Bên lề sự kiện đón tiếp các đơn vị giáo dục Anh của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội ngày 4.12, trả lời câu hỏi của Lao Động về đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 , Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Bộ Giáo dục đang triển khai mạnh nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2080 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quyết định này được ban hành theo hướng chú trọng đến chất lượng thiết thực, “một mặt quảng đại cho nhiều người biết tiếng Anh, tạm gọi là “xoá mù”, mặt khác phải đi vào chiều sâu dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông, đại học”.
“Tới đây, Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông, tăng cường khảo thí cũng như đánh giá chất lượng, sao cho chất lượng phải được quốc tế công nhận” - Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng cho biết, việc xã hội hoá trong dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ nói chung, trong đó có tiếng Anh, nâng cao chất chất lượng giáo dục, gắn với hội nhập quốc tế là một trong những ưu tiên được Bộ đẩy mạnh trong năm 2019.
“Tôi rất muốn giáo dục Việt Nam trình độ phải chuẩn hoá và hội nhập quốc tế, ngay từ các chương trình và các hoạt động. Chúng tôi đang nhờ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Anh và Cambridge hỗ trợ trong việc đào tạo, khảo thí, để dần dần khảo thí tiếng Anh của Việt Nam phải tiến đến quốc tế. Như vậy vừa giảm được chi phí đầu tư của nhà nước, đồng thời chất lượng vừa được quốc tế công nhận. Đây là hướng đi đẩy mạnh quốc tế hoá giáo dục tại Việt Nam mà Bộ sẽ chú trọng trong thời gian tới” - Bộ trưởng nói.
Trong tháng 1.2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự kiến có chuyến thăm Anh dự diễn đàn hợp tác giáo dục quốc tế và làm việc với các bộ, đại học của Anh. Bộ trưởng cho biết sẽ giới thiệu và thu hút sự quan tâm của các cơ sở giáo dục Anh để họ đầu tư vào Việt Nam, đưa chương trình, các chi nhánh, lập các trường đại học của Anh ở Việt Nam, để số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam học chương trình của Anh, có bằng cấp của Anh tăng lên. Điều này nhằm một phần để giảm chi phí ngoại tệ ra nước ngoài và là cơ hội tốt để giao lưu toàn cầu.
“Tôi tin rằng tới đây sẽ có nhiều cơ sở giáo dục của nước ngoài đến Việt Nam, để người dân Việt Nam chưa có nhiều điều kiện về kinh tế có thể tham dự các chương trình học quốc tế, đồng thời được gần gia đình. Tôi muốn nhấn mạnh cách thức hội nhập 2 chiều như thế hơn là chỉ đưa sinh viên Việt Nam ra nước ngoài” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.