Theo kế hoạch tuyển sinh đặc biệt của Đại học này, nhà trường sẽ tiếp nhận các sinh viên vào học ở trường này nếu họ sở hữu tài khoản YouTuber có ít nhất 10.000 người theo dõi và tạo ra các nội dung gốc có hơn 100.000 lượt người xem.
Bất cứ ai đáp ứng tiêu chí trên sẽ tiếp tục kiểm tra kỹ năng sáng tạo một đoạn video clip có thời lượng từ 3 đến 5 phút.
Những người được tuyển sinh sẽ vào học ở các chuyên ngành kinh tế, khoa học xã hội- chính trị, luật, chế tạo máy và máy tính.
Theo Tuổi Trẻ Online, Hiệu trưởng UPNVJ, bà Erna Hernawati, xác nhận nhà trường đã thêm điều kiện tuyển sinh các YouTuber trong chương trình tuyển sinh năm nay.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh các YouTuber muốn vào trường sẽ được một ủy ban sàng lọc để đảm bảo các kênh của họ chỉ xuất bản những nội dung tích cực.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận những người đăng tải nội dung khiêu khích. Chúng tôi cũng sẽ kiểm tra các kỹ năng của ứng viên bằng cách yêu cầu họ làm một video 2-3 phút trong khuôn viên trường. Vì vậy, nếu bạn có 10.000 người đăng ký, bạn cũng chưa chắc đã được tuyển”, bà nói.
Được biết, việc tuyển sinh vào đại học ở Indonesia có tính cạnh tranh rất cao, trong khi các trang mạng xã hội đang ngày càng được phổ biến tại quốc gia có dân số hơn 260 triệu người này.