Theo Viện Vật lý địa cầu, vào lúc 11h35' ngày 28/7, một trận động đất mạnh 5.0 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất có tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Trận động đất mạnh khiến nhiều người dân sống tại Kon Tum hoang mang, hoảng sợ. Nhiều nơi cách xa tâm chấn cũng cảm nhận rõ được sự rung lắc.
Thông tin với Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Sử (34 tuổi) chia sẻ, khi gia đình đang ở trong căn nhà xây, tự nhiên thấy rung lắc lớn, mọi người hô nhau chạy ra ngoài cho chắc.
Người đàn ông cho biết sau khi động đất qua đi, ông quay vào nhà thì nhìn thấy hai vết nứt lớn trên tường nhà, vết nứt lớn rộng 10cm.
Một lãnh đạo UBND huyện Kon Plông cho biết, đang tiếp tục rà soát thiệt hại sau trận động đất trên. Bước đầu cho thấy chỉ có điểm Trường Trung học cơ sở Đắk Rin và Trạm Y tế đều xã này có rạn nứt nhẹ. Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn chưa có thiệt hại về người và tài sản.
Trước đó chưa đến 20 phút, vào lúc 11 giờ 17 phút cũng tại H.Kon Plông (ở tọa độ 14,851 độ vĩ bắc - 108,327 độ kinh đông) xảy ra trận động đất 4,1 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,3 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Cũng trong sáng 28/7, tại H.Kon Plông còn có 2 trận động đất khác. Một trận lúc 3 giờ 12 phút (độ lớn 3,4 độ Richter), một trận lúc 8 giờ 35 phút (độ lớn 3,3 độ Richter).
Như vậy, chỉ trong 1 buổi sáng, tại H.Kon Plông xảy ra 4 trận động đất, riêng trận 4 xảy ra lúc 11 giờ 34 phút là trận động đất có cường độ lớn nhất từ trước đến nay ở Kon Tum, báo Thanh Niên dẫn tin từ TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.
Theo các chuyên gia, động đất ở H.Kon Plông là động đất kích thích, do ảnh hưởng từ các hoạt động của các hồ thủy điện trong khu vực. Vì thế từ nhiều năm nay, mỗi năm ở Kon Tum có hàng trăm trận động đất. Tuy nhiên hầu hết các trận động đất chỉ có cường độ từ 2 đến dưới 4 độ Richter. Những trận động đất có cường độ từ 4,5 đến 5 độ Richter là hiếm gặp.