Ngoài ra, Bộ cũng hủy bỏ Quyết định số 2450/QĐ - BGDĐT về việc thành lập hội đồng kỷ luật công chức mà Bộ GD-ĐT đã ban hành trước Thông báo số 878 nêu trên.
Việc thu hồi thông báo và hủy bỏ quyết định thành lập hội đồng kỷ luật công chức được cho là do nội dung các văn bản này chưa chặt chẽ, chưa đủ cơ sở pháp lý. Còn việc gian lận thi cử năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La đã có kết luận, Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng cũng đã yêu cầu xem xét trách nhiệm của các cán bộ liên quan. Vì thế, Bộ GD-ĐT vẫn sẽ phải thực hiện các bước trong quy trình xử lý này.
Trước đó, ngày 21.8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An ký Thông báo số 878 về việc xem xét xử lý kỷ luật công chức. Theo thông báo, trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học chính quy năm 2018, đã xảy ra tiêu cực và gian lận ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã thông báo xem xét kỷ luật đối với 13 cán bộ công chức, trong đó có các cán bộ lãnh đạo cấp cục, vụ, chánh/phó thanh tra Bộ GD-ĐT.
Ngày 30.8, Bộ GD-ĐT gửi các cơ quan báo chí một thông báo khác để giải thích Thông báo số 878. Theo đó, 13 cán bộ kể trên chưa phải là các công chức bị kỷ luật mà chỉ nằm trong danh sách xem xét. Tuy nhiên, nhiều cán bộ trong số này tỏ ra bức xúc, thậm chí làm văn bản đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem xét thông báo trên, do thông báo chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, không thỏa đáng, ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ.
Một nguồn tin khác cũng cho biết dù rút và hủy các thông báo, quyết định nói trên nhưng Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GD-ĐT vẫn đang thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra T.Ư và kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan tới gian lận thi cử năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Tinh thần của việc xem xét là sẽ làm từ Ban Cán sự Đảng trở xuống, nghĩa là bao gồm cả bộ trưởng, thứ trưởng, các đơn vị, tập thể, cá nhân, bất kỳ ai có liên quan.
“Không phải là kỷ luật, mà là xem xét trách nhiệm để rút kinh nghiệm. Nếu có vi phạm thì mới xem xét kỷ luật. Vì thế, diện được đưa ra xem xét không phải chỉ 13 người mà có thể nhiều hơn. Bộ trưởng, thứ trưởng, lãnh đạo các cục, vụ, thành viên các đoàn kiểm tra cũng cần phải được xem là những người liên quan”, nguồn tin này giải thích.
Trước đó, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành các thông báo, quyết định thành lập hội đồng kỷ luật công chức, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã gửi phản hồi tới Thứ trưởng Lê Hải An và Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT (đơn vị tham mưu ra các văn bản nội bộ). Nội dung phản hồi có đoạn viết: “Việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng, song đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương. Các công chức thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm. Việc ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21.8 và các văn bản liên quan đến 6 công chức cơ quan thanh tra là không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến cơ quan thanh tra và cá nhân các đồng chí”.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết đang tiến hành quy trình xem xét kiểm điểm trách nhiệm về mặt Đảng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc gian lận thi cử năm 2018. Bên cạnh đó, xét thấy các văn bản nội bộ về việc xem xét xử lý kỷ luật công chức chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, Bộ đã quyết định thu hồi các văn bản nội bộ chưa thực hiện để tiến hành quy trình xem xét kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng như hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện quy trình xem xét kiểm điểm về mặt Đảng đối với các cán bộ là đảng viên trước, nên phải tạm dừng việc xử lý về mặt chính quyền.