Tuyệt vọng khi con mất buổi sáng, trưa mẹ già sốc qua đời, vợ rơi vào trầm cảm
Những ngày ngày ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Trần Đại Nghĩa (62 tuổi) và bà Lê Kim Khánh (50 tuổi) ở đường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội luôn tràn ngập tiếng cười. Hình ảnh con gái 7 tháng tuổi xinh xắn, đáng yêu tự đẩy xe ùa tới mẹ cùng với đó là ánh mắt rạng ngời của ông Nghĩa khiến ai cũng cảm nhận được hạnh phúc thực sự của một gia đình.
Clip ngôi nhà tràn ngập tiếng cười của gia đình ông Nghĩa.
Theo ông Nghĩa, để có được ngày hôm nay vợ chồng ông đã trải qua hành trình dài đằng đẵng có lúc trong tuyệt vọng để kiếm một mụn con. Ở đó ông Nghĩa và bà Khánh thấm đẫm “mồ hôi và nước mắt”. Lúc ông bà tuyệt vọng nhất cũng là lúc bé Trần Lê Trúc Anh dần hình thành và chào đời trong niềm vui sướng, hạnh phúc bất tận của cặp vợ chồng già.
Ngồi chơi đùa với con, ông Nghĩa tâm sự, cách đây hơn 10 năm, ông và bà Khánh quen rồi yêu nhau. Lúc này, ông Trần Đại Nghĩa đã 52 tuổi, còn bà Lê Kim Khánh 40 tuổi. Cả hai nên duyên vợ chồng vào năm 2008 nhưng chỉ trong vỏn vẹn 4 năm, hai vợ chồng ông Nghĩa bà Khánh đã 3 lần sẩy thai với nhiều lí do khác nhau.
Tuổi đã cao, hành trình đi tìm kiếm mụn con luôn nhen nhóm trong lòng cặp vợ chồng lớn tuổi này. Vợ chồng ông Nghĩa tâm niệm nếu không có đứa con thì cuộc sống không có ý nghĩa và vô vị. Điều đó đã nhen nhóm trong tâm trí nên họ quyết tâm có con bằng mọi giá và dặn lòng không được bỏ cuộc.
Hai vợ chồng khăn gói đưa nhau đến hàng chục phòng khám rồi 7 bệnh viện lớn nhỏ trong cả nước mong tìm ra nguyên nhân và tiếp tục giấc mơ được làm cha làm mẹ. Năm 2012, tưởng chừng hạnh phúc đã mỉm cười khi bà Khánh mang thai bé trai khỏe mạnh đến tháng thứ 8 của thai kỳ.
“Tôi là con trưởng trong dòng họ. Cả gia đình nội ngoại khi biết tin vợ tôi mang bầu ai cũng vui mừng không tả mong chờ mong ngày con chào đời. Vậy nhưng, sau một mũi tiêm bổ phổi, do thiếu kiến thức và không cẩn trọng xét nghiệm trước khi thực hiện, chúng tôi mất con. Cú sốc này khiến cả gia đình rơi vào khủng hoảng. Con trai mất vào 4h sáng thì đến trưa cùng ngày mẹ tôi vì đau buồn cũng qua đời”, ông Nghĩa nhớ lại.
Cùng một ngày chịu hai cú sốc lớn mất con và mất mẹ, ông Nghĩa như chết lặng người. Suốt những ngày sau đó ông Nghĩa ngồi một một nước mắt cứ thế rơi không ngừng. Ông Nghĩa từng trải qua đời làm lính đối diện với nhiều hiểm nguy và rèn giũa trong môi trường quân đội nhưng có lúc yếu lòng.
“Có lúc tôi tự nhủ bảo mình luôn sống nhân ái, chưa bao giờ gây nên tội tình gì mà sao số phận mình lại cay đắng đến thế. Niềm hy vọng có một đứa con được nhen nhóm rồi lại vụt tắt khiến vợ tôi bị sốc rồi trầm cảm sau đó, mẹ vợ tôi không lâu sau khi nhận tin cũng bị tai biến rồi qua đời cách đây 2 năm”, ông Nghĩa nhớ lại.
Thấy vợ đau buồn ông Nghĩa luôn ở bên động viên. Nhiều người thân sau cũng khuyên vợ chồng ông từ bỏ việc sinh con nên đi xin con nuôi. “Hồi đó tôi cực đoan lắm, tôi nghĩ đã không thể có con thì không thể có hạnh phúc. Thậm chí tôi nghĩ đến việc ly hôn với chồng”, bà Khánh nghẹn giọng khi nhớ lại thời điểm tuyệt vọng đó.
Cặp vợ chồng già bật khóc trong hạnh phúc khi con gái bé nhỏ chào đời
Chịu cú sốc lớn là vậy nhưng ông Nghĩa tự gắng gượng đứng dậy để động viên vợ, giúp vợ vượt qua giải đoạn khủng hoảng. Suốt thời gian đó, ông không dám nhắc đến chuyện sinh con vì sợ vợ thêm buồn. Hằng ngày ông gánh vác chuyện nhà cửa thay vợ, rồi tập tành nấu ăn, đưa vợ đi đây đó cho khuây khoả. Phải đến 3 năm sau khi nỗi đau nguôi ngoai, sức khỏe bà Khánh tốt dần lên, khao khát làm cha làm mẹ lại một lần nữa nhem nhóm trong suy nghĩ của hai vợ chồng.
Khi quyết định vào TP Hồ Chí Minh các bác sĩ lắc đầu khuyên vợ chồng ông Nghĩa nên xin con nuôi vì tuổi đã cao không có khả năng có con. Sau có người mách nước vợ chồng thuê người mang thai hộ nhưng số tiền lên đến nửa tỷ đồng. Bao năm qua vợ chồng ông dành dụm được bao nhiêu thì lo chạy chữa sinh con không dư giả. Nếu làm cách đó thì chỉ cón cách bán nhà đi.
Khi mọi cánh cửa tưởng chừng đều đã đóng, thì vợ chồng ông Nghĩa được giới thiệu đến một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội. Tại đây khi bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khoẻ hai vợ chồng rồi động viên cả hai cùng theo phác đồ.
“Kiên trì đến thăm khám rồi nghỉ ngơi, làm mọi thứ theo bác sĩ được khoảng 6 tháng thì tôi sốt ruột. Nhiều lúc nghĩ rằng tuổi mình đã 60, vợ thì gần 50 trong khi cứ tiếp tục chữa trị thế này thì khả năng có con ngày càng khó. Lúc này bác sĩ khẳng định rằng vợ chồng tôi 95% có thể có con. Đó là động lực to lớn với vợ chồng tôi”, ông Nghĩa kể.
Cả hai vợ chồng ông Nghĩa thực hiện chuyển phôi thai đúng vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch. Trong 4 bà mẹ được chuyển phôi ngày hôm đó, bà Khánh là người lớn tuổi nhất nhưng lại là người duy nhất thành công. 8 ngày sau bà Khánh đã biết mình đậu thai, đó là điều vui mừng khôn xiết. Cũng từ lúc đó, hai vợ chồng thận trọng từng ly từng tý, tất cả đều vì con.
Ông Nghĩa cứ mỗi tuần đều đặn đưa vợ đi sang bệnh viện khám, kiểm tra. Điều may mắn những tháng đầu thai nhi phát triển bình thường. Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần thứ 31 bà Khánh bắt đầu bị rau tiền đạo, tiểu đường thai kì, bị dư ối. Bác sĩ nói tôi phải hết sức cẩn thận, kết hợp để bác sĩ theo dõi nếu không rất dễ sinh non.
“Lúc đó, vợ chồng tôi buồn và lo lắng lắm. Một ngày trong bụng mẹ bằng cả tuần ở ngoài nên chỉ mong sao con luôn khoẻ mạnh. Nhiều đồ tốt cho sức khoẻ vợ nhưng đều phải kiêng, cơm chỉ được ăn nửa bát, sữa thì uống sữa không đường… việc đi lại hạn chế tối đa. Tôi chỉ mong sao chờ đến ngày con được chào đời khoẻ mạnh”, ông Nghĩa hy vọng.
Cô bé Trúc Anh có tên ở nhà là Thỏ chào đời vào ngày 29/12/2018 trong niềm vui sướng của vợ chồng ông Nghĩa. Sau khi vợ sinh, ông Nghĩa được tận mắt thấy và ôm con gái vào lòng, ông hạnh phúc đến nghẹn ngào. Ông tiến lại gần vợ cả hai cứ thế rơi nước mắt. Bé Thỏ sinh ra chỉ vỏn vẹn 2,8 kg là cả hành trình 10 năm trời thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.
Bà Khánh sinh con khi đã ở tuổi 50 nhưng kỹ năng làm cha làm mẹ chưa có nên cả hai đều phải học rất cẩn thận. Hai vợ chồng học từ cách thay tã, tắm rửa, pha sữa cho con đến cách làm vệ sinh tai, thông mũi. Những gì không biết ông Nghĩa lại lên mạng tìm tòi rồi hỏi tư vấn của bác sĩ.
“Tôi cẩn thận quay phim lại cách y tá dạy tắm cho con, đọc đi đọc lại từng bước, thuộc làu làu lý thuyết thế mà lần đầu thực hiện vẫn lóng ngóng, quên cả rửa mặt cho Thỏ”, ông Nghĩa vui vẻ kể lại.
Thương vợ chăm con vất vả ông Nghĩa tất tả làm lụng từng chút. Ông nấu các món bồi bổ cho vợ. Thậm chí ông lên mạng nghe các bài hát ru rồi chép ra vở ngồi học thuộc lòng để ru con. Ba tháng đầu bé Thỏ cũng thường xuyên quấy khóc về đêm nhiều hôm ông thức trắng bế con. Ấy vậy nhưng vợ chồng ông Nghĩa vẫn luôn dỗ dành mong con trọn giấc.
“Mấy tháng đầu, bé Thỏ cứ thức ngày, cày đêm nên bố mẹ cũng phải thức theo. Tôi bật điện cả đêm vì sợ không kịp bế ẵm con. Làm mẹ thật không phải chuyện dễ. Có con làm tôi thay tính đổi nết nhiều, vui vẻ hơn, dễ chịu và ít cáu gắt hơn. Mọi mệt mỏi đều tan biến khi thấy con cười. Ở tuổi 50 nhưng nguồn sữa mẹ của tôi nhiều con không phải dùng sữa ngoài”, bà Khánh hạnh phúc nói.
Những tháng sau đó bé Thỏ ngoan ngoãn, chịu bú và không còn thức đêm khiến vợ chồng bà Khánh cũng bớt vất vả hơn. Từ khi có bé Thỏ, căn nhà nhỏ của bà Khánh ông Nghĩa lúc nào cũng rộn ràng, hạnh phúc.
Giờ đây con gái cũng đã được 7 tháng tuổi, ông Nghĩa muốn dành trọn thời gian để chăm sóc cho con. Với ông điều tuyệt vời và là niềm hy vọng nhất đó là có được con. Vợ chồng ông cũng mong muốn những cặp vợ chồng hiếm muộn đừng bao giờ nản lòng, biết đâu một ngày nào đó sẽ được nếm trái ngọt như mình…