Từ câu chuyện của độc giả
Chị Đào Cẩm Huyền (ngụ quận Tân Phú. TP.HCM) chia sẻ: "Ngày xưa, nhà tôi có một cái lon đong gạo "thần thánh". Nhà nghèo, ba đi làm xa nên chỉ có má xoay sở, vun vén cho 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Mà má tôi tài lắm, má có cái lon đong gạo làm từ lon sữa bò, nó có tuổi đời trên dưới chục năm. Mỗi ngày, má đong đúng 3 lon để vừa đủ cho cả nhà ăn, không dư, không thiếu. Cuối ngày, nồi cơm nhà tôi bao giờ cũng được vét sạch đáy và không bỏ dư xíu nào.
Má tôi luôn là người rời khỏi bàn ăn cuối cùng, sau khi mấy đứa con buông đũa rồi. Má hay lèm bèm câu: "Bỏ tội lắm", vậy là má luôn ráng hết chỗ thức ăn thừa. Sau này, khi anh em chúng tôi lớn lên mới biết được rằng chính nhờ sự vun vén, tiết kiệm của má, gia đình tôi mới vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy.
Vì vậy, mỗi lần nghe ai đó đặt thức ăn "thừa còn hơn thiếu", lòng tôi lại có chút khó chịu. Từ bàn tiệc công ty cho đến bàn ăn gia đình, tôi luôn cố gắng vun vén ở mức vừa đủ, tức là không ai phải đói, cũng chẳng ai no đến mức bỏ mứa thức ăn".
"Thừa còn hơn thiếu", chắc hẳn bạn đã cảm thấy quen thuộc với câu nói này. Quan điểm này tồn tại từ những bữa cơm gia đình cho tới các mâm cỗ thịnh soạn, từ hàng quán vỉa hè cho đến các nhà hàng sang trọng. Không biết số lượng khách hôm nay?
Cứ đặt thả ga, thừa còn hơn thiếu. Không biết sức ăn của mỗi người? Cứ nấu thật nhiều, thừa còn hơn thiếu. Và cứ thế, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp nhưng mâm thức ăn thừa ngổn ngang sau mỗi cuộc gặp gỡ. Đã bao giờ, bạn thấy lòng mình gợn chút nghĩ suy khi đứng lên và ra về trong khi bàn tiệc vẫn còn dở dang món ăn chưa dùng hết?
Văn hóa bàn ăn nằm ở đâu?
Văn hóa bàn ăn là câu chuyện đặc biệt, chứa đựng nhiều góc nhìn, quan điểm và cách ứng xử của mỗi người, mỗi đất nước.
Người Ấn Độ có thói quen dùng tay để ăn thay thì dùng dao, muỗng nĩa, người Bồ Đào Nha sẽ không xin thêm gia vị để nêm nếm vào món ăn vì làm thế sẽ khiến cho người đầu bếp cảm thấy không được tôn trọng.
Người Nhật Bản có cách dùng đũa thật chỉn chu, vì điều đó thể hiện tính nguyên tắc đáng tự hào. Và ở Nhật Bản, họ sẵn sàng gói cho bạn tất cả những phần thức ăn mà bạn không dùng hết, kể cả mẩu bánh mì. Văn hóa được thể hiện trên chính bàn ăn của họ.
Bạn Đoan Dung (ngụ quận 7, TP.HCM chia sẻ): "Đồ ăn thừa theo em nghĩ là một cái gì đó không hẳn là đã xấu trong mọi trường hợp. Nếu mình ăn không hết mà lãng phí thì là không tốt. Người ta thường để lại miếng cuối cùng trên bàn (để nhường nhau), mình thấy cũng thể hiện văn hóa, lối sống của người Việt mình.
Khi đi tiệc buffet, mình luôn ráng lấy vừa phải và dừng vào khi sắp no để ăn hết đồ trên bàn là vừa. Thêm nữa, mình thường hong lấy đồ ăn mình hong thích ăn. Quan điểm vừa mình là vừa đủ còn hơn thừa và thiếu".
Bạn Tường Vy (sinh viên ĐHKHXH&NV) chia sẻ: "Đối với mình, việc đem đồ ăn về nếu không ăn hết là rất bình thường, mình nghĩ đây là một cách để tiết kiệm cũng như có thể chia sẻ đồ ăn ngon với người khác. Khi ăn buffet, mình cũng thấy tình trạng thừa mứa thức ăn quá nhiều, bởi tâm lí người ăn luôn cảm thấy thấy chưa đủ dù đã no, tiếc nuối, muốn ăn ráng thêm".
"Thừa còn hơn thiếu" là quan niệm xuất phát từ tâm lí lo lắng cho thực khách, muốn bất kì ai ra về cũng phải được no đủ và hài lòng về chất lượng lẫn số lượng món ăn. Quan điểm này vẫn hợp lí ở một vài ngữ cảnh, đặc biệt là khi bạn biết cách xử lí số lượng thức ăn thừa mà không phải vứt chúng đi.
Lãng phí thức ăn là câu chuyện thu hút nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Văn hóa bàn ăn thể hiện lối sống, tư duy của người thưởng thức. Và sự tiết kiệm, không lãng phí thức ăn vốn luôn được xem là thái độ sống mà rất nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ và học hỏi.