&ĐT cũng có khung trần, vì thế dù có tăng cũng sẽ không vượt qua mức trần.

Theo dự kiến, năm học 2019-2020, mức học phí đối với hệ đại trà là từ 17-22 triệu đồng, chương trình tiên tiến sẽ có mức học phí cao gấp 1,3-1,5 lần so với chương trình chuẩn cùng ngành. Chương trình đào tạo Quốc tế sẽ có học phí từ 50-60 triệu đồng/ năm.

PGS - TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Học phí gọi là cao hay không cao cũng tùy thuộc vào chất lượng đào tạo và dịch vụ các bạn sinh viên nhận được khi dự tuyển vào. Hiện nay, học phí được trường sử dụng chính cho mục đích đầu tư cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, một trường ĐH không thể dựa tất cả vào học phí. Nhà trường phải huy động tiền từ các nguồn khác để đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm hỗ trợ sinh viên, giảng viên.

Học phí dù có là 200-300 triệu hay 400 thì đó đều là một khoản đầu tư cho tương lai. Sinh viên nên suy nghĩ xem đầu tư làm sao cho hợp lý. 200 hay 300 triệu tính ra đúng là một khoản lớn nhưng hãy nghĩ đến cái mà chúng ta có thể nhận được.

Tôi thấy về phần đầu tư này thì người miền Nam dám mạnh tay đầu tư hơn người miền Bắc. Nhiều sinh viên miền Bắc còn e dè nhưng sinh viên miền Nam thì dám vay ngân hàng với chính sách ưu đãi để theo học. Hiện nay, tôi thấy nhiều học sinh vùng nông thôn cũng chọn theo học chương trình tiên tiến, quốc tế và rất thành công.

Nguyễn Anh Tuấn: Học phí chương trình quốc tế do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cấp bằng trong khoảng 40-50 triệu đồng/năm học. Như vậy tính ra 4 năm sinh viên sẽ tốn 200 triệu riêng tiền học phí. Đây là khoản đầu tư không nhỏ với nhiều gia đình ở quê. Vậy em muốn hỏi cơ hội việc làm và thu nhập sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo này ở ĐH Bách Khoa ạ?

Chương trình Quốc tế đào tạo hoàn toàn bằng Tiếng Anh gồm 3 chương trình phối hợp với Mỹ, Anh, các chương trình kết hợp với Nhật, Pháp, Đức thì Tiếng Anh là ngoại ngữ thứ 2, có chuyên gia sang giảng dạy. Các chương trình liên kết với Úc và NewZeland thì có tỉ lệ các môn học bằng Tiếng Anh khoảng 50%. Các chương trình tiên tiến day và học hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Có 13 chương trình thì trong đó 11 chương trình hoàn toàn bằng Tiếng Anh, 2 chương trình tăng cường Tiếng Nhật.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa rất cao, trung bình sau 12 tháng, tỷ lệ sinh viên có việc lên tới 90-95%. Tuy nhiên, vị trí thì còn tùy người song hầu hết các bạn chỉ mất thời gian ngắn có thể phát huy khả năng và kiến thức học được.

Tôi nghĩ là cơ hội thì rất nhiều nhưng quan trọng các bạn có thể đáp ứng. Với vai trò giảng viên, tôi cũng đã giới thiệu rất nhiều công việc cho các bạn trẻ nhưng có bạn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về mặt ngoại ngữ. Vì vậy, trong quá trình học, các bạn cần trau dồi kiến thức chuyên ngành và cả ngoại ngữ để ra trường bắt nhịp ngay với những cơ hội tốt.

Trần Trang Nhung: Em được biết hàng năm ĐH Bách khoa thường cấp học bổng cho sinh viên ngay từ khi thi đỗ vào trường. Vậy năm nay điều kiện cấp học bổng của trường như thế nào ạ?

Trường Bách khoa Hà Nội dự kiến năm học 2019-2020 sẽ đưa ra chính sách học bổng mới. Trước đây, học bổng khuyến khích học tập dựa trên số điểm trung bình trung học tập, lấy từ cao xuống thấp và có giá trị từ 8-10% học phí.

Năm nay trường duy trì quỹ học bổng nhưng chính sách khác đi. Cụ thể, nhà trường sẽ hỗ trợ đúng bạn cần kinh phí hỗ trợ để học tập.

Các bạn có thể apply ngay từ khi học phổ thông. Sau đó, nhà trường sẽ công bố việc các bạn giành chứng nhận học bổng. Sau này nếu thi đỗ Bách khoa, dựa vào chứng nhận đó, các bạn sẽ được nhận học bổng. Ngoài ra, sau khi thi đỗ vào trường, các bạn vẫn có thể đăng ký và duy trì học bổng suốt những năm học Bách khoa. Tuy nhiên, điều kiện nhận học bổng phải đạt trung bình khá trở lên.

Ngoài học bổng hỗ trợ học tập, nhà trường còn có quỹ học bổng tài năng dành cho các bạn thật sự giỏi, thường là các bạn đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, quốc tế, các bạn thủ khoa đầu vào.

Ngoài ra, trong suốt quá trình học tập, các bạn có thể đăng ký xét học bổng bất cứ lúc nào nếu có kết quả học tập tốt. Học bổng này thường dành cho các bạn sinh viên năm trong top 1% sinh viên giỏi nhất trường Bách khoa.

Mới đây, trường cũng vừa trao 130 suất học bổng tài năng bằng 1,5 lần học phí hàng năm, tức khoảng 30 triệu. Như vậy các bạn hoàn toàn có thể trang trải học phí. Ngoài trao tiền mặt, những bạn sinh viên có nhu cầu nhận quà, nhà trường cũng tặng máy tính PC, laptop.

Bên cạnh đó, trường còn có học bổng của doanh nghiệp. Đối với khóa K64, trường cam kết cấp học bổng 45 tỷ trong suốt quá trình học tập cho 2 dạng là học bổng hỗ trợ học tập và học bổng tài năng.

Ở ĐH Bách khoa Hà Nội - Đâu là ngành học hot nhất, dễ kiếm được việc làm lương cao?

Ngô Cường: Em thích học ngành kỹ thuật bên Bách khoa nhưng thấy thường phải mất 5 năm mới ra trường. Bây giờ trường đào tạo theo tín chỉ thì sinh viên có thể rút ngắn thời gian học được không, tối đa rút ngắn được bao lâu?

Từ 2007, ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển sang đào tạo tín chỉ. Đến năm 2009, trường thay đổi chương trình đào tạo. Hiện nay, trường có 2 mô hình đào tạo 4+1 (4 năm sau hệ cử nhân, 1 năm kỹ sư) và 4+1,5 (4 năm cử nhân + 1,5 năm thạc sĩ).

Đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể rút ngắn thời gian học tập. Nếu sinh viên đặt ra kế hoạch học tập tốt thì có thể rút ngắn thời gian học khoảng nửa năm. Có những bạn chỉ cần 3,5 năm học xong cử nhân, 4 năm xong chương trình kỹ sư. Đây là việc hoàn toàn có thể đạt được cũng là việc nhà trường rất khuyến khích. Các bạn có thể tận dụng ngay kỳ nghỉ hè để học vượt.

Ngọc Anh: Chuẩn đầu ra tiếng Anh của ĐH Bách khoa là bao nhiêu? Ngoài ra, nếu theo học hệ đào tạo Quốc tế thì em cần có chứng chỉ, trình độ tiếng Anh như thế nào khi thi vào vì em nghe nói, các chương trình dạy trên lớp đều bằng tiếng Anh?

Đối với trường Bách khoa Hà Nội, nhà trường xác định ngoại ngữ rất quan trọng, là chìa khóa để bạn vào đời. Đối với tiếng Anh, chuẩn đầu ra sẽ là 450 điểm Toeic. Tuy nhiên, từ năm ngoái, trường đã tăng chuẩn đầu ra là 500 điểm Toeic đối với hệ đào tạo đại trà, 5.5 Ielts đối với hệ Quốc tế.

Chuẩn đầu vào hệ Quốc tế là 4.5 Ielts. Nếu các bạn chưa đạt yêu cầu đó, có thể tham gia các hoạt động tiếng Anh tăng cường do trường tổ chức để đạt được tiếng anh theo yêu cầu. Ngoài ra, nếu theo học hệ Quốc tế chương trình phối hợp với các trường ĐH của Đức, Nhật,… thì yêu cầu ngoại ngữ đầu vào cũng sẽ thấp hơn.

Nguyễn Kiên: Em đọc 1 số bài báo nghe nói ngành IT đang dẫn đầu về thu nhập, thị trường năm 2019 Việt Nam vẫn sẽ thiếu từ 70.000 đến 90.000 nhân sự trong lĩnh vực này. Sinh viên có thể kiếm được thu nhập 500-700 triệu đồng/ năm nếu học và ra trường làm IT. Ở ĐH Bách khoa HN cũng có ngành học này, vậy với vai trò người tư vấn tuyển sinh, thầy đánh giá sao về những thông tin trên. Thực tế, sinh viên IT ở Bách khoa sau khi ra trường có nhận được thu nhập khủng như vậy không, tỷ lệ làm đúng ngành và có việc làm như thế nào?

Thu nhập sau khi tốt nghiệp đúng là vấn đề các bạn rất quan tâm. Tuy nhiên, trước khi nói về vấn đề này, tôi muốn giải thích rõ IT là lĩnh vực công nghệ thông tin trong đó bao gồm nhiều ngành.

Nói về lĩnh vực này thì thực tế, trước khi ra trường, sinh viên Bách khoa nhiều bạn đã có được vị trí việc làm rất tốt. Chất lượng đào tạo Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa có thể nói là rất tốt so với nhiều trường ĐH khác. Lương 500-700 triệu đồng/năm nghe cao đấy nhưng tôi thấy nhiều bạn còn cao hơn. Mức lương này là con số dễ đạt được. Thậm chí, con số vài ba chục triệu/tháng đối với sinh viên mới ra trường là có thể đạt được.

Nhưng tôi cũng khuyên các bạn đừng nên ảo tưởng vì mức lương thường được đánh giá theo mức độ đóng góp của các bạn sinh viên. Học gì thì học, chúng ta vẫn phải trau dồi kiến thức kỹ năng. Nếu các bạn có đủ tài năng, các bạn hoàn toàn có thể yêu cầu mức lương đối với nhà tuyển dụng.

Ngọc Châm: Vừa qua, em thấy ngành khoa học máy tính và hệ thống thông tin của ĐH Bách khoa được lọt vào tốp 400 - 550 thế giới, em muốn hỏi là điều kiện giảng dạy, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng viên ngành này ở Bách khoa có gì khác với các trường khác?

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến các thông tin trường. Mấy tháng vừa rồi, chúng tôi rất vui khi nhận được thông tin này. Cụ thể, theo công bố của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds - QS (Vương quốc Anh), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 3 nhóm ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ đứng đầu Việt Nam là Kỹ thuật cơ khí, Hàng không và chế tạo; Kỹ thuật điện - điện tử; Khoa học máy tính và hệ thống thông tin được lọt vào tốp 400 - 550 thế giới.

Đánh giá này dựa trên các tiêu chí về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy và bản thân con số xếp hạng đã nói lên chất lượng đào tạo của trường. Trong những năm gần đây, trường Bách khoa Hà Nội đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất để giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Đối với ngành khoa học máy tính, thuộc về công nghệ thông tin chúng tôi không chỉ tự hào vì được xếp hạng 501- 550 (trên thế giới) mà còn tự hào vì đó là lĩnh vực xếp số 1 ở Việt Nam.

Hồng Nhung: Em nghe nói năm nay nhóm ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh đang rất hot vì ra trường thu nhập cao. Ở ĐH Bách khoa cũng có các ngành học này, vậy năm nay nhà trường có tăng chỉ tiêu không ạ?

Trường bách khoa Hà Nội những năm gần đây giữ chỉ tiêu tuyển sinh khá ổn định. Mục tiêu chiến lược của chúng tôi là tăng chất lượng đào tạo chứ không phải thấy ngành nào hot là tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Một số ngành theo chỉ đạo của chính phủ, đẩy mạnh đào tạo như lĩnh vực công nghệ thông tin thì nhà trường có tăng chỉ tiêu nhưng tăng rất nhẹ.

Những ngành như công nghệ chế biến, công nghệ sinh học… từ lâu vẫn là ngành được sinh viên quan tâm và có điểm chuẩn thuộc top 2 trong trường. Nhà trường cũng đầu tư cơ sở vật chất rất tốt nhưng số lượng cán bộ giảng dạy không quá nhiều. Vì vậy, trường vẫn đảm bảo tỷ lệ giảng viên - sinh viên giữ ở mức quy định.

Kỹ thuật Y sinh là lĩnh vực liên ngành, thuộc chương trình Viện điện tử viễn thông, được đào tạo kiến thức về điện tử, sinh học. Vị trí việc làm chủ yếu là trong lĩnh vực y tế. Tuy là ngành hot nhưng số lượng việc làm không nhiều nên nhà trường vẫn duy trì tỷ lệ ở mức hợp lý, không có ý định tăng chỉ tiêu.

Tuấn Tài: Trường Bách khoa chắc sẽ làm nghiên cứu tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đúng không ạ? Vậy thầy có thể tiết lộ tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Bách khoa không? Nếu có việc, phổ lương của các bạn thường là bao nhiêu? Hiện nay, học ngành gì ở Bách khoa là dễ xin việc và nhận lương cao nhất?

Về lĩnh vực thống kế, hàng năm, nhà trường tiến hành khảo sát sinh viên sau khi tốt nghiệp: 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và thậm chí là điều tra các số liệu về vấn đề việc làm trong khoảng vài năm sau khi các em ra trường.

ĐH Bách khoa Hà Nội có trang web riêng về việc hỗ trợ vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Chúng tôi thường xuyên đăng tải thông tin việc làm cho các em. Tuy nhiên, tìm được việc làm ở mức lương chấp nhận được hay cao nổi trội là tùy thuộc vào năng lực, sự công hiến của các em.

Tôi không phản đối mục tiêu sau khi ra trường có lương cao nhưng suy cho cùng, các bạn trẻ cũng không nên quá ảo tưởng vào chuyện đó. Thay vào đó, sinh viên cần xác định được chúng ta làm được gì, năng lực của mình đến đâu và khả năng phát triển của mình ra làm sao.

Vũ Hậu: Em thấy có nhiều trường cam kết việc làm cho sinh viên ra trường, vậy ở ĐH Bách khoa, sinh viên được trường hỗ trợ như thế nào về vấn đề việc làm?

Việc cam kết nếu các trường cam kết được thì tốt. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của tôi, để có việc làm thì dễ nhưng vấn đề việc làm ấy có đáp ứng được mong mỏi của các bạn hay không thì lại là vấn đề hoàn toàn khác.

ĐH Bách khoa Hà Nội không cam kết chắc chắn 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường nhưng chúng tôi tạo mọi điều kiện để sinh viên có việc làm theo đúng ngành nghề mình đã học.

hiện nay, theo số liệu thống kê, trong số các bạn có việc làm sau 1 năm ra trường, tỷ lệ làm đúng ngành, đúng nghề lên tới gần 70%. ĐH Bách khoa cũng chú trọng việc kết nối nhà trường với doanh nghiệp. Hàng năm nhà trường tổ chức nhiều ngày hội tuyển dụng, mời nhiều doanh nghiệp tham gia để các em có cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cũng rất quan tâm đến cử nhân, kĩ sư ĐH Bách khoa sau khi ra trường. Nhiều doanh nghiệp còn cấp học bổng hỗ trợ, cam kết nơi thực tập cho các em và tạo cơ hội việc làm sau kỳ thực tập.

Phương châm của Bách khoa là không cam kết nhưng tạo mọi điều kiện giúp sinh viên tìm được công việc phù hợp.

Nguyễn Giang: Em thích học ngành Kỹ thuật điều khiển tự động hóa nhưng bố mẹ lại bảo học ngành này lỗi thời rồi và muốn hướng em học các ngành về kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp. Em là con trai và đang học chuyên khối khoa học Tự nhiên. Em băn khoăn không biết nghe theo lời khuyên của bố mẹ hay chạy theo đam mê của bản thân?

Quan tâm chọn ngành, chọn nghề là quan tâm chính đáng bởi nó ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này. Trước khi đi đến quyết định lớn, các bạn cũng nên tham khảo qua nhiều kênh và một trong số kênh thông tin quan trọng ấy chính là bố mẹ.

Tuy nhiên, các bạn có thể tham khảo thêm các kênh khác như bạn bè, người thân, thầy cô và các anh chị đi trước. Sau khi cảm thấy đã có cái nhìn tổng thể thì hãy đưa ra quyết định.

Về vấn đề bố mẹ bạn Giang nói ngành Kỹ thuật điều khiển tự động hóa là lỗi thời… Tôi xin khẳng định, không có ngành nào lỗi thời mà chỉ là do sự phát triển của xã hội, một số ngành nghề có thể là biến đổi sang lĩnh vực khác.

Mỗi ngành học đều có ý nghĩa và chỗ đứng nhất định trong xã hội. Ngành Kỹ thuật điều khiển tự động hóa nhiều năm qua có điểm chuẩn đầu vào rất cao, thuộc top đầu. Học ngành này ra cơ hội việc làm vẫn rất nhiều, chưa bạn nào thất nghiệp cả.

Tuy nhiên, nếu bố mẹ bạn phản đối thì tôi nghĩ, có thể họ đã nhìn xa hơn, nắm trước một vị trí việc làm nào đó… Vì vậy, các bạn nên tham khảo chứ không nên bỏ ngoài tai.

Một bạn giấu tến hỏi: Em muốn thi khối ngành kĩ thuật nhưng ngại vì lớp toàn con trai thì thầy có lời khuyên nào không?

Tôi hay đọc trên các diễn đàn, ai cũng bảo, con gái mà thi vào Bách khoa thì auto có người yêu.

Hiện tại, tỉ lệ nữ ở Bách Khoa khoảng 25% nhưng phân bố đều. riêng ở một số ngành cơ khí, tỉ lệ nữ khá thấp nhưng ngành kinh tế, ngoại ngữ, sinh học môi trường… thì tỉ lệ lại khá cao. Tuy nhiên, không có lĩnh vực nào nữ không học được. Có nhiều tấm gương nữ thành đạt khi học những nghề mà xã hội nghĩ rằng chỉ dành cho nam giới.

Cá nhân tôi nghĩ, nếu bạn đam mê kĩ thuật thì chẳng có lí do gì để không vào học kĩ thuật cả.

Huỳnh Tiên: Em đang rất lo không đỗ ĐH Bách khoa vì em muốn thi khoa Công nghệ Thông tin mà ngành này năm trước lấy điểm chuẩn 25,35. Em muốn hỏi là trong trường hợp trượt, em có nên chờ năm sau thi lại không hay chuyển sang ngành học khác ở Bách khoa và nếu chuyển thì nên chuyển sang ngành gì?

Lĩnh vực Công nghệ thông tin rất rộng, gồm nhiều ngành trải dài từ hệ đào tạo đại trà, tiên tiến đến chương trình Quốc tế với phổ điểm chuẩn rất rộng. Các bạn có thể tìm hiểu thêm những ngành thuộc nhóm lĩnh vực công nghệ thông tin ở chương trình Quốc tế với điểm chuẩn thấp hơn. Tuy nhiên, nếu bạn còn cảm thấy đuối sức thì cứ căn cứ theo điểm thi để điều chỉnh đăng ký.

Ngoài ra, các bạn có thể theo dõi dự báo điểm chuẩn của ĐH Bách khoa để đưa quyết định. Trong trường hợp điểm chuẩn vẫn không đáp ứng được để vào lĩnh vực công nghệ thông tin của Bách Khoa thì nên nghĩ đến chuyện chọn trường khác.

Tuy nhiên, không phải cứ học công nghệ thông tin mới ra làm công nghệ thông tin. Một số ngành như Toán tin, Cơ điện tử, Hệ thống giáo dục quản lý… có nhiều môn học liên quan đến công nghệ thông tin. Điểm chuẩn những ngành này không cao bằng và bạn có thể cân nhắc để đưa ra quyết định.

Phải làm sao nếu sắp thi rồi vẫn không biết chọn trường gì, ngành gì?

Nhật Chung: Sắp thi rồi nhưng em vẫn băn khoăn không biết chọn trường gì, ngành gì. Em muốn hỏi thầy là khi chọn ngành học, chọn trường thì nên dựa vào tiêu chí gì?

Hồi của chúng tôi, thông tin rất thiếu, các bạn bây giờ thông tin nhiều nhưng chính ra nhiều quá lại khó lựa chọn (cười). Tôi nghĩ là các bạn cần có bộ lọc thông tin tốt. Thời chúng tôi đã nghe danh tiếng Bách khoa rồi và có những tư vấn từ người thân, bạn thân bố tôi dạy Bách khoa có những định hướng cho tôi rất sát.

Tôi cảm thấy theo định hướng này là phù hợp với bản thân, ví dụ bố tôi học Đại học giao thông, cũng có những định hướng làm giao thông, nhưng tôi thích Bách khoa nên tôi chọn nó.

Theo thống kê, khi được hỏi vì sao lại chọn Bách khoa thì đa phần sinh viên đều nói: vì danh tiếng, chất lượng đào tạo tốt. Tôi nghĩ đây cũng có thể sẽ là một số tiêu chí để các bạn đánh giá.

Chất lượng đào tạo và danh tiếng cũng chính là 2 yếu tố giúp tôi đưa ra quyết định và mãi đến sau này, tôi vẫn thấy thoải mái, yên tâm với lựa chọn của mình.

Trọng Quang: Dạo gần đây em rất căng thẳng vì áp lực học hành và chọn ngành. Bố mẹ em thì đọc nhiều bài báo về ngành học hot và bắt em nghiên cứu mấy ngành đó, toàn là ngành kinh tế mà em thì học xã hội. Em muốn hỏi là làm thế nào để thuyết phục bố mẹ không ép buộc em?

Đây là vấn đề chung mà nhiều gia đình gặp phải. Tôi có thể dẫn chứng đó là hàng năm, rất nhiều bạn sinh viên Bách khoa Hà Nội bị đuổi học mà nguyên nhân chính là do không thỏa mãn với ngành học của mình.

Lý do không thỏa mãn có thể là do bố mẹ bắt vào hoặc vì điểm thi không cao lắm nên cứ đăng ký đại vào Bách khoa. Khi vào được rồi, nhiều người lại thất vọng dẫn đến chất lượng học tập kém đi. Ra trường sớm và lại lựa chọn ngành khác, trường khác để học.

Vì thế, tôi nghĩ lựa chọn sao cho đúng là điều rất quan trọng, đừng để phí hoài mất 1 vài năm tuổi trẻ.

Về phía bố mẹ, tôi nghĩ khi họ ngăn cản cũng là vì có lý do như sự định hướng, mối quan hệ việc làm sau này… Vậy nên, cách tốt nhất để thuyết phục là bạn nên trao đổi thẳng thắn với cha mẹ.

Về vấn đề chọn ngành, chọn trường, tôi nghĩ quan trọng nhất là dựa theo đam mê, năng lực. Học và làm ở lĩnh vực mình không thích, không đam mê thì rất khó sáng tạo, cống hiến và thành công.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Team Sinh viên TV

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc