Trước tình hình số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã giảm dưới 1.000 ca/ngày, số ca bệnh nặng và tử vong cũng giảm liên giảm thấp, Sở Y tế TP.HCM đã trình UBND TP việc sắp xếp lại hoạt động của các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.
Theo Sở Y tế, việc tạm ngưng hoạt động bệnh viện dã chiến sẽ tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình diễn biến phức tạp.
Cụ thể, sẽ tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và TP Thủ Đức; tiếp tục duy trì các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (khu chế xuất Linh Trung và khu công nghệ cao TP.HCM).
Các bệnh viện đang chuyển đổi công năng hoặc tách đôi điều trị của TP sẽ sắp xếp lại gồm: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, An Bình, huyện Củ Chi, Nhi đồng TP, điều trị COVID-19 Lê Minh Xuân để phục hồi lại công năng và thành lập khoa/đơn vị COVID-19.
Song đó, ngưng hoạt động Trung tâm Hồi sức COVID-19 để chuẩn bị đưa Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh mắc các bệnh lý ung bướu. Đồng thời tạm ngưng hoạt động một số bệnh viện dã chiến COVID-19 số 6, 8 và 12.
Đối với các bệnh viện dã chiến số 13, 13 và 16 sẽ tiếp tục hoạt động. Riêng Bệnh viện dã chiến số 14 và 16 có trung tâm hồi sức với quy mô 600 giường hồi sức. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Chợ Rẫy cũng duy trì 200 giường hồi sức/bệnh viện. Như vậy TP luôn sẵn sàng 1.000 giường hồi sức.
Sở này cho biết thêm, khi cần thiết (số ca mắc mới tăng trở lại hoặc nhu cầu điều trị gia tăng), trong vòng 24h sẽ kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện điều trị COVID-19 tạm ngưng hoạt động.
Cả nước có 2.649 ca bệnh nặng
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận trên 2,5 triệu ca mắc COVID-19, trong số này có xấp xỉ 2,22 triệu ca đã khỏi. Số còn lại đang theo dõi, diều trị tại nhà, tại khu cách ly và tại các bệnh viện.
Trong số đang điều trị tại bệnh viện có 2.649 ca nặng, phải hỗ trợ thở oxy, đang thở máy, điều trị bằng ECMO...
Đáng chú ý mặc dù số ca mắc tăng cao trong thời gian từ sau tết đến nay (so sánh tuần này với tuần trước số mắc tăng gấp hơn gấp đôi), nhưng số tử vong giảm 10,1%, số ca nặng, nguy kịch giảm 9,5%.
Tại TP.HCM, địa phương liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc mới, số tử vong trong thời gian trước đây hiện chỉ ghi nhận trên dưới 200 ca mới/ngày, số tử vong giảm thấp.
Tại Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, giám đốc Sở Y tế, cho biết mặc dù số ca mới ghi nhận tại Hà Nội còn cao nhưng số có tình trạng nặng chỉ chiếm 5%/tổng số ca ghi nhận.
Hà Nội rà soát, tăng cường tiêm vắc xin cho các đối tượng nguy cơ mắc COVID-19
Ngày 13-2, Hà Nội ban hành văn bản về việc rà soát, tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ mắc COVID-19.
Theo đó, để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng đặc biệt ở nhóm người trên 50 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong, Hà Nội yêu cầu tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn; tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hiện tỷ lệ bao phủ vắc xin đủ 2 mũi của thành phố với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3) đạt gần 55%. Người bệnh COVID-19 phần lớn là các trường hợp nhẹ và không triệu chứng, các trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư giai đoạn cuối, bệnh lý tim mạch, người già…) thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vắc xin COVID-19.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 13-2 cho biết trong 24 giờ qua thêm 2.940 ca bệnh mới, trong đó có 744 ca cộng đồng; 2.196 ca đã cách ly. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (205); Đông Anh (190); Chương Mỹ (172); Nam Từ Liêm (164); Bắc Từ Liêm (153).
Đến nay Hà Nội phát hiện 171.738 ca COVID-19. Tới hết ngày 12-2, tại Hà Nội đang có hơn 84.000 F0 (tăng 18.000 F0 so với ngày 10/2) đang điều trị. Nhiều ngày gần đây, mỗi ngày Thủ đô ghi nhận xấp xỉ 3.000 ca/ngày.
- Ngày 13-2, ngoài ghi nhận 1.908 ca mắc mới, Hải Dương còn có thêm 4 bệnh nhân tử vong ở TP. Hải Dương, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách và huyện Gia Lộc.
Tính đến ngày 12-2, trên địa bàn có 2.861 giáo viên và học sinh mắc COVID-19 ở tất cả các cấp học. Trong đó cấp Tiểu học có số ca mắc nhiều nhất với 1.432 trường hợp, THCS có 678 ca, cấp học Mầm non 388 bệnh nhân, THPT 316 ca và GDNN-GDTX 56 bệnh nhân.
Đến nay, Hải Dương đã ghi nhận 23.131 ca COVID-19, hiện đang điều trị 10.571 bệnh nhân và 38 ca tử vong.
- Quảng Trị, từ dịp Tết Nguyên đán cho tới nay ghi nhận hơn 2000 ca COVID-19. Chỉ riêng trong thời gian từ 8h ngày 11-2 đến 8h ngày 12-2 ghi nhận 466 ca, đây là số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước tới nay ở Quảng Trị.