Hàng chục gia đình từ các tỉnh Miền Tây do nghèo khó phải bỏ quê đi tha phương cầu thực. Không có tiền thuê nhà, họ dựng những căn lều bạt ven những vườn tràm của người dân địa phương ở tạm để tìm việc mưu sinh.
Tại xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có hàng chục túp lều do người dân từ các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp… dựng lên làm nơi ở tạm để kiếm việc làm thuê. Họ lên đây bởi cuộc sống ở quê vô cùng nghèo khó.
Những căn lều tạm rất sơ sài được buộc dây vào cây cối xung quanh, có thể bị gió xô ngã bất cứ lúc nào. Bên trong các túp lều cũng không có vật dụng gì đáng giá ngoài cây quạt máy để mọi người chống chọi với cái nắng rát của vùng đất miền Đông Nam Bộ.
Nhiều gia đình quá nghèo khó nên cùng đưa nhau đi tha phương cầu thực. Những đứa bé luôn sống trong cảnh chờ đợi cha mẹ đi làm về mỗi chiều tối. Đa số mọi người tập trung tại đây từ trước Tết Nguyên đán để chờ đến mùa thu hoạch mía, tìm việc làm thuê.
Chị Nga (39 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết, mỗi sáng đi làm, con gái đều quấn quýt ôm khóc đòi mẹ ở nhà cho nên nhiều lúc ứa nước mắt
Bà Nga, người dân sống trong khu lều bạt kể, buổi trưa phải chịu cái nóng hầm hập của nắng còn khuya thì lạnh do sương xuống. Do sống trong khu vực rậm rạp cây cối nên thỉnh thoảng rắn rít, bò cạp chui vào lều cắn nên ai cũng ưu tiên ngủ võng hoặc giăng màn rất kĩ. “Ngày nào trời mưa thì chỗ nào cũng dột ướt, không ai ngã lưng được dù cả ngày đi làm rất mệt mỏi”, người phụ nữ chia sẻ.
Tất cả vật dụng sinh hoạt trong căn lều đều được người dân mua lại từ ve chai hoặc tự làm bằng những nhánh cây ghép lại. Thức ăn mỗi ngày cũng chỉ có cơm trắng, rau và một chút cá mặn.
Ông Sen (87 tuổi) cho biết, cả nhà ông gồm 7 người lên đây sống từ trước Tết vì ở quê quá nghèo, đi làm thuê hoặc đánh bắt cá tôm cũng không đủ sống nên phải bỏ quê. Do già yếu, thường ngày ông Sen ở lại làm việc vặt, sửa chữa căn lều để con cháu đi làm thuê tại cánh đồng mía.
Thứ đắt giá nhất của mỗi gia đình trong xóm lều bạt là chiếc điện thoại di động “đập đá” để giữ liên lạc với người thân ở quê. Điện nước trong khu xóm lều bạt được người dân xung quanh thương tình chia sẻ dùng chung.
“Lâu lâu ráng dành dụm chút tiền nạp vào điện thoại gọi hỏi thăm người thân ở quê. Năm nay tình hình thiên tai hạn hán quá khắc nghiệt nên đời sống chật vật. Nhiều người hỏi tôi ở đây còn chỗ tá túc không để họ kiếm đường lên làm thuê vì ruộng đồng đã cháy khô hết rồi”, người đàn ông chia sẻ.
Công việc chính của người dân xóm lều bạt là chặt mía thuê, dọn vườn hay bốc vác. Công việc tuy nặng nhọc nhưng tiền công khá ít ỏi nên ai cũng cố gắng chi tiêu dè sẻn.
Giá tiền công trung bình mỗi tấn mía chặt được khoảng 80.000 đồng. Đàn ông khỏe mạnh và thanh niên thường được hưởng công cao hơn phụ nữ.
Công việc nặng nhọc giữa trời nắng như đổ lửa nên mau xuống sức, nhiều người phải uống nước liên tục để làm tiếp công việc.
Dù cuộc sống khó khăn vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng người dân xóm ngụ cư luôn sống hòa đồng, vui vẻ với nhau dù không có họ hàng thân thích.
Tại những cánh đồng mía bị cháy thì công việc của lao động làm thuê sẽ vất vả hơn vì hít nhiều tro bụi.
Theo người dân, những cánh đồng mía này có thể do kẻ xấu nào đó đốt phá nhưng may mắn dập được nên chủ vườn phải thu hoạch sớm.
Để kiếm thêm thu nhập, những thanh niên trong xóm ngụ cư thường nhận luôn việc bốc vác mía từ cánh đồng mới thu hoạch lên xe tải. Mỗi xe sẽ có một trưởng nhóm nhận việc rồi phân công cho mọi người.
Một bó mía được cột dây sẵn nặng gần 20 kg được mọi người vác từ đồng và chuyền tay nhau lên thùng xe chở mía cao hơn 2,5 mét. Mỗi người mỗi việc, người khỏe làm việc nặng hơn người yếu, không ai có một lời so đo hay ganh tị với nhau.
Khi chất đầy xe mía, người trưởng nhóm sẽ nhận tiền từ chủ và chia đều cho các thành viên.
Công việc nặng nhọc và mất sức nên buổi trưa ai cũng cố gắng nằm ngủ một chút để chiều làm tiếp. Bất cứ nơi nào có bóng mát đều là chỗ người lao động ngả lưng nằm ngủ.
Dù phải xa quê mưu sinh, cuộc sống gian nan vất vả nhưng người dân xóm lều bạt cũng vui lòng chấp nhận vì có thể dành dụm được chút ít để gửi về quê cho con cái đi học, phụng dưỡng cha mẹ nghèo. “Mình định làm vài tháng rồi tranh thủ về thăm nhà và tìm việc ở quê luôn nhưng Miền Tây giờ hạn hán, việc đồng án cũng không ai thuê nữa nên đành tiếp tục ở lại”, chị Nga buồn nói.
Được đánh giá là một trong những trang phục linh hoạt và thoải mái nhất, lại không kén người mặc, hoodie chính là một item không thể thiếu trong tủ quần áo của mọi chàng trai, cô gái.