Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Vụ livestream Cô Ba Sài Gòn để 'câu' like: Giới trẻ đừng tự cào nát profile của đời mình

Theo chuyên gia tâm lý, diễn giả, TS. Huỳnh Anh Bình, hành vi livestream trộm phim hay tạo scandal để nổi tiếng nhất thời trên MXH có thể khiến các bạn trẻ đối mặt với hậu quả tai hại, nặng nề nhất là việc tạo một vết xước lớn trong profile, khó lòng xóa mờ.

1.001 cách “câu” like: Livetream trộm phim ăn khách, tung tin đồn vỡ đập thủy điện khiến hàng nghìn người hoang mang

Mới đây, lùm xùm liên quan đến việc N.V.Tr (SN 1998, Vũng Tàu) phát live trực tiếp bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” từ rạp chiếu khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Dù clip livestream đã bị xóa nhưng tại thời điểm nam thanh niên này quay, hàng nghìn người đã cùng theo dõi.

Theo phép tính sơ bộ, với giá vé chỉ khoảng 70.000 đồng, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cùng ê-kíp đã tổn thất hơn 300 triệu đồng.

Bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” bị livestream trái phép trên MXH.

Tất nhiên, thiệt hại về tiền bạc chỉ là một phần nhỏ. Điều khiến Ngô Thanh Vân cùng ê-kíp lo lắng hơn là nếu vấn nạn livestream trộm vẫn còn tiếp diễn thì ai sẽ là người bỏ tiền mua vé hay tất cả, cùng nhau ngồi đợi, chờ một ai đó phát live từ rạp để nghiễm nhiên xem phim free? Đến bao giờ, người ta mới thôi không nghĩ rằng, chỉ cần bỏ vài chục ngàn đồng mua tấm vé có giá trị sử dụng 1 lần là hiển nhiên có quyền, sở hữu tất cả nội dung bộ phịm ấy, muốn quay, muốn chụp cho ai xem là việc của họ?.

Người livestream bộ phim là N.V.Tr (19 tuổi).

Việc livestream bộ phim đang hot nhất rạp khiến nam thanh niên N.V.Tr bất ngờ trở nên nổi tiếng. Thế nhưng, phía sau hành động tưởng như trò đùa ấy lại là hậu quả vô cùng tai hại. Không chỉ ê-kíp Ngô Thanh Vân đang hứng chịu thiệt hại vi phạm bản quyền mà chính N.V.Tr cũng phải đối diện với vấn đề pháp lý khi mà theo luật, nam thanh niên có thể bị phạt cao nhất mức 1 tỷ đồng và chịu án 3 năm tù giam.

N.V.Tr đã chủ động xin lỗi Ngô Thanh Vân. Câu chuyện chưa rõ sẽ có kết quả cuối cùng sẽ ra sao nhưng hành động “câu” like này đang khiến nhiều người liên tưởng đến không ít vụ việc tương tự. Vì muốn đẩy mạnh fanpage hay đơn thuần, chỉ nhằm nổi tiếng trên MXH, được mọi người chú ý, tung hê… không ít người trẻ tuổi đã nhất thời nông nổi, tung những tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại lớn cho cá nhân/ tổ chức.

Tin đồn máy bay rơi ở Nội bài hồi tháng 7 năm nay.

Chuyện dàn dựng tin trộm cắp, cưỡng hiếp, mất tích, giật chồng, đánh ghen, thực phẩm bẩn… ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân xuất hiện nhan nhản. Không ít người kêu trời khi vô tình phát hiện mình bị kéo vào vụ lùm xùm trời ơi đất hỡi trên mạng. Thế nhưng, có vẻ những chiêu này đã cũ. Muốn tạo sự khác biệt, trò “câu” like giờ đây phát triển tới mức, người tung tin đồn còn bịa đặt chuyện vừa nghe đã đủ thấy khiếp hãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn người.

Điển hình là trong trận mưa bão lịch sử Damrey, nhà cửa, ruộng vườn, đường xá của nhiều địa phương vùng Nam Trung Bộ bị nhấn chìm trong biển nước. Giữa lúc một phần khúc ruột đất nước đang chịu cảnh tang thương thì những thanh niên thiếu đạo đức lại “hồn nhiên” tung tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2.

Tin đồn xảy ra trong bối cảnh tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra nhiều vụ sạt lở đất đá, người dân vùng lũ đang cực độ hoang mang, lo sợ. Vì thế, dù chưa biết đúng sai, nhiều người đã vội vã rời bỏ nhà cửa, bỏ lại cả tài sản, nhanh chóng tìm nơi di tản.

Người dân tản cư đến nơi an toàn vì tin đồn thất thiệt. Diễn biến vụ việc không chỉ làm ảnh hưởng đến tập thể nhà máy thủy điện mà còn gây hoang mang tột cùng cho dư luận cả nước và những người dân tại địa phương.

Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã lên tiếng bác bỏ tin đồn và vận động bà con quay trở về nhà. Dù vậy, nhiều ngày sau, người dân vẫn chưa hết hoang mang, sợ hãi. Cũng theo một số vị luật sư, hành vi này có thể áp dụng mức phạt lên đến 7 năm tù theo bộ luật Hình sự hiện hành quy định.

Trước đó đó không lâu, hồi tháng 7 năm nay, một số cá nhân đã tung tin đồn nhảm mưa to khiến máy bay rơi ở Nội Bài (Hà Nội) làm nhiều người thương vong. Tin đồn có sức ảnh hưởng này nhanh chóng lan truyền chóng mặt khiến nhiều người hoang mang. Tuy nhiên, chính quyền đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Một tin đồn thất thiệt khác trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 11 vừa qua. Một số cá nhân tung tin 300 tù nhân tại trại giam số 5, thuộc Tổng cục 8 (đóng tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, Thanh Hóa) bị chết đuối do lũ quét khiến dư luận phẫn nộ.

Cơ quan điều tra cũng nhanh chóng truy ra Phạm Thị Mùi (27 tuổi) là người tung tin đồn máy bay rơi. Mùi bị xác định đã vi phạm điều 66 Nghị định 174 với lỗi “cung cấp, trao đổi, truyền hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, uy tín của người khác”. Mức phạt với hành vi này từ 10 đến 20 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, việc đưa tin không chính xác, tung tin đồn thất thiệt chỉ để câu “like” hay xuất phát từ động cơ bất chính khác đã không còn là chuyện hiếm trên môi trường mạng. Tuy nhiên, vì sao hiện tượng này lại nở rộ như vậy và làm thế nào, giới trẻ mới thoát khỏi những “cái bẫy câu” like rẻ tiền để xây dựng thương hiệu cá nhân lành mạnh hơn? Liên quan vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình.

Mong giới trẻ đừng tự cào xước profile đẹp đẽ của mình

Diễn giả, chuyên gia tâm lý, TS. Huỳnh Anh Bình cho rằng, việc các bạn trẻ cố tình “tạo phốt” trên mạng cũng chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý của mọi người. Từ sự chú ý này, họ có thể trở nên nổi tiếng hoặc phát triển fanpage, bán hàng online nhằm mục đích thương mại… Xét về bản chất, mong muốn thể hiện bản thân hay nhu cầu kinh doanh kiếm tiền là điều hết sức bình thường và chính đáng, dễ hiểu. “Vấn đề là cách các bạn trẻ thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng như thế nào mà thôi“.

Diễn giả, chuyên gia tâm lý nổi tiếng Huỳnh Anh Bình.

TS. Anh Bình cho rằng, nhiều bạn trẻ nông nổi, chạy đua theo những nút like sống ảo mà chưa lường trước được hậu quả sự việc.

Tôi muốn khuyên các bạn trước khi làm bất cứ việc gì, hãy nhìn thấy cái giá của nó chứ đừng để mình phải trả giá. Thứ 2 là các bạn biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ. Hãy nghĩ các bạn là Ngô Thanh Vân, là đồng bào Quảng Nam đang hứng chịu hậu quả thiên tai mà suy xét thật kỹ: nếu như các bạn là họ, bị người khác tung tin đồn thất thiệt hoặc livestream bộ phim của mình cho hàng ngàn người cùng xem thì các bạn sẽ làm gì, sẽ nghĩ như thế nào.

Cuối cùng hãy luôn giữ cho mình thái độ tỉnh táo, biết nghĩ xa một chút chứ đừng chạy theo những giá trị ảo vì thường, người ta vẫn chẳng thể đủ sống nhờ những nút like trên MXH”.

Nhiều người cố tình tạo scandal trên MXH cũng chỉ vì mải chạy theo những giá trị ảo. Ảnh minh họa.

Chuyên gia tâm lý cho rằng, việc tạo scandal trên MXH sẽ gây hậu quả vô cùng to lớn, không chỉ khiến các bạn trẻ phải đối diện với vấn đề pháp lý nặng nề mà sâu xa hơn, nó còn dằn vặt về lương tâm, đạo đức. Bên cạnh đó, hậu quả lớn nhất sẽ là việc bị xã hội quay lưng và rơi vào cuộc khủng hoảng tâm lý.

Tôi nghĩ có nhiều người khi tung tin đồn, livestream nhằm mục đích câu view trên MXH chưa lường hết được hậu quả của nó. Vì thế, khi bị mọi người ném đá, bạn bè ngoảnh mặt hoặc nghe thấy những lời xì xào sau lưng, ở lứa tuổi còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm như các bạn sẽ dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý“.

“Mọi người có thể quên bạn nhưng Google chắc chắn sẽ còn nhớ”, TS. Anh Bình.

Ông Bình cũng cảnh báo rằng, một vụ scandal nhảm nhí trên MXH, thời gian sau có thể lắng xuống nhưng thông tin về vụ việc vẫn sẽ còn được lưu trữ trên mạng. “Người ta có thể quên bạn nhưng Google thì sẽ không bao giờ quên“. TS. Anh Bình cho rằng, tin đồn “câu like” càng giật gân, càng thất thiệt thì vết xước mà các bạn trẻ tạo ra trong profile của mình càng sâu đậm và rất khó xóa mờ.

Các bạn còn quá trẻ, không thể biết trước tương lai sẽ phát triển đến cỡ nào. Biết đâu mai này, ai đấy sẽ trở thành người nổi tiếng hay tiến thân trên quan trường… vậy thì những vụ việc câu like ngớ ngẩn ngày hôm nay, có thể sẽ trở thành trở ngại lớn kìm hãm các bạn về sau“.

Theo TS Anh Bình, muốn trở nên nổi tiếng, giới trẻ cần đầu tư công sức phát triển các giá trị tự thân. “Nếu các bạn có bản lĩnh, sớm muộn các bạn cũng sẽ tỏa sáng. Sự tỏa sáng do năng lực bao giờ cũng là điều đáng quý và có giá trị lâu dài. Nếu chỉ dựa vào việc tạo scandal thì chỉ là trò ăn xổi, nổi tiếng chốc lát nhưng suốt đời phải mang theo tai tiếng“.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất