Sinh ra không đủ ngày khi chỉ mới 8,5 tháng đã chào đời, Trần Mạnh Chánh Quân không chỉ là trẻ sinh non mà còn được chẩn đoán sớm từ các bác sĩ là mắc chứng bại não. Cô Lê Mạnh Nữ Vinh Sơn, mẹ của Chánh Quân, từng suy sụp đến mức luôn nghĩ trong đầu rằng nếu một mai mình ra đi, chắc sẽ cho cả Quân đi cùng vì để cậu lại một mình không biết mọi chuyện sẽ ra sao.
Nhưng những dòng suy nghĩ bi quan đó nhanh chóng bị xóa bỏ khi cậu bé Chánh Quân càng lớn càng bộc lộ rõ niềm đam mê học hành, sự “cố chấp” đánh đổi tất cả chỉ để bám theo con chữ. Khoảnh khắc cậu con trai ê a bảng chữ cái và tiếp thu nhanh chóng đã lóe ra tia sáng hy vọng trong tâm trí cô Sơn, cũng là khoảnh khắc cô khó lòng mà quên được.
Bò 1.000 bậc thang vẽ giấc mơ đầu đời
Lúc nhỏ, gia đình không định đưa Quân đến trường mà có ý định tự giáo dục tại gia, nhưng rồi nhận thấy tính cầu tiến và sự hòa nhập cộng đồng rất lớn từ đứa con, mẹ Sơn cũng đưa con đến trường. Cấp 1, cấp 2, Quân cũng học trường gần nhà như bao bạn bè khác.
Sau những buổi tập vật lý trị liệu, điều kỳ diệu đã xảy ra khi Quân có thể ngồi và sử dụng được 3 ngón tay của bàn tay trái. Lúc này, gia đình sắm cho Quân một chiếc máy tính để cậu gõ chữ, nhưng gõ bàn phím chỉ bằng 3 ngón tay thì quá sức, nên cậu mày mò gõ bằng chân.
Những bài thi trên máy tính được Quân sử dụng chân để hoàn thành, những ngón chân đó giúp cậu đạt được thành tích cao sau mỗi bài kiểm tra và đưa cậu gần hơn đến giấc mơ. Cấp 3, Quân đậu vào lớp chuyên Tin trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Vũng Tàu).
Những năm phổ thông, Chánh Quân đạt được giải nhì và giải nhất lần lượt ở hai kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2008-2009, 2009-2010. Mục tiêu tiếp theo trước khi tốt nghiệp trung học chính là cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, nhưng gia đình và nhà trường khá e dè vì lo ngại cho sức khỏe của cậu.
“Thời điểm đó, trước mắt mình chỉ thấy có cuộc thi ấy là xứng đáng để trở thành mục tiêu cho mình theo đuổi bao nhiêu năm trời. Nếu chỉ vì một lý do sức khỏe mà phải từ bỏ, thì mình cảm thấy không thể nào cam lòng được”, Quân chia sẻ.
Thế là cái tính ngang bướng từ nhỏ lại một lần nữa bộc lộ rõ rành rành. Một buổi sau giờ học, Quân lén trốn mẹ và thầy cô để ra núi Tao Phùng (Bãi Sau, Vũng Tàu) mà cố gắng nhích từng chút một, cứ vấp ngã rồi lại đứng lên. Sau hai tiếng, cậu đã lên đến đỉnh núi với cơ thể chi chít những vết xước.
“Lì lợm”, “cứng đầu”, “ngang bướng” hay “giàu nghị lực”, “không chịu bỏ cuộc”, “chẳng thể từ bỏ” là những từ ngữ được bạn bè và thầy cô dành cho Quân. Với những nỗ lực vượt bậc và thành tích học tập xuất sắc, Quân đã được trường Đại học Utica (New York, Mỹ) cấp học bổng 50% và tiếp tục cuộc hành trình mới.
Chim cánh cụt vẫy cánh tung bay ở trời Tây
Khi nghe tin một trường ở Mỹ nhận và hỗ trợ 50% chi phí học tập, mẹ Sơn vừa vui vừa buồn. Vui vì đứa con ngày nào của mình giờ cũng đã khôn lớn và vươn xa đến một chân trời mới, nhưng buồn thì bà thật sự buồn vì không chịu được cảnh để cậu con trai của mình rời xa khỏi vòng tay gia đình.
Nhưng lấy chính bản thân mình ra làm nguồn phát của sự lạc quan, yêu đời, Quân đã xoa dịu sự lo lắng của người mẹ và bắt đầu tự lập ở nơi cách xa nửa vòng địa cầu. Năm 2013, Quân chuyển đến Đại học Georgia Gwinnett để tiếp tục hành trình truyền cảm hứng. Tại đây, anh được trao danh hiệu “Người hùng thầm lặng” vì cuộc đời thật đẹp của mình.
Kết thúc những năm tháng mòn mỏi trên ghế giảng đường, Chánh Quân có trong tay hai tấm bằng đại học ở hai chuyên ngành mà cậu yêu thích. Tại Mỹ, anh đạt được rất nhiều thành tích từ các cuộc thi về công nghệ, thậm chí Quân từng được gã khổng lồ công nghệ Google mời về làm nhân viên ở đây.
Hiện tại, Chánh Quân đang là chuyên viên nghiên cứu cho một công ty công nghệ. Tại nơi làm việc, Quân được đánh giá là một con người đầy sáng tạo và có tính hòa nhập rất tốt. Dù giao tiếp không lưu loát nhưng Chánh Quân vẫn có cách riêng để thuyết phục tất cả về các sản phẩm mình làm ra.
“Trời sinh ra mình đã khác với người ta, thì mình càng phải làm gì đó cho ra kết quả khác người. Mình không oán trách hoàn cảnh, mình xem bản thân là một con người đúng nghĩa có sở hữu thêm ‘khuyết tật’. Không ai là hoàn hảo nên không việc gì phải buồn khi mình chưa đầy đủ, chính động lực mới là sự lấp đầy giúp mình hơn người khác”, Quân chia sẻ.
Sau gần 30 năm cuộc đời, để có được một Chánh Quân như ngày hôm nay đó chính là bởi vì anh không lấy khó khăn làm thứ khiến mình kêu ca chùn bước, mà trở ngại chính là ngọn lửa tiếp thêm động lực để vươn xa hơn. Nhắc tới Quân, người ta không thấy ở đó là một người khuyết tật sống trong thiếu thốn, mà là một người bình thường được sở hữu thêm “khuyết tật”.