90% sinh viên mới ra trường thiếu kỹ năng mềm và doanh nghiệp phải đào tạo tại chỗ
Là một giảng viên lâu năm của Đại học Kinh tế, ông đánh giá như thế nào về kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay, cái thiếu nhất của sinh viên là gì?
Nhà tuyển dụng đánh giá người lao động trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Thực tế đa số các bạn khi đi làm chỉ dùng 25% kiến thức chuyên môn, 75% còn lại là những kỹ năng mềm.
Trong thời đại công nghệ số, nhu cầu thị trường và công nghệ liên tục thay đổi, nhiều vị trí nhân sự được tự động hóa. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho các bạn sinh viên, đòi hỏi các bạn phải được trang bị nhiều hơn các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề…
Khảo sát với doanh nghiệp và sinh viên cho thấy, 90% các bạn đi làm thiếu kỹ năng mềm và doanh nghiệp phải đào tạo tại chỗ (on-job training). Con số này cho thấy việc rèn luyện và phát triển năng lực của các bạn sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường rất quan trọng. Các bạn cần có kỹ năng đọc và tự học suốt đời (life-long learning).
Nếu so sánh sinh viên Việt Nam và thế giới về kỹ năng sống, ông thấy khoảng cách này như thế nào?
Tôi quan sát các bạn sinh viên nước ngoài được định hướng nghề nghiệp rất sớm. Người ta trang bị kỹ năng mềm và định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ từ khi ngồi trên ghế trường phổ thông. Tôi ngạc nhiên khi vào một Bệnh viện tại Mỹ và được hướng dẫn quy trình thăm khám bởi một học sinh cấp 3.
Tôi hỏi và được biết bạn học sinh này đến đây thực tập để kiểm chứng mơ ước trở thành bác sĩ có khả thi? Nói chuyện thì bạn này cho biết, năm trước đó, bạn cũng từng đến một Gara ô tô để xem công việc thợ máy có phù hợp nếu không vào Đại học?
Trong các cuộc tranh luận quốc tế, tôi thấy sinh viên các quốc gia phát triển tự tin bảo vệ quan điểm nhưng không quên cân bằng với kỹ năng lắng nghe. Vì vậy, kết quả cuộc tranh luận được giải quyết triệt để, hiệu quả. Khả năng bảo vệ quan điểm và biết lắng nghe sửa chữa được các doanh nghiệp rất quan tâm nhưng không phải ứng viên nào cũng có.
Nhiều kỹ năng mềm đã được rèn luyện trên ghế nhà trường nhưng nhiều bạn sinh viên không lưu tâm hoặc bị lôi cuốn bởi nhiều hoạt động mang tính giải trí nhất thời. Các bạn nên nhớ cơ hội đôi khi chỉ đến một lần, cần phải biết tận dụng.
Ông đã có những khảo sát gì về thị trường lao động và những kỹ năng mà thị trường đang cần ở sinh viên mới tốt nghiệp ra trường?
Trước khi tổ chức một khóa đào tạo kỹ năng, chúng tôi thực hiện khảo sát toàn diện từ sinh viên, giảng viên đến doanh nghiệp. Các kỹ năng được chia thành các tầng khác nhau gồm tầng kỹ năng phổ quát cho mọi ngành, tầng kỹ năng đặc thù cho từng ngành nghề, và tầng kỹ năng chuyên biệt cho những vị trí chức vụ khác nhau.
Trong bối cảnh thị trường số hóa với các ngành đều thực hiện chuyển đổi số, sinh viên cần được trang bị các lớp kỹ năng như kỹ năng học tập và đổi mới (learning and innovation skills), tư duy phản biện (critical thinking), giải quyết vấn đề (problem solving), giao tiếp và hợp tác (communications and collaboration), kỹ năng sáng tạo và đổi mới (creativity and innovation).
Trong đó, kỹ năng giải quyết vấn đề rất quan trọng, là yếu tố các nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên. Sinh viên ngày nay nhiều ý tưởng (mở bài tốt) nhưng việc thực hiện ý tưởng (thân bài) và giải quyết (kết luận) còn nhiều vấn đề phải bàn.
Các bạn chưa thể bảo vệ chính kiến trước đám đông, chưa biết làm việc nhóm, chưa hợp tác hiệu quả. Ngoài ra, tư duy phản biện của sinh viên còn yếu do sợ sai, sợ bị đánh giá, chưa dám bước ra khỏi vùng an toàn (comfort zone).
Trong các cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng liên tục đặt các câu hỏi kích thích khả năng tư duy phản biện, nhìn nhận 360 độ ứng viên.
Mục tiêu của nhiều bạn trẻ đang bị dẫn dắt bởi truyền thông và mạng xã hội…
Có hiện tượng nhiều người trẻ ra trường đi làm thường hay có thái độ chảnh, đòi lương cao, muốn an nhàn. Khi gặp khó khăn, bị sếp la là tỏ thái độ… nhảy việc. Ông đánh giá sao về hiện tượng này?
Việc liên tục chuyển việc, bỏ làm thuê để chuyển sang khởi nghiệp là thực tế tại Việt Nam. Tôi đánh giá điều này không xấu nhưng tôi muốn các bạn hiểu hơn 95% các start-up thất bại. Số ít start-up thành công được tôn vinh, được truyền thông rộng rãi khiến các bạn nghĩ khởi nghiệp thật đơn giản. Hãy thương cha mẹ và người thân phải gánh chịu những khoản nợ do các bạn tạo ra khi start-up thất bại.
Trước khi khởi nghiệp hãy tiếp nhận kỹ năng và tri thức, tận dụng cơ hội việc đang có để học hỏi kinh nghiệm phục vụ quản lý sau này. Nhiều bạn loay hoay 4, 5 năm sau khi ra trường vẫn không tìm được chỗ làm tử tế, nhảy việc vì nghĩ rằng công việc không phù hợp.
Bạn có từng nghĩ bạn đã hết mình vì công việc và dành đam mê đủ chưa? Nếu nghĩ mình là công chúa hay hoàng tử đi làm thì thành công không bao giờ đến. Bạn chỉ có được thu nhập hậu hĩnh nếu bạn là người không-ai-tốt-hơn ở vị trí đó. Bạn hãy tốt hơn chính bạn mỗi ngày và những điều tốt đẹp hơn sẽ tự đến.
Kinh nghiệm của tôi cho thấy các bạn chưa cần nhắm tới những công ty có tên tuổi lớn. Việc bạn cần là một sếp có tâm có tầm, sẵn sàng dạy cho bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính bạn...
Một người trẻ thành công, theo ông là họ đạt được những mục tiêu nào?
Thành công đối với mỗi người sẽ khác nhau. Thành công mang tính cá nhân vì quan điểm mỗi người không ai giống ai. Mỗi bạn trẻ đều có mục tiêu, định hướng, hoài bão riêng.
Các bạn tự đặt tiêu chuẩn thành công riêng ở mỗi nấc thang cuộc đời. Ví dụ, đối với một số bạn kiểm soát sự sợ hãi trước thất bại đã là thành công, hay có bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn đã là thành công.
Khi dạy trên lớp, tôi thường hỏi mục tiêu của các bạn sinh viên thì nhận thấy mục tiêu của nhiều bạn trẻ đang bị dẫn dắt bởi truyền thông và mạng xã hội.
Tôi khá lo lắng về điều này, với vai trò của mình ở Viện Kỹ năng và Trí tuệ Sáng tạo, tôi hy vọng sẽ giúp được các bạn trẻ trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn so với họ của ngày hôm qua.
Trong giai đoạn dịch bệnh, tâm lý sinh viên có nhiều thay đổi khi phải học online và ra trường cũng không dễ xin việc. Ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?
Đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho tất cả chúng ta trong học tập hay làm việc. Chúng ta phải chuyển qua học online, dạy online và làm việc online. Điều này có ảnh hưởng nhất định đối với chất lượng học tập của các bạn sinh viên. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đó là cơ hội để các bạn thay đổi. Tôi thường kể cho các bạn sinh viên ý nghĩa từ cơ hội (chance) và từ thay đổi (change) rất giống nhau.
Hãy tận dụng nó để biến "CHANCE thành CHANGE". Học online đang giúp các bạn tận dụng tốt thời gian ở nhà và tìm được những nguồn tài liệu học tập uy tín. Thông tin trên mạng vô tận nên bạn cần trang bị kỹ năng sàng lọc thông tin để trở thành học thông thái, để có bước đi đúng đắn và lựa chọn đúng hướng cho phát triển bản thân sau này.