Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ phát hiện 300 xác thai nhi ở bãi rác Cà Mau: 'Thấy giấy báo bọc là có thai nhi, thường thì không còn nguyên vẹn'

Nguyễn Thúy (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

"Các thai nhi thường được gói bằng giấy báo, đựng trong bọc ni lông đen. Đa số khi thấy giấy báo bọc lại là có thai nhi trong đó. Các thai nhi thường được phát hiện trong tình trạng không còn nguyên vẹn", anh Lê Minh Cảnh - tổ trưởng tổ công nhân tại Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, chia sẻ.

Các thai nhi thường được phát hiện trong tình trạng không còn nguyên vẹn

Liên quan đến vụ việc hơn 300 thi thể thai nhi được phát hiện trong 7 năm qua tại Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau, ngày 24/4, ông Nguyễn Hoàng Thám, giám đốc nhà máy, cho biết trên báo Người Lao Động, nhà máy sau khi đi vào hoạt động hơn 1 tuần đã phát hiện thi thể thai nhi đầu tiên.

Khi phát hiện, công ty mua khăn, quần áo trẻ sơ sinh rồi vệ sinh thi thể sạch sẽ, sau đó quấn khăn, đặt vào quách đem đi an táng. Tính trung bình chi phí cho mỗi lần chôn cất khoảng 300 nghìn đồng - 400 nghìn đồng” - ông Thám nói.

Bãi tập kết rác thải sinh hoạt của nhà máy xử lý rác. Ảnh: báo Thanh Niên.

Hiện nay, quỹ đất nhà máy đã đầy, không còn chỗ để tiếp tục chôn cất, còn nếu thực hiện hỏa thiêu thì nhà máy không đủ kinh phí.

Anh Lê Minh Cảnh - tổ trưởng tổ công nhân chia sẻ: “Rác tập kết về sẽ được máy cuốc đưa lên máy nghiền xé. Máy nghiền xé các bao rác rồi chuyển đến băng tải để công nhân phân loại.

Các thai nhi thường được gói bằng giấy báo, đựng trong bọc ni lông đen. Đa số khi thấy giấy báo bọc lại là có thai nhi trong đó. Các thai nhi thường được phát hiện trong tình trạng không còn nguyên vẹn”, anh Cảnh nói trên báo Vietnamnet.

Hàng cây là nơi chôn cất các thi thể thai nhi được phát hiện. Ảnh: báo Người Lao Động.

Anh Cảnh cho biết thêm, các thai nhi được chôn cất ở khu vực bờ cặp hàng rào trong khuôn viên nên khá yên tĩnh, ít có ai đến phá quấy hay đào xới. Do số lượng lớn nên nhà máy phải tiết kiệm diện tích chỉ đào một lỗ vừa đủ để bỏ hũ đựng thai nhi và lấp lại đắp mô. Qua thời gian, mưa gió khiến các mộ này cũng phẳng đi, không còn thấy.

Các thai nhi được chôn cất trong các hũ. Ảnh: báo Dân Việt

Theo thông tin trên báo Người Đưa Tin, chị Huỳnh Thị Điệp, tổ phó tổ công nhân cho biết: “Thông thường tôi sẽ phụ trách liệm các thai nhi. Từ năm 2013 đến nay, số lượng thai nhi được chôn cất rất nhiều, nhiều khi một hũ phải đựng đến 2 thai nhi”.

Chị Điệp tâm sự, ở những lần đầu tiên, chị em công nhân rất sợ khi phát hiện xác thai nhi, nhưng càng về sau khi số lượng phát hiện nhiều lên thì họ cũng quen dần. Bây giờ mỗi khi phát hiện xác thai nhi thì mỗi người một việc để chôn cất sớm, vì để càng lâu thì càng tội.

Cơ quan chức năng nói gì?

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 24/4, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản giao UBND TP. Cà Mau chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng xác thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải tập kết về Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, xác nhận trên báo Thanh Niên, ông đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra lại.

Ông Dũng cho biết mình “rất bất ngờ” về con số mà Công ty Công Lý nêu ra. “Khi các thai nhi được xác nhận đã tử vong, bệnh viện sẽ bàn giao cho gia đình, hồ sơ có người nhà ký đàng hoàng. Trước mắt, Sở đã rà soát, và khẳng định là các bệnh viện không có chuyện bỏ xác thai nhi theo rác thải. Còn với các phòng khám thì đã nghiêm cấm tuyệt đối rồi”.

Tờ trình năm 2013 của Công ty Công Lý. Ảnh: báo Người Lao Động.

Cũng theo thông tin trên báo Thanh Niên, bác sĩ Võ Thành Lợi, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, chia sẻ: “Trường hợp thai lưu, khi sinh ra thì chúng tôi cũng làm thủ tục chuyển cho gia đình, người nhà ký hồ sơ nhận xác thai nhi về. Còn trường hợp người nhà bỏ các bé lại, thì chúng tôi báo công an và liên hệ đơn vị từ thiện chôn cất đàng hoàng. Chuyện để xác thai nhi vào rác thải sinh hoạt là hoàn toàn không có”.

Ở một diễn biến khác, Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết trên báo Người lao Động, mình chưa từng nghe báo cáo về thông tin này trước đây. “Nếu phát hiện thai nhi có hình dạng, phải báo ngay cơ quan chức năng, cơ quan công an để tổ chức khám nghiệm. Điều này pháp luật đã quy định rõ. Thai nhi bị cha mẹ từ bỏ, hay bất kỳ vấn đề nào khác, cũng phải trình báo để công an xử lý. Trường hợp thai chết lưu ở bệnh viện, các bệnh viện đã có quy trình xử lý chi tiết”, đại tá Trương Ngọc Danh khẳng định.

Chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Báo Người Lao Động

Như đã đưa tin trước đó, Công ty Công Lý trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi, đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để không còn tình trạng xác thai nhi theo xe rác vào nhà máy.

Theo đó, nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau phát hiện nhiều xác thai nhi khi xử lý rác thải. Từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi. Công ty Công Lý cho biết nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên nhà máy, đến nay quỹ đất đầy, không còn chỗ chôn cất; hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nguyễn Thúy (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc