Đó là chia sẻ gây nhiều tranh cãi của chị VanLinh, một thành viên trên diễn đàn dành cho sinh viên Việt tại Pháp. Những dòng tâm sự này gây sốt bởi nó đã chạm vào chuyện “đi hay ở”, một vấn đề đau đáu hàng bao năm nay của những người con xa quê.
Chị VanLinh (SN 1983, TP HCM) sang Pháp học từ năm 2003 rồi ở lại đi làm và lập gia đình. 13 năm học tập, làm việc ở đây chị và chồng (người Pháp) đã có nhà cửa, công việc, các mối quan hệ khá ổn định.
Chị nói: “Trước đây, tôi nghĩ về châu Âu nói chung nước Pháp nói riêng đầy màu hồng nhưng đúng là “ở trong chăn mới biết chăn có rận. Nước Pháp hay Việt Nam cũng có những vấn đề riêng”.
Dù ở kinh đô ánh sáng của thế giới nhưng trong lòng người phụ nữ này vẫn day dứt nỗi nhớ quê. Chị chia sẻ: “Chuyện về Việt Nam thật sự không dễ dàng gì nhưng mỗi lúc nghe tin ba mẹ ở nhà ốm đau rồi nghĩ đến khi các cụ nhắm mắt xuôi tay không biết tôi có được gặp mặt lần cuối không lòng tôi lại quặn thắt. Tôi muốn về, vì dù sao xã hội Việt Nam bây giờ nhìn tuy hơi bề bộn (hoặc rất bề bộn) nhưng ở đâu chẳng có những điều hay và những điều chưa hay?”.
Chị cũng muốn về sớm bởi 1 năm nữa con chị vào lớp 1 chị muốn có lựa chọn chính xác để sau này không ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của cháu. Bên cạnh đó, chồng chị là người Pháp, khá hiền lành và ủng hộ các quyết định của vợ.
Chị nói: “Lúc đầu tôi cũng lo không biết anh có thích nghi được môi trường ở Việt Nam không nhưng sau đó tôi nghĩ chẳng lẽ khả năng thích nghi của người lớn thua trẻ con? Vì có những bé tôi biết khi sang Pháp mới 3 tuổi không biết gì tiếng Pháp nhưng sau một thời gian “bơi” ở trường thì cũng đâu vào đó”.
Người phụ nữ này chia sẻ thêm: “Tôi rất coi trọng tình cảm giữa ông bà và cháu nên năm nào cả nhà tôi cũng về Việt Nam ít nhất 1 lần, có năm 2, 3 lần dù mỗi lần về chỉ 2 - 4 tuần vì tôi nghĩ tình cảm của trẻ con lúc nhỏ là rất quan trọng, sẽ là dấu ấn, là kỉ niệm theo suốt cuộc đời. Tôi cũng muốn con tôi yêu Việt Nam, dù Việt Nam ko có tháp Eiffel hay bảo tàng Louvre…”.
Tuy nhiên, quyết định của chị gặp phải sự phản đối quyết liệt của người thân, bạn bè. Ai cũng bảo chị sẽ hối hận nếu quyết định quay về. Đặc biệt bạn bè còn khuyên chị nên nghĩ cho con cái vì chỉ ở nước ngoài các cháu mới được hưởng nền giáo dục tiên tiến, văn minh, có cơ hội phát triển.
Những lời khuyên này khiến chị rất áp lực. Chị viết: “Ở Việt Nam, tôi có bố mẹ, bạn bè, được ăn món ăn tôi thích, được sống với văn hoá của tôi còn ở Pháp tôi được sống đàng hoàng, văn minh con cái có nền giáo dục tiên tiến, khỏe mạnh. Nhưng mọi người xung quanh phản đối việc tôi về nước quá nên thấy hình như tôi đang đi ngược với số đông…”.