Sáng nay, 25/6, gần 1 triệu sĩ tử trên cả nước bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Ngữ Văn. Trong không khí căng thẳng, lo âu xen lẫn hồi hộp, các thí sinh đã trải qua môn thi đầu tiên với nhiều cảm xúc. Bên cạnh đề thi, thì các thí sinh 'đặc biệt' cũng nhận được sự chú ý của dư luận.
Thí sinh lớn tuổi, đã có 2 con trai vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ
Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Vân - thí sinh nhiều tuổi tại điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An). Chị Vân hiện đang là Y sỹ khoa Răng Hàm Mặt thuộc bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Với mong muốn được vào Trường ĐH Y khoa Vinh, chị đã đăng ký thi các môn Toán, Hóa học và Sinh học.
Tham gia kỳ thi này, chị Vân không hề lo lắng, căng thẳng. Chị tiết lộ, việc đi thi của chị không nhận được sự ủng hộ của gia đình vì sợ chuyện học hành ở tuổi này sẽ khiến chị vất vả. Nhưng chị đã quyết tâm, bởi đây là ước mơ từ lâu nay của chị.
Chị Vân đã có 2 người con trai, Một người đang là giảng viên ĐH, một người là nghiên cứu sinh tại Anh. Chính vì các con đã ổn định nên bây giờ, chị mới dành thời gian sống cho ước mơ của mình. Vì không đặt nặng việc đậu rớt, nên chị thi cử trong tâm trạng vô cùng thoải mái.
Cán bộ xã đi thi
Tại điểm thi trường THPT Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), mọi người vô cùng bất ngờ khi thấy chị Nguyễn Thị Minh (45 tuổi) đến tham gia dự thi.
Chị Minh từng được đề cử làm Chủ tịch UBND xã, nhưng do thiếu bằng cấp nên chị đã chuyển sang làm cán bộ dân số.
Vì muốn bổ sung những gì mình còn thiếu, cũng như là làm tấm gương cho con cái noi theo, chị đã đăng ký học bổ túc, để từ đó mạnh dạn tham gia kỳ thi lần này.
Với kiến thức và tâm lý có sẵn, chị Minh không hề thấy áp lực trước kỳ thi. Chị đăng ký xét tuyển vào trường cao đẳng y dược ở Hà Tĩnh.
Thí sinh bị di chứng chất độc da cam được mẹ bế đến phòng thi
Đó là thí sinh Phạm Thi Hoài Thương, 23 tuổi, học lớp 12A7, Trường THPT Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh). Thương cao chưa tới 1m và không thể đi lại được do di chứng chất độc da cam.
Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Phạm Thị Hoài Thương được đặc cách tốt nghiệp, tuy nhiên với ước mơ trở thành kế toán, em vẫn đăng ký dự thi kỳ thi này.
Đối mặt với kỳ thi, Thương có nhiều lo lắng. Nhưng em vẫn tỏ ra rất tự tin. Từ sáng sớm, bà Phạm Thị Nhiễu - mẹ của Thương - đã chuẩn bị sẵn sàng cho con và bế con đến phòng thi (tầng 4, trường
THPT Hạ Long).
Tại đây, em được ngồi chiếc bàn thi dành riêng cho mình. Hội đồng thi còn bố trí một số thanh niên tình nguyện để sẵn sàng hỗ trợ mẹ con Hoài Thương trong thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia.
Thí sinh là Cảnh sát cơ động, bị thương ở tay, phải nhờ cán bộ coi thi chép bài hộ
Theo ghi nhận tại Bình Dương, một thí sinh vốn là chiến sĩ nghĩa vụ Cảnh sát cơ động ở địa phương này đã bị thương ở tay phải, dẫn tới việc không thể tự làm bài thi.
Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương đã bố trí cán bộ coi thi không phải là giáo viên môn Văn, chép bài hộ theo lời đọc của thí sinh này.
Được biết, thí sinh này là chiến sĩ P.V.K (20 tuổi) của Trung đoàn Cảnh sát cơ động 25 Đồng Nai, tham gia thi tuyển tại Bình Dương, lấy điểm xét vào ngành Công an. Anh bị thương ở tay trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự vào đầu tháng 6.
P.V.K. làm bài thi Ngữ văn ở phòng thi riêng (chỉ có một mình). Phòng thi không kết nối mạng, không có hoặc phải cắt camera giám sát (nếu có), cách âm với các phòng thi lân cận và bên ngoài khu vực thi.
Thí sinh chống nạng nhưng vẫn mỉm cười, tự tin giành điểm cao với môn Văn
Tại điểm thi THPT Việt Đức, Phan Ngọc Long có mặt để dự thi THPT quốc gia. Nam sinh khiến những thí sinh chung quanh chú ý vì di chuyển bằng cặp nạng, nhưng nụ cười luôn nở trên môi.
Long là cựu học sinh lớp 12A4, trường THPT Việt Đức (Hà Nội), và có nguyện vọng thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khoa Báo Truyền hình chất lượng cao. May mắn được xếp dự thi ngay tại trường mình học, phòng thi lại ở ngay tầng 1 nên Ngọc Long di chuyển dễ dàng hơn vì đã quen đường, quen lối. Dù vậy, việc phải đi lên các bậc thềm cũng khá khó khăn với Long.
Long cho biết, cậu bị gãy chân đã được gần 2 tháng do chơi trò chơi vận động mạo hiểm, đạp phải thanh sắt. Đội ngũ giám thị, quản lý hội đồng thi rất lưu ý tới trường hợp của Long và luôn sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho cậu có thể dự thi an toàn. Long cho rằng, cậu có thể tự mình đi lại, làm thủ tục và dự thi tốt như mọi thí sinh khác.
Long cũng chia sẻ rằng ngoài những môn thi bắt buộc, em dự thi khối R16, gồm 3 môn Ngữ Văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học xã hội.
Chia sẻ với phóng viên, Long còn nói thêm: “Về bài thi môn Ngữ Văn vừa rồi, mình khá tự tin và cho rằng mình có thể đáp ứng tiêu chí “đủ” và “đúng”. Còn tiêu chí “hay”, em nghĩ đó là tùy vào quan điểm của mỗi thầy cô, nhưng ít nhất có thể đạt 7 điểm. Mình rất muốn trở thành một nhà báo. Có thể vài năm nữa, mình sẽ chính là một phóng viên đi săn tin về kỳ thi THPT Quốc gia như anh chị!”.