Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tin Covid-19 sáng 30/9: Tổng cộng gần 780.000 ca nhiễm; Giá xét nghiệm cao do nhiều yếu tố?

Theo Bộ Y tế, giá xét nghiệm Covid-19 phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm...

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 779.398 ca nhiễm, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.919 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 774.854 ca, trong đó có 578.330 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.

+ Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (384.287), Bình Dương (208.953), Đồng Nai (47.969), Long An (32.343), Tiền Giang (13.951).

Tin Covid-19 sáng 30/9: Tổng cộng gần 780.000 ca nhiễm; Giá xét nghiệm cao do nhiều yếu tố? Ảnh 1
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 779.398 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 44/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: Báo Lao động)

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 23.568

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 583.509

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.988 ca

- Trong ngày ghi nhận 162 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (113), Bình Dương (33), Đồng Nai (3), An Giang (3), Kiên Giang (2), Long An (2), Đồng Tháp (2), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Tiền Giang (1).

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 188 ca.

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.098 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 136.653 xét nghiệm cho 311.841 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.288.792 mẫu cho 52.347.113 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

- Trong ngày 28/9 có 1.097.044 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 41.153.041 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 32.171.641 liều, tiêm mũi 2 là 8.981.400 liều.

Hà Nam ghi nhận thêm 36 trường hợp dương tính, chủ yếu là công nhân

Tối 29/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam (CDC Hà Nam) công bố thêm 11 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh. Trong đó, có 8 ca bệnh được phát hiện trong khu cách ly, và 3 ca bệnh ở cơ sở y tế.

Vào trưa cùng ngày, CDC Hà Nam ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 11 ca là công nhân Công ty Espoir và 3 ca tại Công ty Dream Plastic.

Như vậy, trong ngày 29/9, Hà Nam đã ghi nhận thêm 36 trường hợp dương tính với SARS- CoV-2 nâng tổng số lên 261 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.

Nhằm chặn đứng chuỗi lây nhiễm từ cộng đồng vào nhà máy và ngược lại, nhiều biện pháp phòng chống dịch đang được triển khai tại khu công nghiệp. Hiện tỉnh Hà Nam đã quyết định áp dụng phương án "3 tại chỗ" đối với tất cả các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Châu Sơn đồng thời tạm dừng hoạt động đối với 1 nhà máy có nhiều ca mắc Covid-19.

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết: nguy cơ lây nhiễm tại khu công nghiệp Châu Sơn rất cao. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đã chuyển sang trạng thái ứng phó với cấp độ cao nhất trong kế hoạch phòng, chống dịch.

Hiện 7 khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam có gần 400 doanh nghiệp hoạt động với 80.000 người lao động. Đến nay gần 70.000 công nhân đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó hơn 20.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Tỉnh Hà Nam đã kích hoạt 20 khu cách ly tập trung do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý và duy trì hoạt động.

Để nhanh chóng xử lý, kiểm soát các ổ dịch, không để lây lan diện rộng, tỉnh Hà Nam tập trung thực hiện xét nghiệm diện rộng theo địa bàn.

Người dân từ các địa phương khác có thể vào thành phố Đà Nẵng

Tối 29/9, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn hướng dẫn người dân từ các địa phương khác có nhu cầu vào thành phố.

Theo đó, để được phép vào thành phố Đà Nẵng, người dân phải đến hoặc về từ các khu vực không có ca mắc trong cộng đồng trong vòng 14 ngày; không phải là khu vực cách ly, phong tỏa; xã, phường không đang áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg; không phải là khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 (truy cập địa chỉ https://bit.ly/vungdich để tham khảo).

Bên cạnh đó, người dân phải có kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu đến khi vào thành phố Đà Nẵng, đăng ký trực tuyến để được cấp mã QR vào thành phố thay thế cho khai báo y tế. Tổ chức có nhiều người đi vào Đà Nẵng, thì mỗi thành viên phải đăng ký để có mã QR.

Người dân trở về thành phố thực hiện đầy đủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế; không dừng đỗ tại địa phương có dịch.

Các trường hợp vào thành phố Đà Nẵng để cấp cứu do Sở Y tế hướng dẫn. Người trên phương tiện “luồng xanh” vận tải toàn quốc khi vào thành phố Đà Nẵng sẽ phải thực hiện quy định tại Công văn số 5688/UBND-ĐTĐT ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Kiên Giang nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 30/9

Từ 0h ngày 30/9, tỉnh Kiên Giang áp dụng nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị số 19, bên cạnh đó tiếp tục duy trì áp dụng Chỉ thị số 15 và 16 tại một số địa bàn ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn).

Theo đó, tỉnh Kiên Giang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 hầu hết ở các huyện, thành phố. Người dân chỉ được đi lại trong phạm vi huyện, thành phố.

Địa phương cũng dỡ bỏ tất cả các chốt trong phạm vi huyện, thành phố, trừ vùng đỏ đang áp dụng theo Chỉ thị 16. Riêng các chốt kiểm soát liên tỉnh, liên huyện, thành phố vẫn tiếp tục duy trì.

Có 11 khu phố, thị trấn và phường còn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, gồm: Phường An Thới (TP Phú Quốc), phường Mỹ Đức (TP Hà Tiên), khu phố Minh An (thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành), khu phố Võ Thị Sáu, khu phố Nguyễn Trãi, khu phố Nam Cao (TP Rạch Giá); các ấp: Hòn Chông, Bãi Giếng, Ba Trại, Hòn Trẹm và thị trấn Kiên Lương (huyện Kiên Lương).

3 xã, thị trấn thuộc huyện Hòn Đất là xã Bình Giang, thị trấn Hòn Đất và thị trấn Sóc Sơn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15.

Tỉnh Kiên Giang thống nhất cho học sinh các cấp sẽ đến trường học từ ngày 18/10. Trong thời gian này, học sinh các cấp tiếp tục học trực tuyến, qua truyền hình.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 27/9, tỉnh có tổng số 5.594 ca mắc Covid-19. Trong vòng 7 ngày (từ 21-27/9) phát sinh 782 ca mắc mới, trong đó có 65 ca phát sinh trong cộng đồng.

Giá các loại xét nghiệm phụ thuộc nhiều yếu tố

Trước dư luận xã hội về giá xét nghiệm Covid-19 đang ở mức cao và đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch về giá của các loại xét nghiệm, ngày 29/9, Bộ Y tế cho biết: Không thể đánh đồng tất cả các loại xét nghiệm với nhau, cũng như không thể so sánh giá xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test kit xét nghiệm trong nước và quốc tế.

Theo Bộ Y tế, giá xét nghiệm phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành như: Giá của các test kit, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm...

Có thể thấy, giá các loại test kit khác nhau phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh cũng như sự khan hiếm của thị trường, giá tại thời điểm mua.

Ví dụ như các loại test kit đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, châu Âu, Hoa Kỳ hoặc có xuất xứ từ châu Âu hay từ Hoa Kỳ thường có giá cao hơn mặt bằng chung giá của các nước khác, việc mua test kit vào thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, căng thẳng ở nhiều nước, thị trường khan hiếm thì giá test kit thường cao, số lượng mua càng lớn thì giá càng giảm...

Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test kit để xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test kit Real-time PCR, 39 test kit xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 06 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test kit xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).

Triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 giai đoạn 2 và 3a

Ngày 29/9, đoàn công tác của Bộ Y tế cùng các chuyên gia đang thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT- 154 phòng Covid-19 đã làm việc với huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh - địa phương đang thực hiện thử nghiệm lâm sàng vaccine này.

Thông tin của nhóm nghiên cứu trường Đại học Y Hà Nội cho biết, giai đoạn 2 và 3a, vaccine này được thử nghiệm lâm sàng tại Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Long với khoảng 1.000 tình nguyện viên.

PGS. TS. Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Dược lý Lâm sàng, nghiên cứu viên của nhóm nghiên cứu trường Đại học Y Hà Nội cho biết, Báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 về tính an toàn của vaccine ARCT-154 đã được Hội đồng Đạo đức Y sinh học Bộ Y tế nghiệm thu ngày 20/9/2021. Các kết quả bước đầu cho thấy vaccine ARCT-154 an toàn trên người tình nguyện khoẻ mạnh.

TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đánh giá, đây là nghiên cứu có tính khoa học và đảm bảo các điều kiện để triển khai giai đoạn tiếp theo.

Cũng theo TS Nguyễn Ngô Quang, vaccine ARCT- 154 theo công nghệ mRNA được phát triển trên cơ sở vaccine ARCT- 021 (đã có các kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, 2 và 3 ở Mỹ và Singapore). Chính vì thế Hội đồng đạo đức đã cho phép để đảm bảo tiến độ và thời gian nhằm phục vụ cho công cuộc phòng, chống dịch ở Việt Nam, nghiên cứu này được triển khai gối đầu giai đoạn 2 và 3a.

Dự kiến giai đoạn 3a sẽ kết thúc vào ngày 24/11/2021, nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá và báo cáo kết quả thử nghiệm vào ngày 30/12/2021. Nếu kết quả tốt, nhóm nghiên cứu sẽ xin cấp phép khẩn cấp đối với vaccine ARCT-154.

Đến thời điểm này, đây là một trong 3 vaccine do Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3a.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Chu Văn/TGVN

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố