Toán tiểu học từ lâu trong định nghĩa của nhiều người luôn là những bài toán tương đối dễ dàng, không quá cầu kỳ phức tạp như cấp 2 hay cấp 3. Thế nhưng khác với ngày xưa thì toán học ngày nay lại thường xuyên có những câu hỏi “hóc búa” hay mẹo để nâng tầm tư duy cho học sinh, giúp các em tiếp cận với những phương pháp học tập hiện đại.
Thế nhưng không phải phụ huynh nào cũng đồng tình với quan điểm này, điển hình như trường hợp một bài toán tiểu học mới đây đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Theo đó một phụ huynh đã lên mạng nhờ đến sự trợ giúp của người dùng trước một bài toán lớp 3 mà mới nhìn vào thôi cũng đủ hoa mắt chóng mặt.
Nguyên văn bài toán lớp 3 khiến phụ huynh thắc mắc như sau:
“Hôm nay được nghỉ, Tí sang nhà Tôm, đúng lúc Tôm đang ăn kẹo, Tí liền xin kẹo. Tôm đồng ý và nói: 'Tớ để kẹo trong 2 tay, Tí chọn được bên nào tớ cho bên đó', nói rồi Tôm đưa hai nắm tay ra cho Tí chọn. Tuy nhiên, sau cả 5 lần cho Tí theo cách chọn nắm tay, số kẹo của Tôm vẫn không thay đổi. Em hãy giải thích vì sao?”.
Đọc qua thì xem có vẻ dài dòng, thế nhưng đại ý mà tác giả của câu hỏi này muốn nhắm đến chính là cho viên kẹo vào 1 trong 2 lòng bàn tay rồi chọn 5 lần bất kỳ, thế nhưng vì sao cả 5 lần đều không trúng được kẹo.
Đa số các phụ huynh sau khi đọc qua bài toán này đều “sốc” khi nhiều người cho rằng, đây là một dạng thuộc toán xác suất thống kê mà học sinh được học ở chương trình phổ thông, cớ sao lại xuất hiện ở lớp 3? Tuy vậy một số cũng đưa ra cách lý giải và nhận được không ít sự đồng tình của cư dân mạng.
Điển hình như một phụ huynh giải bài toán này theo xác suất thống kê và cho ra kết quả mà Tí rơi vào là 3,125%, một hiệu suất rất khó xảy ra. Một số khác cũng cho rằng, thực chất trong tay Tôm chẳng có bất kỳ một viên kẹo nào cả, và qua 5 lần bốc mặc cho có là tay phải hay tay trái đi chăng nữa thì số kèo vẫn không thay đổi!
Trên thực tế, bài toán này cũng không hề quá cao siêu như nhiều người vẫn nghĩ và đây chỉ là câu đố mẹo nhằm kích thích tư duy của các cô cậu nhỏ. Trước đó một bài toán lớp 2 về việc chia cam cũng từng tạo ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Cụ thể bài toán này như sau: “Có 5 quả cam để trong rổ. Làm thế nào để có thể chia cho 5 bạn, mỗi bạn 1 quả cam, nhưng trong rổ vẫn còn 1 quả”.
Nhiều người cho rằng có lẽ người biên soạn đề bài này đã có đôi chút nhầm lẫn khi nếu dành cho học sinh tiểu học thì bài toán này sẽ thực hiện phép chia, tức 5 chia 5 thì sẽ bằng 1, làm gì mà có chuyện trong rổ vẫn còn 1 quả? Thế nhưng đáp án sau đó đã khiến nhiều phụ huynh ngã ngửa.
Cụ thể chúng ta vẫn tiến hành chia đều 5 quả cam cho 5 người, và một trong số đó sẽ cầm cả cái rổ, như vậy một quả cam sẽ nằm trong rổ. Đây thực chất là một bài tập không quá nghiêng về tính toán mà thay vào đó, học sinh cần phải sử dụng tư duy, sự sáng tạo của mình để hoàn thiện.