Tại Mỹ, nơi bóng rổ được phát minh vào năm 1891, nơi các cầu thủ có thể có hợp đồng đến hàng trăm triệu đô, được xuất hiện trên phim ảnh, quảng cáo dưới những ánh đèn sáng choang, cũng như xuất hiện dày đặc trên mặt báo về bất cứ sự kiện gì diễn ra xung quanh họ.
Ở đó, trung bình khoảng 20.000 người hâm mộ đến sân vận động theo dõi trực tiếp mỗi trận đấu và hàng triệu người xem qua truyền hình, tạo nên một ngành công nghiệp tỷ đô mà bất kể ông lớn nào cũng muốn nhảy vào để khai thác và nắm giữ phần lợi.
Sự chênh lệch quá lớn về bề dày lịch sử là một phần rất quan trọng khiến bóng rổ ở Việt Nam không được săn đón nồng nhiệt như tại đất nước bên kia bán cầu, ngoài ra, tài chính và độ phổ biến cũng ngăn cách người dân tiếp cận với môn thể thao này.
Những cầu thủ bóng rổ lứa đầu
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Nguyễn Kỳ Quan năm nay 22 tuổi, với vẻ ngoài tràn đầy tự tin và sức trẻ, cho thấy rõ ràng anh là một cầu thủ bóng rổ. Biết đến môn thể thao này lần đầu từ những năm cấp hai, lúc đó anh biết mình sẽ phải say mê nó đến chết mệt và phải chơi cho bằng được bóng rổ.
Đến nay, Quan đã có 3 năm tham gia giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA dưới màu áo của Hochiminh City Wings. Với chiều cao nổi bật 1,88 mét từ khi còn là học sinh phổ thông, không chỉ có niềm đam mê mà chính cơ thể này cũng thôi thúc anh tham gia môn thể thao của quả bóng cam.
Nhưng không phải dễ dàng gì mà một cậu học sinh có thể đứng trên sân tập để tâng nảy quả bóng. Chị gái của cậu từng dành quá nhiều thời gian cho thể thao tới nỗi bỏ bê việc học, cha mẹ Quan không muốn người con trai này lại đi vào vết xe đổ đó nên ra sức ngăn cản.
Bất chấp sự phản đối, chàng trai vẫn tập luyện cùng bạn bè ở sân trường sau giờ học, ở những khu đất trống và ở bất cứ nơi nào có thể tụ hội được nhóm bạn cùng đam mê. May mắn thay, cô em gái nhỏ của Quan biết được chuyện này và đồng hành cùng anh trai, cô bé tin chắc rằng người anh của mình có đam mê thật sự.
“Tôi vẫn thầm cảm ơn cô em gái nhỏ vì em ấy luôn đứng phía sau tôi để ủng hộ. Lúc đó, tôi không có gì ngoài lời nói và hành động đang diễn ra để chứng minh mình không bỏ học mà theo đuổi thể thao, tôi không trách gia đình mình, tôi chỉ cảm ơn em gái tôi đã tin tưởng tôi nhiều như vậy”, anh chia sẻ.
Sự chăm chỉ luyện tập đó cuối cùng cũng được đền đáp. 3 năm trước, khi Kỳ Quan đứng trước giảng đường đại học để bắt đầu tháng ngày sinh viên, cũng là lúc câu lạc bộ Hochiminh City Wings soạn thảo một hợp đồng để chiêu mộ chàng trai một-mét-chín.
Khi trở thành thành viên chính thức của đội bóng, anh không chỉ chứng minh bản thân với gia đình mà còn có cơ hội được tập luyện nhiều hơn, đi cùng với sự rèn luyện bản thân là sự tăng lên nhanh chóng của các chỉ số về kỹ năng và thể lực.
Wings đã đi đến cuối cùng của mùa giải năm 2018 với kỷ lục 8 trận thắng, không chỉ là lần đầu tiên sau 3 năm đội bóng này đi vào vòng chung kết mà họ còn rinh về được chiến thắng đầu tiên. Kỳ Quan cảm thấy rất tự hào khi đóng góp một phần vào vinh quang này.
Tập làm quen với sự không nổi tiếng
Có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ phát sốt lên khi phải ngồi trong những chiếc xe khách chật chội hay cabin máy bay khó duỗi chân, vậy hãy tưởng tượng đến cảnh tượng các cầu thủ bóng rổ với đôi chân dài miên man phải chen chúc trong những chiếc hộp nhỏ bé như vậy.
Giống như Quan, đồng đội của anh phải di chuyển liên tục đến nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước để luyện tập và thi đấu. Say tàu xe, quãng đường di chuyển xa nhưng những chàng trai vẫn phải giữ được sức lực để bắt đầu những trận đấu đầy nhiệt.
Khi được hỏi sẽ làm gì khi đội nhà chiến thắng, Kỳ Quan chỉ cười và nói “Đi quẩy thôi!” Chắc hẳn ai khi đứng vào vị trí của cậu trai 22 tuổi cũng sẽ trả lời như vậy. Để tỏa sáng trên sân đấu, các chàng trai phải duy trì tình trạng thể lực cực kỳ tốt qua chế độ dinh dưỡng và luyện tập khắc nghiệt.
“Hai bài tập lớn mỗi ngày, các bài tập thể chất nhỏ lẻ nhiều lần trong ngày, những buổi huấn luyện ở xa thành phố, chế độ ăn chuẩn chỉnh đến từng calo cùng lịch sinh hoạt cực kỳ khoa học. Sau tất cả, không còn quá nhiều thời gian để giải trí chứ nói gì là tiệc tùng”, Quan chia sẻ.
Sau khi mùa giải kết thúc vào tháng 10, những cầu thủ như Quan sẽ quay về câu lạc bộ của mình để tập luyện và thi đấu giao hữu với nhau, nguồn thu nhập từ mùa giải chính sẽ không còn nữa. Thời gian này cũng là lúc Quan phải đến trường để học tập.
“Không cần nói ra, ai cũng biết được quy mô của môn bóng rổ ở Việt Nam là rất nhỏ, vì thế khó có thể kiếm sống được với nghề cầu thủ bóng rổ tại đây. Mình theo học ngành huấn luyện thể thao với mong ước sẽ được làm công việc quản lý cho môn thể thao này trong tương lai”, cầu thủ Kỳ Quan cho biết.
Sẵn sàng chào đón lứa cầu thủ mới
Nhiều cầu thủ của Hochiminh City Wings vẫn sống cùng cha mẹ, nhiều người khác vẫn đi làm thêm ở quán ăn để trang trải cuộc sống. Khi Wings đến phòng tập ở Quận 3, không một ai nhận ra các chàng trai và ùa đến xin chữ ký như trong giấc mơ của họ. Ở đó, họ chơi bóng rổ bên cạnh những người phụ nữ lớn tuổi đang tập dưỡng sinh, yoga cùng những đứa trẻ đang học võ.
“Rõ ràng không thể so sánh bóng rổ Việt Nam với bóng rổ ở nơi sinh ra nó là Hoa Kỳ, nhưng tôi muốn ít nhất cũng được như Phillippines. Ở đó, người ta cuồng nhiệt môn thể thao này bên cạnh bóng đá, những đứa trẻ được học bóng rổ từ nhỏ và phần lớn chúng bám theo con đường này cho đến khi trưởng thành”, Kỳ Quan tâm sự.
Trong thực tế, mọi chuyện không quá ảm đạm như vậy. Những năm qua, bóng rổ ở Việt Nam đã đạt được những dấu mốc đáng ghi nhận: nhiều trung tâm bóng rổ chuyên nghiệp đã được mở ra để huấn luyện trẻ em từ lúc nhỏ, môn thể thao này cũng được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường học và số lượng người tham gia ngày càng đông.
Nói về sự phát triển của bóng rổ ở Việt Nam, vấn đề không phải ở cơ sở vật chất hay điều kiện không cho phép, mà phần nhiều đến từ sự quan tâm của xã hội. “Vài năm gần đây, truyền thông tạo ra nhiều xu hướng và lối sống mới giúp người ta biết đến bóng rổ nhiều hơn. Không thể bắt một đứa trẻ chơi bóng rổ khi nó không biết đó là gì, việc cần nhất vẫn là tạo xu hướng cho những người trẻ”, anh cho biết.