Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

TS Nguyễn Tùng Lâm: ‘Phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng là điều không tưởng tượng nổi’

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Đánh giá về hành động giáo viên phạt học sinh “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đây là cách làm theo bản năng chứ không phải là một nhà giáo dục, nhà sư phạm.

“Thử đặt mình là phụ huynh mình có chấp nhận việc này không”

Mới đây, câu chuyện bé Phạm Phương Anh, học sinh lớp 3A5, Trường tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) bị cô giáo phạt “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng trong lớp đã khiến dư luận xôn xao.

Học sinh bị cô giáo phạt súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng.

Sau sự việc, bản thân cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương đã nhận ra việc làm sai của mình và đến xin lỗi công khai gia đình học sinh. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng ngay trong ngày 5/4 đã phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương, các cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành xác minh, làm rõ.

Qua đó, xác định cô Hương đã vi phạm về điều 6 Quy định về đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện kể từ ngày 5/4/2018.

TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội).

Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng, việc cô giáo phạt học sinh “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng là cách làm theo bản năng chứ không phải là một nhà giáo dục, nhà sư phạm.

“Là nhà sư phạm trước nhất phải khoan dung với học trò, phải nghĩ ra cách giáo dục học trò chứ không phải trừng phạt học trò một cách bắt súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng như thế. Nếu cô là phụ huynh học sinh cô có chấp nhận việc này hay không? Bản thân cô có chấp nhận dùng nước đó súc miệng không, nếu cô suy nghĩ thế thì cô đã không làm…”, TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Là chuyên gia tâm lý giáo dục nhiều năm, TS Nguyễn Tùng Lâm đánh giá, đây là việc làm ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh nhà giáo. “Thời gian gần đây, việc thầy cô giáo có một số vi phạm đã xảy ra đăng tải lên mạng xã hội đã rất đau lòng, hôm nay cô giáo này lại làm việc không ai tưởng tượng nổi, đó là điều gây bức xúc dư luận cũng như trong giới nhà giáo”, TS Lâm nói.

Làm nhà giáo phải có đạo đức nghề nghiệp

Qua vụ việc này, TS Lâm chỉ rõ hai vấn đề đặt ra đó là làm thế nào giúp các thầy cô giáo vượt qua những áp lực về nghề nghiệp để làm đúng sứ mệnh trồng người của mình? Xã hội nhìn nhận việc này như thế nào? Nếu không cứ hết sự việc này đến sự việc nọ sẽ khiến nhiều người bi quan, chán nản về ngành giáo dục.

Trường tiểu học An Đồng nơi xảy ra sự việc.

“Các thầy cô giáo hiện nay trong nhà trường sư phạm cũng như mỗi nhà trường chưa làm tốt 2 việc đó là đạo đức nghề nghiệp, phải giáo dục việc này để ăn sâu vào mỗi người chứ không phải khẩu hiệu đặt ra kêu gọi thầy cô giáo thực hiện. Tôi không thể hình dung được cô giáo này có đọc báo, nghe đài mấy ngày nay hay không nhưng nếu đọc báo, xem internet thì ắt hẳn cô sẽ cảnh giác, biết tự chế mình.

Thứ 2 là phương pháp giáo dục quyền uy quá nặng, luôn áp đặt học trò, luôn cho rằng thầy cô là đúng, học sinh phải thế này, phải thế kia, đưa ra nhiều hình thức kỷ luật để áp đặt học trò, việc làm đó rất nguy hiểm”, TS Lâm chỉ rõ.

TS Lâm cho rằng: “Việc học sinh còn nhỏ nghịch ngợm đã là gì ghê gớm đâu, tất nhiên học trò phải giữ kỷ luật, cô phải nghĩ ra cách giữ kỷ luật. Nhiều giáo viên giỏi dạy hấp dẫn, lôi cuốn học trò, nhiều thầy cô dạy học không có nội dung gì nhưng cứ bắt học sinh im lặng…”

Về quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên vi phạm, TS Lâm cho rằng, nếu là giáo viên lâu năm thì nên xem xét quá trình giảng dạy, còn nếu như trường hợp này giáo viên mới làm đã bộc lộ như thế này thì nên chấm dứt công việc.

“Là nhà giáo phải có tài năng và đạo đức, nếu không có 2 thứ đó thì nên làm việc khác, không tham gia dạy dỗ học trò. Còn nếu đam mê với nghề, nhận ra cái sai lấy hành động của mình để chuộc lỗi của mình thì phải làm lại từ đầu. Qua sự việc này, nhà trường nên tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên về phương pháp giáo dục. Một số bộ phận dạy học sinh kỹ năng sống nhưng chính các thầy cô cũng không có kỹ năng đó”, TS Lâm đưa ra lời khuyên.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất