Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (XNC - PA72), Công an TP HCM cho biết thời gian qua có nhiều người nước ngoài quậy tưng vì không kiểm soát được bản thân, làm cơ quan chức năng vất vả xử lý.
Không chỉ gây rối trật tự công cộng, họ còn phạm tội hình sự, chủ yếu các tội trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy, lừa đảo…
Ăn xin, tự tử vì ngáo
Theo Đội Quản lý cư trú người nước ngoài và kiểm tra XNC (Đội 4, PA72, Công an TP.HCM), có nhiều người nước ngoài quậy phá nơi công cộng, xô xát với nhân viên quán nhậu vì ngáo đá. Khi đưa họ về trụ sở, công an phải cho họ đội nón bảo hiểm… khi bị còng ở ghế đợi họ tỉnh cơn phê.
Có người năm lần bảy lượt ra vào công an nhiều phường khác nhau vì ngáo đá, tập trung ở quận 1.
Một chiến sĩ Đội 4, PA72 kể: Có hai cha con người Pháp nghiện rượu. Họ vào một tiệm bánh ở quận 1 quậy tưng, bị công an phường mời về trụ sở làm việc. Các chiến sĩ Đội 4 xuống làm việc với công an địa phương, cho họ về. Sau đó hai người này ra Công viên 23-9 sống lang thang, được một cụ già cưu mang, ngày ngày mang cơm cho ăn gần hai tháng trời. “Phòng PA72 phải nhiều lần liên hệ với cơ quan lãnh sự, hai người này mới được bảo lãnh về nước vì họ mất sạch giấy tờ” - chiến sĩ này kể.
“Cũng có người đến TP HCM ăn xin ở khu công cộng. Những người này thường không gây rối hoặc có hành vi phạm pháp” - chiến sĩ Đội 4 nói.
“Có một người quốc tịch Nga tìm cách tự tử trong một khách sạn ở trung tâm quận 1 vì ngáo đá, may chủ khách sạn phát hiện, đưa ra Công an phường Phạm Ngũ Lão. Tại đây, người này tìm cách đập đầu vào tường đòi chết, công an phải cho đội… nón bảo hiểm, cột người này vào ghế” - một công an kể.
Công an cũng từng xử lý một cô gái trẻ người Hàn Quốc có vấn đề về thần kinh, nhiều lần đòi tự tử. Khi sang quận 1, cô này lại quậy phá, tự tử, cơ quan chức năng phải đưa vào BV Tâm thần chữa trị.
Trần truồng chạy nhảy giữa trung tâm Sài Gòn
Đầu tháng 8-2017, công an phải vất vả với một người quốc tịch Mỹ.
Theo công an, khi đi ngang công trường xây dựng tuyến metro tại khu vực Công viên 23-9 thì người này bất ngờ nhảy vào cửa sổ bằng kính của chốt gác bảo vệ công trường, cửa kính vỡ nên gây thương tích ở tay. Sau đó ông chạy vào công trường đang thi công, cởi phăng quần áo trên người.
Bị bảo vệ đuổi ra, ông đến khách sạn New World tiếp tục quậy phá. Khi đến trước sảnh khách sạn trong tình trạng không mảnh vải che thân, nhân viên khách sạn chạy đến thì ông phản ứng, nằm lăn ra sảnh. Công an khống chế, đưa ông đi cấp cứu thì người này tử vong. Qua khám nghiệm, người này đã sử dụng ma túy tổng hợp.
Đại diện Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận 1, TP HCM) cũng cho biết thời gian qua có nhiều trường hợp người nước ngoài chết do sử dụng ma túy quá liều. Các loại ma túy họ thường sử dụng là cần sa, bồ đà…
Trộm, cướp, giết người đều có
Công an quận 1 cũng cho biết nhiều người nước ngoài có thủ sẵn hung khí trong người, khi xảy ra xích mích thì sẵn sàng tấn công đối phương. “Có trường hợp một người nước ngoài (chưa rõ lai lịch) va chạm với một người Việt đang chạy bộ trước Hội trường Thống Nhất. Người nước ngoài này liền đâm nhiều nhát dao vào nạn nhân rồi chạy thoát. Nhiều khách Tây nhậu say xỉn hoặc phê ma túy gây án vì chuyện không đâu…” - Công an quận 1 cho hay.
Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) vừa bắt giữ một người quốc tịch Mỹ trộm rượu ngoại ở một cửa hàng B’smart trên đường Bùi Viện rồi bán ra ngoài với giá 1,3 triệu đồng, xài hết. Thấy trót lọt, ba hôm sau người này tiếp tục vào định trộm thêm tài sản nhưng bị phát hiện.
Đội 4, Phòng Quản lý XNC Công an TP HCM cho biết thường phối hợp với công an quận/huyện xử lý một số vụ cướp tài sản do người nước ngoài thực hiện, như vụ cướp xe máy của tài xế GrabBike mới đây. “Các nghi can khi bị bắt giữ khai là họ không có việc làm ổn định, bàn nhau sang Việt Nam phạm tội, cũng có người gây án bất chợt vì nghĩ công an không phát hiện được” - chiến sĩ Đội 4 cho hay.
Khi chúng ta mở cửa cho người nước ngoài vào cư trú, làm việc thì chắc chắn trong số đó tiềm ẩn người vi phạm pháp luật. Do vậy phải tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra việc lưu trú, tạm trú của người nước ngoài và phối hợp với cơ quan lãnh sự để họ có trách nhiệm quản lý công dân của nước họ.
Cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay xử lý vi phạm về hành chính lẫn hình sự theo luật pháp để răn đe.