Ngày 6/9, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc gửi Văn phòng Chính phủ về việc trả lời đề xuất, kiến nghị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh phổ thông của Bộ GD&ĐT với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021.
Theo báo Lao Động, trả lời về vấn đề nói trên, Bộ Y tế dự kiến cung ứng được 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đến hết tháng 4/2022. Cơ quan này đã rất tích cực tiếp cận các nguồn vắc xin. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng vắc xin phòng Covid-19 cung ứng cho Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu phòng, chống dịch.
Trên cơ sở tình hình dịch phức tạp tại các địa phương, số lượng vắc xin cung ứng và căn cứ đối tượng được tiêm, Bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo Bộ Y tế, khi nguồn cung ứng vắc xin đáp ứng đủ, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn và phân bổ vắc xin về các địa phương. Khi đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có người dưới 18 tuổi bao gồm học sinh.
Theo Zing.vn, ngày 6/9 vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định dạy và học trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là nhiệm vụ của ngành giáo dục, cần có sự chung tay, góp sức của của cả xã hội, các bộ ngành, chính quyền địa phương.
Ông nhấn mạnh các cấp, địa phương, cơ sở giáo dục cần tranh thủ thời gian này, giúp học sinh được học tập đầy đủ, kịp thời. Nếu đủ điều kiện, Bộ GD&ĐT đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho học sinh, giáo viên.
Về vấn đề đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án đẩy mạnh hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục tận dụng những bài giảng, tài liệu điện tử.
Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị kho học liệu, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và YouTube. Học sinh, giáo viên dễ dàng truy cập.
Những bài giảng này cũng được phát hàng ngày trên sóng truyền hình, cụ thể là VTV1, VTV2 và VTV7. Các kênh truyền hình địa phương có thể tải và phát sóng các bài giảng để học sinh có thêm kênh tiếp nhận kiến thức.