2018 là năm đáng nhớ với Nguyễn Thế Quỳnh khi nhận được thư báo trúng tuyển kèm hỗ trợ tài chính từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - đại học số 1 thế giới trong sáu năm liên tiếp và Đại học Stanford - trường xếp thứ hai trên bảng xếp hạng QS trong hai năm gần đây.
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, bố mất từ khi em còn học THCS, mẹ bận bịu với công việc buôn bán chạy chợ để nuôi hai anh em ăn học, Quỳnh luôn quyết tâm đạt kết quả cao trong học tập để mẹ và anh trai tự hào.
Vốn đam mê Vật lý từ những năm học cấp hai, Quỳnh đạt được nhiều thành tích với môn học này và được mệnh danh là “chàng trai vàng” Vật lý Việt Nam. Năm 2016, Quỳnh là một trong hai học sinh Việt Nam giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế. Cùng năm đó, em đạt huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á.
Năm 2018, em tiếp tục giành vàng, qua đó giúp đội tuyển Vật lý Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong lịch sử dự thi Olympic quốc tế, đứng thứ năm sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore. Ngày 17/5 vừa qua, Quỳnh là một trong hai học sinh tiêu biểu toàn quốc được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba vì có thành tích xuất sắc trong học tập.
Quỳnh được tuyển thẳng vào ngành Vật lý học của Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay từ khi chưa nhập học, em đã đặt mục tiêu xin học bổng của Viện Công nghệ Massachusetts - ngôi trường nổi tiếng về nghiên cứu các ngành kỹ thuật, trong đó có Vật lý.
Chàng trai sinh năm 1999 chia sẻ sớm có ước mơ chinh phục đại học Mỹ vì quốc gia này có môi trường học tập lý tưởng với nhiều sinh viên quốc tế, các giáo sư đầu ngành và cơ sở vật chất tốt. Tuy nhiên, phải đến sau tấm huy chương vàng thứ hai trên đấu trường quốc tế, em mới có đủ thời gian để hoàn thành hồ sơ.
Giống như nhiều bạn khác, Quỳnh phải trải qua các bài thi chuẩn hóa TOEFL và SAT. Kết quả hai bài thi không cao trong khi MIT và Stanford có tỷ lệ cạnh tranh gay gắt khiến em từng nghĩ cơ hội nhận học bổng khá thấp. “Nhưng rồi, em bình tĩnh lại và hạ quyết tâm phải hoàn thành tốt bài luận và cuộc phỏng vấn với trường”, Quỳnh nói.
Bài luận của Quỳnh đề cập đến tình yêu với quê hương Quảng Bình, nơi người dân phải hứng chịu nhiều thiên tai, thiếu nước sạch… Em muốn tìm được giải pháp công nghệ giúp người dân sống tốt hơn trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Bài luận đã thể hiện được em là ai, đến từ đâu, đam mê lĩnh vực gì.
Bên cạnh đó, Quỳnh cũng chia sẻ niềm yêu thích bóng đá trong bài luận, khẳng định không phải lúc nào cũng chỉ biết tới học mà vẫn cân bằng việc học với những sở thích cá nhân để tạo hứng thú trong cuộc sống.
“Em rất yêu bóng đá và có lẽ nó chiếm tới 30% thời gian của em. Hồi học cấp 3, em đá bóng 3-4 buổi một tuần. Sau này tham gia đội tuyển quốc tế, ở Hà Nội nhiều, em không còn được đá bóng nữa. Thay vào đó, em thức đêm xem bóng, thỉnh thoảng chơi game bóng đá trên điện thoại và máy tính”, Quỳnh kể lại.
Thầy Nguyễn Phượng Hoàng, giáo viên chủ nhiệm của Quỳnh ở lớp chuyên Vật lý, trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), từng nhận xét Quỳnh giỏi Toán và có khả năng áp dụng Toán để giải bài tập Vật lý. Thành tích đạt được rất xứng đáng với những gì em đã cố gắng.
Trúng tuyển và giành học bổng 7 tỷ đồng từ Stanford và MIT, Quỳnh vẫn quyết định chọn MIT như dự tính ban đầu bởi “ngôi trường này rất hợp với tính cách có phần hướng nội của em”. Đây cũng là trường đòi hỏi làm việc cường độ rất cao và Quỳnh muốn thử sức với điều đó.
Mùa thu tới, Quỳnh sẽ trở thành tân sinh viên chuyên ngành Khoa học vật liệu của MIT. Chưa vạch ra quá nhiều dự định, Quỳnh hy vọng sẽ hoàn thành tốt bốn năm đại học ở Mỹ. “Chàng trai vàng” Vật lý khuyên các em khóa sau có ý định du học cần thường xuyên trau dồi các kỹ năng, kiến thức chuyên môn, tham gia kỳ thi học thuật và hoạt động ngoại khóa, chăm xem các bài giảng từ người nổi tiếng để sớm hình thành tư duy xã hội nhằm tìm thấy bản thân.