Đại tang ngày về giỗ bố
Chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng và đoàn công tác đã tới hiện trường vụ TNGT thảm khốc làm 13 người chết trên quốc lộ 4D đoạn qua thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) xảy ra sáng cùng ngày chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Tại hiện trường, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh quốc lộ 4D là tuyến đường huyết mạch, sở GTVT Lai Châu cần chủ động, khẩn trương đưa máy móc, thiết bị khắc phục ngay hiện trường sau vụ tai nạn. Nghiên cứu, tăng cường biện pháp bảo đảm ATGT trên tuyến đường. Bổ sung lan can mềm được cứng hóa để hạn chế lực va cham nếu xảy ra sự cố; lắp biển báo hạn chế tốc độ, gờ giảm tốc, rà soát lại những điểm xung yếu giao thông, cần có đường lánh nạn trên tuyến phòng.
Một số điểm sạt lở sau trận mưa lũ vừa rồi cần bố trí kinh phí, thủ tục để triển khai sửa chữa ngay. Hiện nay những điểm sạt lở taluy âm đang khắc phục phải cắm biển báo nguy hiểm phương tiện, vừa thi công vừa đảm bảo an toàn.
Ngay sau đó, Đoàn công tác đã khẩn trương di chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, cùng chính quyền địa phương thăm hỏi các nạn nhân bị thương đang được điều trị tại đây. Và tới nhà thăm viếng các nạn nhân xấu số của vụ tai nạn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng chia sẻ những mất mát với gia đình các nạn nhân và động viên người thân vượt qua nỗi đau, tập trung lo hậu sự cho người xấu số.
Có mặt tại bệnh viện, bà Nguyễn Thị Loan (57 tuổi,trú tại huyện Than Uyên, mẹ chồng Trần Tú Hường) cho biết, chiều 15/9, sau khi cùng con trai và họ hàng dựng rạp tổ chức đám tang cho bà thông gia Lim Thị Bức và cháu nội Phạm Tùng Lâm (1 tuổi) bà vội vã chạy qua viện để chăm sóc cho con dâu đang trong tình trạng hôn mê sâu và chấn thương nặng sau vụ TNGT kinh hoàng xảy ra sáng cùng ngày.
Ngồi bên giường bệnh con dâu, bà Loan xoa nhẹ vào cánh tay đã bó chặt của chị Hường khóc nghẹn thương xót. Tiếng gọi ú ớ mê sảng và vết đau trên toàn cơ thể mỗi khi chị Hường cử động khiến bà Loan càng thắt tim, giật mình.
Nhìn con dâu trong đau đớn, bà Loan kể lại, ngày 15/9 là ngày giỗ bố nên con bà (chồng chị Hường) tranh thủ có việc ở Than Uyên nên về nhà trước. Sáng 19/5, chị Hường cùng mẹ ruột và hai con bắt xe khách về.
“Trước khi lên xe, Hường có gọi điện thông báo và dặn tôi nấu một bát cháo lớn để cho hai đứa nhỏ ăn cả ngày, nó còn dặn không phải mua đồ cúng giỗ vì nó đã mua đầy đủ ở thành phố và đang mang về.
Đến khoảng 9h30, tôi gọi điện hỏi thì không thấy Hường bắt máy, gọi cho bà thông gia cũng không được. Cứ nghĩ cả nhà đang ngủ thiếp đi trên xe nên tôi không gọi nữa.
Khoảng 10h, tôi gọi lại thì cũng không ai bắt máy, lòng nóng như lửa đốt. Lúc này, một người hàng xóm chạy sang nhà báo có vụ tai nạn xe khách ở huyện Tam Đường, chết nhiều người lắm, hỏi xem có người nhà ngồi trên xe không. Biết tin con dâu, bà thông gia, hai cháu nội gặp nạn, tôi hoảng hồn, ngất lịm nhưng cố tỉnh để cùng người nhà bắt taxi đến bệnh viện”, bà Loan đau đớn nhớ lại.
Theo bà Loan, khi đến bệnh viện thì đã thấy chị Hường bất tỉnh, hôn mê sâu và chấn thương toàn thân, cháu gái Phạm Thu Hà (SN 2013 - con gái đầu) bị gẫy chân, tay, cháu trai Phạm Tùng Lâm mới được 16 tháng đã tử vong do chấn thương quá nặng.
Khoảng 11h thì bà nghe tin lực lượng chức năng tìm được thi thể của bà thông gia Lim Thị Bức dưới đống đổ nát của hai chiếc xe.
“Vợ chồng nó ăn ở phúc đức, hàng xóm láng giềng ai cũng quý mến. Hai đứa nhỏ ngoan ngoãn, biết nghe lời bà và bố mẹ. Ấy vậy mà, chưa kịp về nhà làm giỗ bố thì tai nạn thảm khốc xảy ra. Thương con, nhớ cháu, giờ tôi chẳng thiết sống nữa”, bà Loan xót xa.
Mong một phép màu sẽ đến
Nằm bên cạnh giường bệnh của chị Hường là con gái Phạm Thu Hà. May mắn cháu Hà chỉ bị gãy chân, tay nhưng do sức khỏe yếu nên Hà ngủ lịm, thi thoảng trở mình trong tiếng khóc thét giật mình.
Theo lời của bà Loan, cháu Hà là người tỉnh táo nhất sau khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra. Trong đống đổ nát và la liệt người tử vong, cháu Hà được một người dân hỏi về gia đình để báo tin, cháu đã nói rõ họ tên bố mẹ, bà nội, bà ngoại và công việc của từng người. Nhờ đó mà có người báo tin về.
Sau 4 ngày công tác tại Lai Châu, anh Trần Bình (SN 1983, trú tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, làm nghề viễn thông) cùng đồng nghiệp của mình là anh Lê Ngọc Xuân Sơn (Hà Nội) lên chiếc xe khách để về quê.
Cuộc gọi điện báo về cho vợ và gia đình để sum họp của các anh trước đó ít phút bỗng chốc “đứt gánh giữa đường” khi vụ tai nạn xảy ra, cướp đi sinh mạng của anh Sơn cùng 12 người khác và tính mạng của anh Bình đang rất nguy kịch. Hiện tại anh Bình vẫn nằm bất động, hôn mê sâu với tiên lượng xấu chấn thương sọ não, chảy máu trong, dập tràn phổi…
Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, hiện một kíp bác sỹ đầu ngành ở Hà Nội đã lên Lai Châu để cứu chữa các nạn nhân.
Nhận tin dữ về chồng, từ Hà Nội, chị Hải (SN 1985, vợ anh Bình) phải mất 8 tiếng đồng hồ mới có mặt ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu để chăm sóc chồng.
Quãng đường xa khiến chị mệt mỏi và chị cũng khóc sưng mắt nhưng chị vẫn đủ sức ngồi thức trọn đêm bên giường bệnh chăm chồng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hải bật khóc cho biết, gia đình không thuộc diện khó khăn. Những lần trước anh đi công tác sẽ có xe của công ty đưa về nhưng lần này do xe công ty bị hỏng nên anh và đồng nghiệp đi xe khách, không ngờ tai họa lại ập đến.
“Bác sỹ có thông tin về tình trạng sức khỏe của anh… nhưng đó là tia lượng xấu, mong sẽ có một phép màu để anh được trở về với vợ con”, chị Hải bật khóc.