Từ xa xưa, sử dụng rượu, bia đã trở thành nét văn hóa của người Việt, nhất là trong thờ cúng tổ tiên, lễ tết, hiếu hỷ, tiếp khách, gặp mặt gia đình, bạn bè... Tuy nhiên, nó chỉ là nét văn hóa khi chúng ta sử dụng đồ uống một cách điều độ, có văn hóa, văn minh, không lạm dụng rượu, bia để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Ngành Đồ uống Việt Nam (bao gồm Bia – Rượu – Nước giải khát) là một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mỗi năm, toàn ngành đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động trên cả nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, có nhiều hoạt động ý nghĩa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Mới đây, tại cuộc thi viết “Ngành Đồ uống Việt Nam với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, nhiều tác phẩm đã phản ánh sinh động toàn cảnh ngành Đồ uống Việt Nam, trong đó phải kể đến tác phẩm mang tên "Người mẹ tảo tần gần 30 năm kinh doanh đồ uống nuôi các con thành tài của tác giả Thi Hoàng Khiêm. Dù chỉ đạt giải C nhưng tác phẩm này đã để lại nhiều ấn tượng khi mang đến một câu chuyện cực kỳ nhân văn của ngành Nước giải khát.
“Tay ôm hủ rượu, buồng cau
Đi ngả đường sau, thầy mẹ chê khó,
Đi ngả cửa ngõ, chú bác chê nghèo,
Nhắm chừng duyên nợ cheo leo,
Sóng to, thuyền nặng không biết chống chèo có đặng (được) không ?”
Ca dao dân ca là những khúc hát ân tình, nghĩa tình thể hiện tiếng nói của người bình dân. Từ xa xưa đến nay, nếu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì “rượu” là hình ảnh sóng đôi không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam ta. Trải qua suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, trong tiềm thức của mỗi người dân Việt, rượu (rượu, bia, nước giải khát – thuộc ngành đồ uống) đã góp phần tạo nên những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền trên đất nước hình chữ S thân thương.
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. 19 tuổi, mẹ được gả về làm dâu cho bà nội. Một năm sau, mẹ được bà nội giao hết công việc mua bán lúa và đậu phộng. Cứ hết mùa vụ mua bán lúa đậu, mẹ đi chợ Lớn, chợ Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) lấy hàng tạp hóa về bán. Khi ấy, nơi cửa hàng tạp hóa nhỏ của mẹ, có rất nhiều bà con cô bác hỏi mua rượu, bia, nước ngọt. Và thế là, mẹ đến đại lý lớn tại huyện huyện Hốc Môn mua bia, nước ngọt về bán. Vì khách lạ với xa lắc xa lơ đến tận nơi mua nên chủ đại lý buộc mẹ phải đặt tiền cược vỏ chai thì họ mới bán hàng. Không một chút đắn đo, mẹ quyết định cược vỏ ngay.
Tôi nhớ như in hình ảnh mẹ ở tuổi 42 với dáng gầy nhỏ nhắn trên chiếc xe cúp “cánh én” vượt gần 14 km chở một lần đến 7 két bia, nước ngọt các loại (két rỗng ở lượt đi, két nước ở lượt về). Với sức lực có hạn của người phụ nữ, mẹ đã nhanh trí chuẩn bị 4 giỏ xách nhựa đan tay dày để bỏ vào mỗi xách là 1 két bia/nước ngọt; mẹ treo mỗi bên tay ga 1 xách, phía sau yên xe, mỗi bên 1 xách được cột lại 2 đầu quay xách thả ngay giữa cân đối đều nhau 2 bên xe, 3 két còn lại, 1 kết mẹ để ngay ba ga trước, 2 két còn lại để trên yên sau. Có ngày, mẹ và anh tư thay phiên nhau chở 2, 3 chuyến để đủ bán cho bà con lối xóm mỗi khi nhà có tiệc tùng, hiếu hỷ…
Năm 2002, xã Mỹ Hạnh Nam được các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh hướng đến xã nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp. Đứng trước quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và công nghiệp hóa (xã có nhiều cụm, khu công nghiệp được hình thành đã thu hút các nhà đầu tư, các công ty xí nghiệp với rất đông lao động, công nhân từ khắp các tỉnh thành đến đây sinh sống làm việc. Đây là một trong những tiềm năng rất lớn cùng với địa bàn dân cư địa phương góp phần tiêu thụ sản phẩm, phủ sâu rộng thị trường bán lẻ mà các công ty, tập đoàn bia, rượu, nước ngọt khi ấy đang hướng đến), mẹ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để bổ sung vốn kinh doanh, mở rộng kho bãi, đầu tư xe tải, tuyển dụng tài xế, bốc xếp để đẩy mạnh kinh doanh bia, nước giải khát các loại. Công việc làm ăn kinh doanh buôn bán của mẹ diễn ra rất thuận lợi một phần nhờ vào chính bản thân mẹ có tầm nhìn về kinh doanh ngành nghề đồ uống sẽ có khả thi, một phần cũng nhờ vào một lượng lớn đông đảo bà con lối xóm là các nhà vườn, thương lái, bạn hàng mua bán đậu phộng của mẹ lúc trước đã nhiệt tình ủng hộ.
Ban đầu, từ 1 chiếc xe tải nhỏ 1 tấn, dần dần mẹ đầu tư thêm 2, 3 chiếc tải 3,5 tấn, 6 tấn để nhập và giao hàng cho bạn hàng đúng tiến độ. Hệ thống danh sách khách hàng của cửa hàng mẹ đã tăng dần từ vài chục đến gần 400 khách hàng sỉ lẻ lớn nhỏ khắp các xã trong huyện Đức Hòa. Và đấy cũng chính là một trong số những điều kiện để mẹ được các tập đoàn, công ty bia, nước ngọt chấp thuận ký kết hợp đồng nhà phân phối cấp 1.
Nhìn lại chặng đường 20 năm kinh doanh mua bán các sản phẩm ngành đồ uống của mẹ, với tôi, mẹ là nguồn cảm hứng bất tận luôn luôn tràn đầy năng lượng trong công việc và cuộc sống để tôi học tập và nối tiếp công việc kinh doanh của mẹ. Mẹ là người phụ nữ đảm đang, gan dạ, mạnh mẽ, dám đương đầu trước những khó khăn thử thách để từng bước phát triển kinh doanh bia, nước giải khát trong nhiều năm liền. Mẹ đã góp một phần không nhỏ vào ngân sách thuế của nhà nước mỗi năm; mẹ đã tạo công ăn việc làm cho các chú, các anh mỗi khi vụ mùa kết thúc, góp phần giải quyết vấn đề lao động tại địa phương; mẹ cũng đã từng bước tạo nguồn thu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình, và hơn hết là nuôi dạy 8 anh chị em tôi ăn học thành tài.
Những khoảnh khắc ghi sâu vào tâm trí tôi là hình ảnh mẹ ngồi nơi bàn làm việc, mẹ nghe điện thoại đặt hàng của cô Sáu - một trong số những khách hàng lâu năm của mẹ: “Alo! Út đẹp hả em? Ngày 18 tháng Chạp này chị cưới vợ cho thằng út, ngày 17 em giao chị 40 két bia với 20 thùng nước ngọt nhen em!”. Vâng! chính sự chân thành, ân cần, niềm nở phục vụ khách hàng tận tâm bấy lâu nay của mẹ đã tạo nên niềm tin tưởng từ khách hàng để rồi tạo nên những đơn hàng, những chuyến xe chở bia, nước ngọt đến với các bạn hàng, bà con lối xóm gần xa.
Song, câu chuyện về hành trình kinh doanh các sản phẩm đồ uống của mẹ không chỉ có thế mà còn đâu đó là hình ảnh của lượng lớn những khách hàng thân thiết đến tận nơi cửa hàng mua từng thùng bia, từng thùng nước ngọt mỗi độ Tết đến Xuân về. Và đây cũng là dịp mà các cơ quan, tổ chức, công ty, doanh nghiệp đến đặt hàng với số lượng lớn để biếu tặng công nhân viên dịp cuối năm. Dõi mắt nhìn theo những thùng bia mẫu mã Tết, những thùng nước ngọt trên tay các cô chú anh chị em công nhân mới cảm nhận được cái nghĩa cái tình của người Việt mình là “trao niềm vui, nhận nụ cười” thật đẹp làm sao!
Năm tháng vội vã đi qua, mẹ đã 73 tuổi, mẹ vẫn miệt mài bên cửa hàng tạp hóa của gia đình. Đọng lại sâu trong tâm trí tôi là hình ảnh mẹ đi trên chiếc xe cúp “cánh én” chở bia, nước ngọt, là hình ảnh mẹ ngồi trên xe tải cùng các chú, các anh tài xế trên những chuyến xe gần xa khắp các nẻo đường giao nhận hàng cho khách. Tất cả đó là những ký ức tuổi xuân tươi đẹp của mẹ, là một phần đời của mẹ đã đồng hành cùng ngành Đồ uống Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
Sau hơn một năm phát động và nhận bài dự thi, Trao giải Cuộc thi viết “Ngành đồ uống Việt Nam với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” đã chính thức diễn ra vào sáng 23/12/2022, tại Hà Nội. Theo đó, Giải A thuộc về tác phẩm "Ngành Đồ uống Việt Nam lớn mạnh cùng đất nước của Lê Thị Thu Thanh". 2 Giải B: Bức tranh ngành Đồ uống Việt Nam: Triển vọng trong thời đại mới của Trúc Quỳnh; Thức uống tự nhiên và nét văn hóa uống của người Cơ Tu của Trần Đức Sáng. 3 Giải C gồm: Người mẹ tảo tần gần 30 năm kinh doanh đồ uống nuôi các con thành tài của Thi Hoàng Khiêm; Tiêu dùng xanh - Môi trường xanh của Bình An; Ý thức của các doanh nghiệp đồ uống với an toàn giao thông của Đinh Thành Trung. 5 giải Khuyến khích gồm: Chàng rể tiếp thị của Tuyết Nhung ; Giữ hương cho trà sen của Giang Nam; Kỷ niệm với công ty có truyền thống hơn 60 năm phát triển cùng đất nước của Chu Thị Xuân Hương; Những "chiến sỹ thầm lặng" trên mặt trận tuyên truyền "Uống bia rượu văn minh" của Lê Văn Tâm; Suýt chết vì lấy rượu giải sầu của Mộc Kiều.
Có thể nói, thông qua các tác phẩm này, dư luận sẽ có cái nhìn tổng quan, nhiều chiều về các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Đồ uống, vai trò, vị trí của ngành đối với kinh tế xã hội của đất nước trong việc đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trong ngành đối với an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa và rất nhân văn mà các doanh nghiệp trong ngành đã thực hiện trong thời gian qua.