“Lý do chọn 10 ngày vì xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp ở xa, cả năm chỉ về quê dịp tết nên nghỉ 10 ngày giúp lao động có thời gian di chuyển, không căng thẳng tàu xe và thăm thân nhân”, ông Mai Đức Chính cho biết.
Còn nếu theo phương án nghỉ 7 ngày, thì người lao động đi làm vào thứ 6 (3/2/2017) rồi lại nghỉ tiếp 2 ngày cuối tuần. Thực tế, nếu chọn phương án 7 ngày thì ngày thứ 6 đi làm thì nhiều khu công nghiệp sẽ ít công nhân đến làm việc vì họ sẽ xin nghỉ phép để nghỉ tiếp 2 ngày cuối tuần. Do đó, với người lao động phương án nghỉ tết 10 ngày sẽ hợp lý hơn. Điều quan trọng là sau khi nghỉ tết, chúng ta phải vào làm việc đúng thực chất, nghiêm túc, chứ vài ngày lại đi chúc tết thì không đúng”, ông Mai Đức Chính nhận định.
Trước đó, Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐTBXH) trình phương án nghỉ Tết âm lịch Đinh Dậu 2017 để lấy ý kiến các bộ nghành. Theo đó Bộ LĐTBXH đưa ra 2 phương án nghỉ Tết là 7 ngày và nghỉ 10 ngày. Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), quan điểm của Bộ LĐTBXH nghiêng về phương án nghỉ tết 7 ngày vì nghỉ dài ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh.
Đại diện một số doanh nghiệp dệt may cũng cho rằng nên nghỉ tết 7 ngày. Vì nghỉ dài, doanh nghiệp phải tăng ca cho kịp tiến độ đơn hàng, phải bồi dưỡng thêm, tiền lương, tiền công cho lao động cũng cao hơn.
Còn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nghiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng nên dừng ở 7 ngày nghỉ. Tuy nhiên, các phương án cần tính toán kỹ vì toàn bộ số ngày nghỉ lễ khoảng 20 ngày liệu có cao hơn quốc tế hay không. Người lao động nghỉ dài thì có thời gian đi thăm thân cũng tốt. Nhưng nghỉ dài quá thì lấy tiền đâu ra để kích cầu tiêu dùng?
Phương án nghỉ 7 hay 10 dịp Tết âm lịch Đinh Dậu 2017 đang nhận được ý kiến khác nhau từ các ngành nghề. Trong khi khối sản xuất thiên về phương án nghỉ 7 ngày thì khối dịch vụ du lịch thiên về phương án 10 ngày nghỉ. Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ quyết định các ngày nghỉ lễ trong năm 2017 trong tháng 11.