Ít nhất 55 trường đại học và cao đẳng khác tại Mỹ cũng đã hủy bỏ các lớp học trực tiếp. Cụ thể, cùng với ĐH Harvard, các trường trong khối Ivy League đã hủy các lớp học hoặc đóng cửa; bao gồm ĐH Columbia, ĐH Princeton.
Tại California, ĐH Stanford, ĐH California, ĐH Nam California, ĐH San Francisco, ĐH San Jose, ĐH Santa Clara và ĐH Palo Alto cũng tạm hủy các lớp học.
Thống kê của tạp chí Forbers cho hay, bên cạnh những trường trên, tương tự, ĐH Washington, ĐH Seattle,… ở Tiểu bang Washington hay ĐH New York, ĐH Fordham, ĐH Hofstra, Viện Công nghệ Massachusetts,… ở bờ biển phía Đông; ĐH Rice, ĐH Duke, ĐH Florida, ĐH Johns Hopkins,… ở miền Nam nước Mỹ cũng đã hủy các lớp học trực tiếp.
Tại ĐH Harvard, sinh viên được yêu cầu không trở lại trường, chuyển sang học online, đồng thời chuyển khỏi ký túc xá để hạn chế sự lây lan của Covid-19.
“Quyết định chuyển sang dạy online không hề dễ. Sự thay đổi này nhằm hạn chế việc tập trung theo nhóm đông và chia sẻ không gian chung như lớp học, căng tin hay ký túc xá”, Hiệu trưởng Lawrence S. Bacow viết trong bức thư gửi sinh viên.
Theo hiệu trưởng Lawrence S. Bacow, nhà trường cũng có kế hoạch chuyển tất cả các lớp sang học trực tuyến bắt đầu từ ngày 23/3 và sinh viên không được quay trở lại trường.
Khuôn viên của ĐH Harvard vẫn sẽ mở, tuy nhiên nhà trường sẽ có các biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. ĐH Harvard không khuyến khích bất kỳ cuộc họp hoặc sự kiện không quan trọng nào từ 25 người trở lên.
“Đối với sinh viên, đặc biệt là những em sẽ tốt nghiệp năm nay, tôi biết rằng đây không phải là điều các em mong muốn trong giai đoạn chuẩn bị chia tay với Harvard”, Hiệu trưởng Bacow nhắn nhủ tới những sinh viên có thể cảm thấy thất vọng khi phải tạm xa mái trường.
“Tuy nhiên, nhà trường làm điều này không chỉ để bảo vệ các em mà còn để bảo vệ nhiều người khác trong cộng đồng hoặc những người có thể dễ bị nhiễm bệnh”.
Tại ĐH Amherst ở bang Massachusetts cũng đã thông báo chuyển sang học trực tuyến từ 23/3 với lo ngại nhiều sinh viên đã đi du lịch trong thời gian nghỉ.
Biện pháp này cũng được áp dụng tương tự tại nhiều trường ĐH khác trong khu vực. Tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hiệu trưởng L. Rafael Reif cho biết, dù nguy cơ nhiễm dịch tại MIT vẫn ở mức thấp, nhưng trước tình hình dịch bệnh lây lan tại bang Massachusetts cũng như nơi khác, nhà trường cũng đưa ra nhiều biện pháp để bảo vệ nhân viên, sinh viên, giáo sư và giảng viên.
Cụ thể, MIT sẽ hủy tất cả các lớp học vào tuần tới, thông báo sinh viên đại học không trở lại trường sau kỳ nghỉ xuân. Sinh viên bắt đầu chuyển khỏi ký túc xá từ ngày 14 và hoàn tất trước trưa 17/3. Các lớp học trực tuyến sẽ bắt đầu từ ngày 30/3.
Tại ĐH Johns Hopkins, trước sự bùng phát của Covid-19, các lớp đại học và sau đại học cũng sẽ triển khai học trực tuyến. Sinh viên được khuyến khích không quay lại trường sau kỳ nghỉ xuân.
Trong bức thư gửi sinh viên, giảng viên, nhân viên ĐH Johns Hopkins, ông Ronald J. Daniels, Chủ tịch Nhà trường viết: “Cách chúng ta đối diện với dịch bệnh là tuân thủ các nguyên tắc y tế công cộng. Để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, bắt đầu từ 11/3, nhà trường sẽ chuyển sang hình thức học tập từ xa, ít nhất cho đến 12/4”.
Như vậy, ngoại trừ các lớp thực hành, lâm sàng và đào tạo trong phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, tất cả các khối lớp đại học, sau đại học của ĐH Johns Hopkins sẽ chuyển sang hình thức học từ xa.
Ngoài ra, trường này cũng khuyến khích sinh viên không quay lại trường sau kỳ nghỉ mùa xuân. Những sinh viên cần ở lại trường sẽ phải đăng ký, kê khai thông tin, vấn đề sức khỏe để có sự hỗ trợ khi cần thiết.
“Nếu sinh viên nào gặp phải rào cản về kinh tế khi rời khỏi trường hoặc học từ xa cũng sẽ được nhà trường hỗ trợ tài chính dựa trên nhu cầu”.
ĐH Johns Hopkins không khuyến khích các sự kiện, cuộc họp không quan trọng từ 25 người trở lên. Các sự kiện tuyển sinh và các sự kiện của cự sinh viên ở trong và ngoài trường cũng sẽ phải hoãn lại.
“Khi đối mặt với dịch bệnh, chúng ta phải nỗ lực cùng nhau. Tôi biết ơn sâu sắc tới những sinh viên, giảng viên đã cùng chúng tôi làm việc không mệt mỏi và thích nghi với hoàn cảnh mới này.
Tôi muốn bày tỏ sự cảm kích đặc biệt đến nhiều đồng nghiệp đã chia sẻ chuyên môn và sự hiểu biết về sức khỏe cộng đồng, hệ thống kỹ thuật và về bệnh truyền nhiễm. Họ chính là những người đang tôn vinh truyền thống tốt đẹp và thể hiện mạnh mẽ giá trị kiến thức cốt lõi để phục vụ nhân loại”, Chủ tịch nhà trường nhắn nhủ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc một số trường đại học yêu cầu sinh viên rời khỏi ký túc xá như ĐH Harvard đã làm có thể đặt một gánh nặng không đáng có lên sinh viên - những người không thể về nhà trong thời gian trường học đóng cửa.