Những vụ đánh ghen gây xôn xao dư luận, những mối tình đồng giới kết thúc bi đát không còn hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Thế nhưng vụ việc một nữ sinh tuổi đôi mươi chọn axit cảnh cáo “kẻ đã cướp bạn gái mình” làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ về cách sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ.
Không cho yêu thì tạt axit dằn mặt
Sẽ thế nào nếu cứ từ chối tình yêu của ai đó, thì ngay lập tức nhận được 8 lít axit cho bõ ghét. Pháp luật ở đâu khi chỉ cần bước ra chợ là mua được một số lượng lớn hóa chất chết người. Tuy nhiên axit không có lỗi, lỗi do tư duy manh động. Dù là ghen tuông hay trả thù, đều rất tàn nhẫn.
Chắc chắn có không ít người lại thừa cơ lên án những mối tình đồng giới. Thật bất công cho họ, lỗi chẳng phải nằm ở định mệnh, ai từng chẳng một lần yêu nồng nhiệt. Những 8x, 9x sinh ra trong thời bình chưa từng chịu đau khổ bởi sự mất mát, thậm chí ngoài bản thân cũng chẳng hề quan tâm đến ai nên cảm tính và coi rẻ tính mạng người khác là chuyện bình thường.
Không ít bạn trẻ hiện nay dù học rộng hiểu nhiều vẫn mang suy nghĩ thực dụng, ích kỷ của một đứa trẻ chưa từng biết khó khăn, chúng chỉ làm những gì mình thấy thỏa mãn chứ không mảy may nghĩ về hậu quả. Đáng buồn thay chúng chưa từng được cảm hóa… bởi sự vô tâm của xã hội.
Ảnh hưởng nghiêm trọng của tâm lý tiêu cực với người trẻ
Khi Quyên vừa gặp mâu thuẫn tình cảm với bạn gái vừa bị đuổi khỏi nhà trọ, những suy nghĩ tiêu cực nảy nảy sinh che mờ lý trí khiến cô gái trẻ hết lần này đến lần khác bắt đầu xây dựng tư tưởng trả thù. Theo lời kể của nạn nhân, đây không phải là lần đầu tiên Quyên có hành động quyết liệt như vậy. Sự bốc đồng, tính hung hăng của nhiều người trẻ hiện nay đang là mối bận tâm lớn của xã hội, khi việc hủy hoại tương lai của ai đó đơn giản như một trò chơi với kẻ chủ mưu tàn độc, kẻ được thuê chỉ vì 1 triệu đồng mà có thể làm tất cả,… đáng sợ hơn hết họ vẫn lạnh lùng khi bị bắt và cho lời khai. Chẳng phải chỉ có tội phạm chuyên nghiệp mới như thế.
Thật ra cả kẻ gây án lẫn người bị hại đều có lỗi trong bi kịch này, đặt giả thiết Hương bỏ qua không tiếp tục đấu đá tranh cãi với Quyên, để những hận thù trong cô ngày một sâu sắc thì chắc chắn sẽ không dẫn đến kết cục thê thảm.
Khi có tranh chấp, dù lớn hay nhỏ, lựa chọn đầu tiên vẫn là “dĩ hòa vi quý”, càng làm lớn chuyện thì những tổn thương gây ra cho nhau sẽ càng sâu đậm. Ông bà ta có câu “giận quá mất khôn” là thế. Trong mọi chuyện, hãy nhìn lại mình trước khi đổ tội cho ai đó. Nếu Quyên bình yên với tình yêu, mâu thuẫn đã không xảy ra, thế mà cô cho rằng mình là kẻ đáng thương khi đổ hết tội lỗi cho bạn cùng phòng. Hương cũng không hoàn toàn đúng, vì cứ mãi đôi co với kẻ cứng đầu. Chuyện nhỏ hóa to, bi kịch bắt đầu từ những hiềm khích mà cả hai bên đều không ngừng “châm dầu vào lửa”.
Chúng ta chẳng phải thiên thần để có thể bỏ qua hết mọi cảm xúc tiêu cực trong đời, thế nhưng sẽ ra sao nếu tất cả mọi người đều cho mình quyền được hành động theo ý thích. Con người khác loài vật ở chỗ biết suy nghĩ, cái chúng ta có là cả cuộc đời tươi đẹp phía trước, có đáng không khi vì mất một người mà cam tâm đánh đổi tương lai. Bài học kiểm soát bản thân là một trong những điều tuổi trưởng thành phải nắm vững vì một lẽ đơn giản: “Cả thế giới không có trách nhiệm phải làm mình hài lòng, tự thỏa hiệp với bản thân là cách tích cực nhất bạn có thể chọn.
Suy cho cùng dù là tình đồng giới hay dị giới chắc chắn sẽ có những cảm xúc mãnh liệt nếu yêu chân thật, nhưng vì yêu vì giận mà đặt cược cuộc đời, cái giá ấy liệu có quá đắt? Và có lẽ, đây chắc chắn không thể là tình yêu!