Vừa gặp, chú Minh đã tạo cho tôi cảm giác thân quen và gần gũi, chân chất đậm chất người dân miền Tây. "Tìm đường có khó không con?", chú Minh vừa tươi cười niềm nở vừa hỏi han ân cần.
Chú Minh kể, gia đình chú quê ở Tiền Giang nhưng đã chuyển lên TP.HCM sinh sống từ lâu. Ngày trẻ, chú từng là một họa sĩ, đam mê với cây cọ, hộp màu, thế rồi, bẵng đi một thời gian, đam mê không thể nuôi sống gia đình nên chú đành gác lại, lao vào cuộc sống cơm áo gạo tiền bằng nhiều công việc khác nhau.
7 năm trước, khi thấy sức khỏe không còn được như ý, chú Minh bắt đầu với nghề bán cào cào lá dừa ở các góc ngã tư TP.HCM. Nói là cào cào lá dừa, thế nhưng chú đã biến tấu thành nhiều con vật khác nhau để cho khách hàng có thêm lựa chọn.
"Ban đầu, tôi chỉ làm được 4 -5 hình dạng con vật thôi. Sau đó, tôi tự mày mò, sáng tạo thêm nhiều hình dạng con vật khác. Đến nay, tôi có làm được 43 con vật khác nhau", chú Minh tự hào kể.
Theo chú Minh, những con vật mà chú Minh đã làm quen tay thì chỉ mất 5 - 7 phút để hoàn thành các thao tác. Còn những mẫu mới mà chú sáng tạo ra có thể mất từ 1 tuần đến 1 tháng để hoàn thiện và ghi nhớ các bước.
"Tôi chỉ tốn thời gian lúc ban đầu sáng tạo ra thôi, còn nếu đã làm được rồi thì chỉ mất 5 - 7 phút là hoàn thành", chú Minh nói.
Kể lại cơ duyên biết đến nghề làm cào cào lá dừa, chú Minh cho hay, hồi còn bé, chú quen biết với một người đàn ông ở gần nhà làm nghề cào cào lá dừa rồi mê mẩn từ lúc nào không hay. Sẵn trong người có "máu" nghệ sĩ, thấy ai sáng tạo gì là chú Minh liền xin đi theo để học hỏi. Ngoài giờ học trên lớp, chú Minh phụ người đàn ông kia làm cào cào lá dừa, thi thoảng cùng đi bán hàng. Bây giờ, món nghề "học lỏm" kia lại trở thành công việc tuổi già của chú.
Vừa trò chuyện, tôi vừa để ý đồ nghề lẫn tay nghề của chú Minh. Kể ra, để làm được một con vật bằng lá dừa cũng vất vả phải biết, chẳng những nhiều thao tác mà nguyên liệu lá dừa kia vốn cũng không có sẵn ở nơi thành thị này. Chú Minh cho hay, nguyên liệu để làm cào cào lá dừa chỉ có ở các tỉnh miền Tây, chưa kể, để lấy được phần lá ấy cũng phải chọn lọc kỹ càng.
"Phần làm cào cào lá dừa nhất định phải là phần cờ bắp của cây dừa nước, tức là phần lá non có màu ngả vàng bên trong. Lấy cờ bắp cực lắm, vừa phải lội nước, vừa phải trèo cây. Đã vậy, cây cờ bắp này vừa dài vừa nặng nên lúc trước sức khỏe còn đảm bảo, tự tay tôi sẽ đi chọn. Sau này, sức khỏe yếu dần, tôi chuyển sang hướng dẫn cho mấy đứa cháu dưới nhà vườn, khi cần thì gọi điện là mấy đứa đi kiếm rồi gửi xe lên TP.HCM cho tôi", chú Minh kể.
Chú Minh nói thêm: "Vốn trả cho phần nguyên liệu chẳng đáng bao nhiêu, chủ yếu là tiền công cho người lấy cờ bắp".
Chú Minh không bán đều đặn mỗi ngày, cũng không ngồi cố định ở địa điểm nào. Chú bán cách ngày, ngày nghỉ để đi lấy nguyên liệu, chuẩn bị mọi thứ cho ngày hôm sau.
"Cứ 2 ngày tôi mới bán 1 ngày, chỉ bán buổi chiều thôi. Từ 4h đến 7h tối là tôi về rồi. Có bữa bán được 20 con, có bữa được 30 con, bữa nào nhiều thì có khi cũng bán được 40 con. 20.000 đồng/con nên thu nhập cũng đủ để tôi tiêu vặt, phụ thêm với bà xã để trang trải gia đình, mua thêm cho cháu ngoại hộp sữa hay cái quần, cái áo. Thi thoảng bị ế lại mang về ướp lạnh như ướp rau, may mắn là lá dừa này để được lâu nên không bị hư hỏng gì.", chú Minh cho hay.
Năm nay đã 70 tuổi, chú Minh cũng như bao bạn bè khác, có trong người vài loại bệnh tuổi già, trong đó, bệnh tiểu đường đã theo chú 19 năm nay khiến chú liên tục bị các cơn đau hành hạ. Chưa kể, cách đây 4 năm trước, mắt bên phải của chú Minh bị hư hoàn toàn, mắt bên trái bị đục tinh thể, may mắn mổ kịp thời nên vẫn nhìn thấy được.
"Có một thời gian tôi thấy mắt bên phải mờ mờ, cứ chủ quan nghĩ rằng do tuổi già nên mắt mờ, cũng chẳng đi khám gì cả. Bất ngờ một sáng ngủ dậy thì bên mắt phải không còn thấy gì, ban đầu cũng có chút khó chịu vì đi đường hay làm gì cũng rất khó khăn, bất tiện. Lâu dần thấy quen rồi nên cũng chẳng thấy có vấn đề gì to tát", chú Minh lạc quan nói.
Kể về gia đình, chú Minh cho biết, vợ chồng chú có 4 người con, 3 gái và 1 trai. 3 người con gái của chú đã có gia đình và công việc ổn định, còn cậu con trai út hiện vẫn đang ở cùng với ba mẹ. Bà xã chú Minh hằng ngày đảm nhận công việc trông coi cháu ngoại và chăm chút các việc vặt trong gia đình.
Thấy chú Minh tuổi đã cao, sức khỏe cũng không còn dẻo dai như ngày trước nên cả bà xã lẫn các con ban đầu đều phản đối việc chú rong ruổi bán cào cào lá dừa. Thế nhưng, vốn là người hăng say lao động, không chịu được cảnh "buồn tay buồn chân" nên chú Minh hết thuyết phục đến "làm nũng" gia đình để được đi làm nghề.
"Tôi đi bán như vậy, bà xã và các con phản đối lắm. Tôi lớn tuổi rồi, đi đường xe cộ đông đúc nên nhiều khi gia đình không yên tâm, sợ đủ chuyện. Có mấy bữa thấy tôi mệt, đau nhức phải nằm một chỗ, cả nhà càng quyết tâm không cho đi bán. Thấy vậy, tôi phải "làm nũng" các con, bảo là "ba nằm một chỗ thấy sao buồn quá, nhức mỏi càng nhức mỏi hơn, giờ ba mà được đi bán cào cào, được vận động có khi khỏe lại liền". Nghe tôi nói vậy, các con dù lo lắng nhưng cũng đành đồng ý cho tôi đi bán hàng trở lại", chú Minh cười, nói.
Chú Minh kể, 7 năm đi bàn hàng rong cào cào lá dừa, thi thoảng chú cũng gặp những sự cố nho nhỏ. Đó là những lần bị chủ cửa hàng đuổi đi nơi khác vì sợ chú chiếm chỗ.
"Người ta đuổi thì mình lại dời đi nơi khác, mình đi bán rong cũng phải hiểu cho người ta, họ cũng mất tiền thuê mặt bằng, họ cũng muốn có khách hàng... nên tôi rời đi cũng vui vẻ lắm, không phàn nàn gì ai", chú Minh nói.
Ngay góc ngã tư chú Minh ngồi bán hàng, lúc này tín hiệu đèn đỏ bật lên, hàng người theo đó mà chấp hành luật lệ dừng xe lại. Thấy vậy, chú Minh chợt nhớ ra điều gì, đưa tay lên chỉ gánh hàng cào cào lá dừa của mình rồi quay sang nói với tôi:"Tôi ngồi bán vầy nè, nhiều người dừng đèn đỏ ngoái nhìn gánh hàng, họ thích thú rồi buông mấy lời khen, nào là "đẹp quá", nào là "ông này ổng làm hay quá...", tự nhiên tôi phấn khởi trong lòng vô cùng".
Chú kể tiếp: "Khách đến đây mua, người lớn cũng có, trẻ nhỏ cũng có. Mấy món quà này cực kỳ sạch sẽ, không độc hại và tốt cho sức khỏe của mấy cháu nhỏ. Vả lại, tôi muốn dùng những tác phẩm của tôi gợi lại cho thế hệ sau này nhớ về nguồn gốc trò chơi dân gian từ thời ông bà của mình, từ đó con trẻ biết trân trọng hơn. Thành thử, dù nhiều khi sức khỏe không tốt tôi vẫn muốn ngồi bán mấy món đồ này là vậy".
Khi được hỏi, một ngày nào đó chú không thể làm được nữa, chú có nghĩ tới chưa? Chú Minh im lặng hồi lâu rồi nói: "Có chứ, chắc chắn là một ngày nào đó, tôi sẽ không thể chạy xe rong ruổi các ngã đường, không thể ngồi các ngã tư mà gấp mấy con cào cào lá dừa này nữa nhưng bây giờ còn làm được thì cứ làm thôi.
Tôi luôn muốn lưu giữ những kỷ niệm, lưu giữ chút gì đó dân gian để gợi lại cho thế hệ sau này. Sau này "mắt kém tay run" không làm được nữa, tôi vẫn hy vọng có ai đó tiếp nối, duy trì để các thế hệ trẻ thơ biết đến môn nghệ thuật dân gian này"....
Chú Minh kể, kể từ hồi ra bán cào cào lá dừa, chú cũng có "đệ tử" theo học nghề, thế nhưng chẳng mấy ai kiên trì cả, nên đến bây giờ chú vẫn chưa kiếm được "đệ tử ruột" nào để tiếp nối truyền thống.
"Có vài bạn trẻ theo tôi học nghề nhưng chỉ làm được vài ba con đơn giản. Đến khi làm những con vật với độ khó cao hơn là các bạn nản chí, bỏ ngang giữa chừng. Hơn nữa, nhiều bạn chỉ học để thỏa mãn chí tò mò chứ không hẳn là đam mê nên không ai muốn gắn bó cả", chú Minh kể.
Đang say sưa gấp lá dừa hình con cá, chú Minh bất giác quay sang nói với giọng hào sảng: "Tôi bán rong vậy thôi chứ tôi có "show" đó nha".
Hóa ra, thi thoảng chú Minh được các gia đình mời về làm "show" sinh nhật cho các bạn nhỏ. Chú sẽ phụ trách gấp các con vật bằng lá dừa để gia chủ tặng cho các bạn nhỏ đến dự sinh nhật. Có khi chú Minh nhận được "show" tiệc mừng thọ, chú cũng đến gấp các con vật bằng lá dừa, tặng cho các cụ và người nhà để hoài niệm về một thời xa xưa. Thậm chí, cả "show" đám cưới, chú Minh cũng từng được mời tới để gấp hoa trang trí cổng cưới bằng lá dừa.
"Mấy show này thù lao cao hơn bán rong nhưng thi thoảng mới nhận được", chú Minh thật thà chia sẻ.
Gần 7h tối, lúc này gánh hàng cào cào lá dừa đã vơi đi nhiều, còn mấy con chưa bán hết, chú gom lại, tặng cả cho tôi.
"Tới giờ chú về ăn cơm với mấy đứa cháu ngoại rồi, còn mấy con này chú tặng cho con nghe. Hôm nào rảnh, ghé nhà chú, chú tặng con bức tranh chú vẽ từ hồi xưa", nhớ tới nghe....