Từ trước đến nay, việc học hành của con cái luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, chính vì thế nên ngày đầu tiên dắt con đến trường luôn là cột mốc đáng nhớ nhất trong quãng đời của những người làm bố, làm mẹ. Sau đó, nhiều phụ huynh thậm chí còn không ngần ngại chi ra những số tiền vô cùng lớn, những con số mà ít ai ngờ tới chỉ để mong đổi lại được một điều, đó chính là biến con mình trở thành một nhân tài.
Thế nhưng có một số phụ huynh lại không suy nghĩ như thế bởi họ cho rằng, học gì cũng được, học như thế nào cũng được, quan trọng là con của mình làm sao để trở thành một người tử tế, giúp ích cho xã hội, thế thôi là đã đủ vui lòng rồi. Và mới đây, một ông bố nhân dịp con gái yêu của mình bước chân vào lớp 1, sự khởi đầu cho chặng hành trình chinh phục tri thức đã gửi gắm tâm tư của bản thân qua một bài thơ do chính tay mình viết nên.
Nội dung trong bài thơ không phải là những mơ ước viễn vong rằng con mình phải trở thành một kỹ sư, bác sĩ hay là một quân nhân mà điều đơn giản ở đây chỉ là mong làm sao cho cô con gái hãy trở thành một người tử tế và biết tận hưởng được niềm vui của mình qua những điều mới mẻ được học hằng ngày.
Nguyên văn bài thơ này như sau:
Đưa con vào lớp một
Ngày xưa, ông nội chở ba vào lớp một.
Nhà hai tầng lần đầu ba nhìn thấy.
Sân trường thì quá rộng.
Hôm sau, ba tự đi bộ đến trường.
Hôm nay, ba mẹ chở con vào lớp một.
Nhà cao tầng con đã quá quen.
Sân trường không quá rộng.
Ngày mai, ba mẹ lại chở con đến trường.
Mười hai năm tới cũng chỉ mới bắt đầu.
Bút vở sẽ gắn liền với con như cung tên của người kỵ sỹ.
Con sẽ bắn lên.
Những mơ ước của mình.
Ba không muốn con đến trường vì điểm chín, điểm mười.
Nhưng con hãy tận hưởng niềm vui khi biết thêm những điều mới mẻ!
Ba không muốn con là một cô học trò chăm chỉ.
Nhưng con hãy hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ba cũng không muốn con phấn đấu hạnh kiểm tốt.
Nhưng cha muốn con trở thành một người tử tế.
Tử tế với mình!
Tử tế với người, nghe con!
Được biết, ông bố của bài thơ này chính là anh Phạm Nguyên Thạch (quê Quảng Bình). Anh Thạch xuất thân là học sinh chuyên Toán của trường chuyên ĐH Sư phạm Vinh và đã từng được giải Quốc gia ở môn Toán học. Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa chuyên ngành Công nghệ thông tin, ông bố này không theo chuyên ngành mà rẽ hướng sang lĩnh vực tư vấn tài chính. Hiện anh Thạch đang giữ vai trò quản lý cho một công ty chứng khoán lớn có chi nhánh tại Hà Nội.
Ngoài việc không quá đặt nặng thành tích vào con gái thì anh Thạch còn khiến nhiều người phải kính nể bởi phương pháp giáo dục hiện đại. Thay vì đủ khả năng lựa chọn một ngôi trường ngoài công lập với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn rất nhiều thì ông bố này lại đi ngược lại, chỉ cho con gái theo học tại một ngôi trường công lập gần nhà.
Mỗi cuối tuần, thay vì ép con đi học thêm thì gia đình anh Thạch thường dẫn bé đi chơi và tham gia các hoạt động ngoài trời với suy nghĩ cho con học các lớp kỹ năng sống để giúp con tự tin, hoạt bát hơn chứ sẽ không ép con phải học nhiều, theo đuổi các thành tích trên lớp học.
Ngay sau khi được đăng tải, bài thơ cũng như là cách dạy con của anh Thạch đã nhận được nhiều lời khen từ cư dân mạng. Đa phần người dùng đều cho rằng, việc chạy theo những thành tích hư ảo là điều hoàn toàn không nên mà thay vào đó, các bố mẹ nên nắm được đâu là điểm mạnh, điểm yếu để từ đó phát huy được hết khả năng của con cái thay vì rải đều ở tất cả các lĩnh vực.
Ngoài ra, việc cho con của mình theo đuổi đam mê bản thân cũng chính là một trong những điều giúp trẻ giải tỏa được rất nhiều những áp lực, từ đó tránh được những hệ lụy không đáng có sau này.