Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tin sáng 3-4: Tỉ lệ hồi phục khi mắc Omicron đến 96%, TP.HCM cứu 1 bé gái nằm viện 108 ngày

Tỉ lệ hồi phục thông thường ở bệnh nhân COVID-19 trước đây là 80%, nhưng ở nhóm mắc chủng Omicron/đã tiêm đủ vắc xin, tỉ lệ này lên đến 96%.

Tin sáng 3-4: Tỉ lệ hồi phục khi mắc Omicron đến 96%, TP.HCM cứu 1 bé gái nằm viện 108 ngày Ảnh 1
Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Theo báo cáo từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, tỉ lệ hồi phục ở ca COVID-19 chủng Omicron/đã tiêm đủ vắc xin như vậy là cao hơn các chủng trước đây 20%, lên tới 96%. Tỉ lệ gặp di chứng hậu COVID-19 hoặc trầm trọng hơn là tử vong thấp hơn hẳn trước đây.

Các di chứng hậu COVID-19 hay gặp là xơ phổi, mệt mỏi, tức ngực, hụt hơi, ho, mất ngủ, rụng tóc, chóng mặt, đau đầu, trầm cảm và lo âu, ù tai, đau họng, loạn cảm họng, mất mùi, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn...

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo cần phân biệt giữa giai đoạn diễn tiến của bệnh (kéo dài đến tuần thứ 12 kể từ khi mắc bệnh) và hậu COVID-19 tồn tại sau 12 tuần tính từ khi mắc bệnh.

Tin sáng 3-4: Tỉ lệ hồi phục khi mắc Omicron đến 96%, TP.HCM cứu 1 bé gái nằm viện 108 ngày Ảnh 2

Cứu sống bé gái 14 tuổi mắc COVID-19 nguy kịch sau hơn 3 tháng điều trị

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện này vừa cứu sống một bé gái 14 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và đã được cứu sống sau hơn 3 tháng điều trị.

Tháng 12-2021 bé Q. nhập viện trong bệnh cảnh COVID-19 nguy kịch - hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, gồm các triệu chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp rất nặng phải thở máy thông số cao.

Bệnh cảnh diễn tiến xấu nhanh, tổn thương đa cơ quan rất nặng. Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, lọc máu liên tục, điều trị kháng sinh phổ rộng, kháng đông, kháng viêm theo phác đồ COVID-19 nguy kịch.

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng phổi của Q. tiếp tục diễn tiến xấu, tổn thương nặng lan tỏa 2 bên, thở máy thông số cao, có chỉ định sử dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).

Trải qua 80 ngày chạy ECMO, có những lúc tưởng Q. không thể qua khỏi, nhưng bằng sự cố gắng, chăm sóc tận tình của các bác sĩ, nhân viên y tế, đặc biệt là êkip chạy ECMO, Q. dần hồi phục, ngưng được ECMO và cai máy thở một cách thần kỳ.

Sau thời gian dài chống chọi bệnh nặng, Q. có nhiều tổn thương về thể chất cũng như tâm lý, các bác sĩ khoa hô hấp đã phối hợp cùng khoa dinh dưỡng, vật lý trị liệu, tâm lý xây dựng các liệu pháp phục hồi chức năng tối ưu nhất cho Q..

Bệnh nhi được tập vật lý trị liệu hô hấp mỗi ngày để cải thiện chức năng phổi và chống dày dính màng phổi. Các chuyên gia dinh dưỡng theo dõi, tối ưu hóa chế độ ăn, bổ sung thêm năng lượng, các vitamin và khoáng chất cần thiết để giúp Q. dễ hấp thu, phục hồi nhanh.

Trong sự chăm sóc và yêu thương của gia đình cùng sự hỗ trợ tâm lý tích cực của các y bác sĩ, Q. đã bắt đầu tiếp xúc vui vẻ hơn với mọi người xung quanh.

Chức năng phổi của Q. tiến triển tốt dần theo thời gian, Q. giảm khó thở, được chuyển sang thở oxy, có thể ăn uống tốt hơn và bắt đầu tự đi lại được.

Sau tổng cộng 108 ngày chiến đấu với bệnh tật, Q. đã được xuất viện về nhà đoàn tụ trong niềm hạnh phúc của gia đình và tập thể y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tin sáng 3-4: Tỉ lệ hồi phục khi mắc Omicron đến 96%, TP.HCM cứu 1 bé gái nằm viện 108 ngày Ảnh 3
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân nằm trong vùng đỏ ở phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

TP.HCM: Số ca COVID-19 nặng giảm

Tuần trước TP.HCM cho biết số ca COVID-19 nặng, phải thở máy có tăng nhẹ. Tuần này, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết TP.HCM đã nằm trong danh sách 10 địa phương có số ca nặng cao nhất.

Tuy nhiên, Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết TP.HCM đang đứng thứ 4 về số ca bệnh đang điều trị, cùng với Hà Nội 184.635; Hải Dương 96.616; Nghệ An 51.371; TP.HCM 37.263; Bắc Giang 35.058...

So sánh tuần này với tuần trước, số mắc mới đã giảm thêm 33,4%, số tử vong giảm 27,8%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 30%, số ca nặng, nguy kịch giảm 24,7%...

Tin sáng 3-4: Tỉ lệ hồi phục khi mắc Omicron đến 96%, TP.HCM cứu 1 bé gái nằm viện 108 ngày Ảnh 4
Người dân được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đã có 1.000 người được cấp hộ chiếu vắc xin

Tính đến cuối tháng 3-2022 đã có 1.000 người tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, có nhu cầu hộ chiếu vắc xin để đi công tác, du lịch... đã được cấp hộ chiếu. Đây là những người đầu tiên ở Việt Nam được cấp hộ chiếu vắc xin.

Theo Bộ Y tế, qua thí điểm ban đầu cho thấy trình tự cấp theo quy định của bộ ban hành tháng 12-2021 đảm bảo thông suốt để cấp chứng nhận tiêm chủng theo định dạng chuẩn quốc tế cho người có nhu cầu.

Dự kiến đầu tuần tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị triển khai cấp hộ chiếu vắc xin cho 63/63 tỉnh thành và sẽ bắt đầu chính thức cấp hộ chiếu vắc xin rộng rãi ngay sau đó.

Ông Nguyễn Bá Hùng - phó giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cho biết, hộ chiếu vắc xin bản chất là chứng nhận tiêm vắc xin điện tử.

Trên chứng nhận này có đầy đủ thông tin của người tiêm chủng gồm:

- Họ và tên;

- Ngày tháng năm sinh;

- Quốc tịch;

- Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới;

- Số mũi tiêm đã nhận;

- Ngày tiêm;

- Liều số;

- Vắc xin;

- Sản phẩm vắc xin;

- Nhà cung cấp hoặc sản xuất vắc xin;

- Mã số của chứng nhận.

"Bản chất của hộ chiếu vắc xin điện tử là mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-COVID hiện nay, chỉ khác là chúng ta sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu để có thể xác minh thông tin lẫn nhau khi ra nước ngoài", phó giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin cho biết thêm.

Tin sáng 3-4: Tỉ lệ hồi phục khi mắc Omicron đến 96%, TP.HCM cứu 1 bé gái nằm viện 108 ngày Ảnh 5
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội tối 2-4 thông báo vừa ghi nhận thêm 7.423 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua, giảm hơn 300 ca so với ngày 1-4. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (1.877); Hà Đông (1.284); Ba Đình (652); Sóc Sơn (518); Đông Anh (282); Hoàng Mai (234). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 1.490.477 ca.

Cập nhật đến ngày 1-4, Hà Nội có gần 188.000 ca COVID-19 theo dõi, điều trị tại nhà (giảm 6.000 ca so với ngày trước đó); 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.158 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,63% tổng ca đang theo dõi, điều trị). Sau 4 ngày liên tiếp không ghi nhận ca tử vong do COVID-19, hôm qua Hà Nội báo cáo có 4 ca tử vong. Tổng số người tử vong do COVID-19 là 1.324 người.

- Lâm Đồng vừa có báo cáo về 5 ca tử vong mắc COVID-19 trong tuần từ ngày 21 đến ngày 27-3, các ca này đều chưa tiêm vắc xin COVID-19, tuổi cao và có bệnh nền. Thống kê đến ngày 1-4, tổng số bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện tại Lâm Đồng là 81.019 người. Hiện ra viện 64.360 người, 130 bệnh nhân tử vong, 16 bệnh nhân về địa phương khác.

Địa phương đang cách ly 17.548 người. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế là 617 người. Cách ly tại nhà là 16.931 người. Không có ai cách ly tập trung. Ngành y tế địa phương vẫn liên tục khuyến cáo người dân hãy thực hiện thông điệp 5K, tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuổi Trẻ

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
Gian nan nuôi dạy cầu thủ của bầu Đức
Tại sao iPhone 17 Air không nên đắt hơn iPhone 17 Pro?