Những ngày qua, căn nhà cấp bốn của nam sinh Hà Manh ở xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh - đầy ắp tiếng cười. Hàng xóm, người thân đến chúc mừng người con của dân tộc T'ring - sống huyện miền núi Khánh Hòa, giáp ranh Lâm Đồng - đạt 9,25 điểm môn Văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Nước da đen, dáng người dong dỏng, gương mặt hiền lành, Hà Manh cho biết rất bất ngờ vào kết quả thi THPT quốc gia, nhất với môn Văn. “Em truy cập mạng xem điểm nhiều lần mới tin đó là sự thật. Bài thi em làm khá tròn trịa, song không nghĩ điểm cao đến thế”, chàng trai T'ring nói.
Nam sinh cho biết, đợt thi học kỳ 2 vừa rồi, biết kết quả môn Văn chỉ 6,5 điểm, cậu khá buồn. Vì ngoài sở thích ra, Manh được đánh giá một trong những học sinh có thành tích tốt môn Văn. “Đợt ấy em không đọc kỹ đề, rồi phần áp lực nên đã loay hoay, khiến bài thi không đạt như ý muốn”, Manh nói.
Rút kinh nghiệm lần trước, sát kỳ thi THPT, Manh dành thời gian hơn để tìm đề trên mạng từ dạng trung bình đến khó rồi làm thử, đo thời gian như đang làm bài thật. Mỗi lần vào làm, nam sinh tập trung cao độ lẫn áp dụng kiến thức và kỹ năng sống, phần nào chưa hiểu lại tìm gặp thầy cô để nắm rõ.
“Hôm thi Văn, áp lực nhưng em tự trấn an bản thân, làm từng bước, không hấp tấp, tránh sai sót và rồi kết quả ngoài sức tưởng tượng”, Manh chia sẻ.
Thiếu tình thương của cha từ hồi 7 tuổi, gia cảnh khó khăn, khiến các anh chị phải lần lượt nghỉ học phụ mẹ, chăm em và lo cho Manh đi học. “Em cảm cảm nhận được mọi thứ xung quanh dù nhỏ nhất để có thái độ học nghiêm túc”, nam sinh bộc bạch.
Với Manh, môn Văn rất rộng nên không học tràn lan mà chia ra từng giai đoan cụ thể. Chẳng hạn, khi học cậu nắm vững hoàn cảnh cũng như thời điểm sáng tác ra tác phẩm của mỗi tác giả. Trong những tác giả đấy, họ sống trong những gia đoạn nào, phong cách của mỗi người theo khuynh hướng sử thi, nhân đạo, lãng mạn hay yêu nước.
Trên lớp tại trường phổ thông dân tộc nội trú Khánh Hòa, cách nhà 60 km, Manh tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài, ghi chép đầy đủ. “Ngoài sách vở, em có thêm sổ ghi chép lại những kiến thức giáo viên giảng, khi trở về thì đọc lại thêm đôi lần để ghi nhớ”, nam sinh nói và cho biết đã đọc sách báo mỗi ngày để nắm kiến thức thời sự.
Ở ký túc xá, mỗi sáng cậu thức dậy sớm và ngủ muộn hơn để học bài và thường đọc thêm sách tham khảo để bổ sung kiến thức, nhất các bài văn mẫu. Mỗi lần mệt mỏi, hoặc không học được nữa thì cậu lại tìm cách thư giãn cho thoải mái, sau mới tiếp tục việc học.
“Tiền mua sách là do em đi làm thêm để dành, vì toàn bộ học phí đã được hỗ trợ 100%, nên em ít bị áp lực về điều này”, Manh nói rồi cho biết, hôm Tết năm rồi đã làm thêm 8 ngày ở Nha Trang được gần 3 triệu đồng, dùng tặng quà cho mẹ và chi tiêu.
Với tổng điểm các môn khối C 21,5 (Địa 7,25, Sử 5), Manh đăng ký nguyện vọng vào ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của ĐH Đà Lạt. “Em mong muốn sau trở thành người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhất là hướng dẫn viên, rồi trở về Nha Trang làm việc cho gần nhà”, Manh tâm sự.
Ngồi cạnh con, bà A Khía (59 tuổi), mẹ nam sinh không giấu được hạnh phúc, bà liên tục cười. Theo bà, với người T'ring, trẻ mới lớn thì theo cha mẹ lên rẫy, làm quần quật từ sáng sớm đến tối. Con gái đến tuổi gả chồng. Cuộc sống cứ thế, đủ lo kế sinh nhai nên ít ai màn đến trường, con chữ.
Gia đình bà may mắn hơn, khi chồng bà từng làm việc ở xã. Ông được tiếp xúc nhiều người, nên cách nghĩ khá thoáng hơn khi phát hiện bản thân ít chữ thì lắm thiệt thòi nên quyết tâm cho các con đến trường đi học.
Giọng nghèn nghẹn, bà Khía bảo, hồi con trai út bà học lớp 2 thì chồng bà mất trong cơn bạo bệnh. Gánh nặng mưu sinh, 6 con lớn lần lượt phải nghỉ. Riêng Hà Manh, được mọi người động viên và giúp đỡ của các anh nên bám trụ với con chữ tới bây giờ, có lẽ vì điều đó cũng là động lực cho con bà đeo đuổi việc học. “Nếu giờ chồng tôi còn sống sẽ rất vui và tự hào”, bà bộc bạch.
Cô Trần Thị Thúy Hằng, giáo viên chủ nhiệm Hà Manh cho biết, từ khi hay tin cậu học trò đạt điểm cao môn Văn đã rất mừng, song không mấy bất ngờ, bởi em nắm kiến thức rất vững. Tại lớp, Hà Manh là một học sinh ngoan, chịu khó và có học lực giỏi.
“Ngoài khả năng tư duy, Manh có kiến thức xã hội rất tốt và xử lý các bài tập một cách tròn trịa. Nhiều bài làm của em trong môn Văn của em được giáo viên bộ môn đánh giá cao”, cô Hằng nhận xét.