Mới đây, hình ảnh một tờ lịch Giao thừa Nhâm Dần 2022, trong đó có câu viết được chú thích rõ là tục ngữ: "Giao thừa vợ nấu cháo lươn/Chồng ăn chồng..., vợ trườn ra sân" được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đa phần ý kiến đều không chấp nhận được và tỏ ra bức xúc trước câu tục ngữ phồn thực với nhiều từ ngữ nhạy cảm như vậy.
Bên cạnh đó, một số ý kiến lại bày tỏ sự hoài nghi, cho rằng hình ảnh tờ lịch này có lẽ là một sản phẩm photoshop để câu view, câu like trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều tài khoản còn tìm kiếm, tra cứu nguồn gốc câu tục ngữ trên để xác minh câu tục ngữ có thật không hay chỉ là sản phẩm "xuyên tạc", làm méo mó ý nghĩa câu ca dao tục ngữ Việt Nam.
Liên quan đến hình ảnh tờ lịch nói trên, chia sẻ trên Zing, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng trước hết, hai câu trên không phải là tục ngữ. Tục ngữ là thể loại văn học dân gian, câu nói ngắn gọn nhằm tổng kết kinh nghiệm, bài học, chiêm nghiệm của dân gian.
Chia sẻ thêm, ông cho rằng khi trích dẫn, người trích phải biết xuất xứ, câu ca dao, tục ngữ được lấy từ nguồn, sách nào, ai sưu tầm mới khẳng định là ca dao chính danh dân gian truyền lại. Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, ca dao nước ta cũng có những câu mang tính phồn thực nhưng vẫn có tính chọn lọc, phản ánh kinh nghiệm, có ý nghĩa, dân gian chấp nhận, mang yếu tố thẩm mỹ, không bậy như câu trên.
Ông nghi ngờ câu thơ được tự tạo chứ không phải của dân gian vì giọng điệu, hơn nữa, nội dung rất tục, bậy bạ, không mang giá trị của tư duy dân gian.
Đồng quan điểm, chia sẻ với Thanh Niên, TS Hà Thanh Vân, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng câu lục bát đang "gây bão" mạng xã hội không phải là tục ngữ, mà là ca dao vì làm theo thể 6 - 8, có vần. Tục ngữ thường là câu ngắn, có vần nhưng không ra thể thơ. Do đó, yếu tố đầu tiên, trên tờ lịch ghi đây là câu tục ngữ là không chính xác.
Theo TS Hà Thanh Vân, nguyên văn câu ca dao này là: "Thương chồng thì nấu cháo lươn/Chồng ăn chồng... cho trườn ra sân". Từ câu ca dao gốc, có một số dị bản khác đổi "cháo lươn" thành "cháo gà" như: "Thương chồng thì nấu cháo gà/Chồng ăn chồng... gấp ba ngày thường" hoặc "Thương chồng thì nấu cháo gà/Chồng ăn chồng... cửa nhà rung rinh".
Ý nghĩa của câu ca dao này là diễn tả tình cảm vợ chồng bình thường, chăm sóc người chồng không phải chỉ về tinh thần còn về ý nghĩa đời sống quan hệ vợ chồng.
Sau cùng, TS Hà Thanh Vân nói thêm, chưa biết câu ca dao trên tờ lịch có thật hay chỉ là sản phẩm của photoshop, nhưng nếu có thật, câu ca dao được in vào ngày cuối cùng của năm, ngay thời điểm năm hết Tết đến như vậy là không phù hợp.