Petchinda Chantamart (35 tuổi) sống ở một ngôi làng gần đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nghe thấy tiếng gì đó giống như một quả bom vừa phát nổ trong bán kính vài km. Rồi có âm thanh gì đó lạ, như một cơn gió lớn. Linh tính của Chantamart mách bảo một trong những con đập đang xây gần làng đã bị sụp đổ.
Ngay lập tức, Chantamart đi đánh động hàng xóm. “Nước đang đến”, Chantamart kể lại với phóng viên New York Times. Trong vòng nửa tiếng, ngôi làng Xay Done Khong nơi cô sinh sống đã ngập sâu tới 9m. Cô và hàng trăm dân làng Xay Done Khong đã chạy thoát nhưng 15 người vẫn mất tích, trong đó có 9 đứa trẻ.
Lào chìm biển nước sau sự cố vỡ đập thủy điện. Nguồn: RT.
Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như vậy, khi thảm hỏa vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy xảy ra uớc tính hàng tỷ m3 nước đổ xuống hạ lưu.
Trong đoạn video ABC Laos News đăng tải, một người phụ nữ trông thất kinh đang bước lên chiếc thuyền cùng đứa con của cô, nói rằng mẹ mình vẫn đang mắc kẹt trên một ngọn cây.
“Nước quá nhanh, chúng tôi chỉ có thể rời nhà và chạy trốn”, AP dẫn lời Phon Vuongchonpu, người đã cùng gia đình 12 người của mình chạy trốn vì nước dâng tới mái nhà họ. “Chúng tôi mất tất cả: xe máy, đồ đạc, bò và lợn”.
Tại cuộc họp báo ngày 25/7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết vẫn còn 131 người mất tích và hơn 6.000 người mất nhà cửa. Nhiều người được giải cứu trên mái nhà, trên cây sau khi ngôi làng họ sinh sống bị nước tràn qua. Lực lượng cứu hộ Lào hiện đã tìm thấy 26 thi thể người xấu số. Tất cả đều là người Lào ở tỉnh Attapeu.
Một ngày trước khi thảm họa xảy ra (22/7), công ty Hàn Quốc tham gia dự án, SK Engineering & Construction (SK E&C) đã biết về các vết nứt đầu tiên trên đập phụ D của dự án đập Xepian Xe Nam Noy trên sông Xe Pian, họ bắt đầu sửa chữa đồng thời cảnh báo chính quyền, người dân địa phương. Thế nhưng, việc khắc phục vết nứt gặp khó khăn vì mưa lớn và đường sá nguy hiểm.
Những nỗ lực khắc phục vết nứt và xả nước trên đập chính đã không ngăn được vết nứt khác tiếp tục xuất hiện trên đập phụ này và khiến nó đổ sụp vào 20h ngày 23/7.
Hiện vẫn chưa có thông tin về diện tích vùng ngập lụt, chỉ có hình ảnh từ trực thăng cứu hộ cho thấy những vùng biển nước đục ngầu rộng mênh mông trong khi nhà cửa chỉ còn phần mái chưa bị nhấn chìm.
Hãng thông tấn Lào đưa tin con đập đã bị vỡ hoàn toàn. Công ty xây dựng Hàn Quốc và các đơn vị liên quan hiện đang xác minh thiệt hại.
Một tổ chức phản đối chính sách xây đập thủy điện hàng loạt ở Lào nói, họ đã cảnh báo về cơn mưa lớn khiến nước dâng cao từ đêm ngày 23/7. Đây được coi là bằng chứng cho thấy nhiều con đập ở Lào không được thiết kế để chống chịu lại thời tiết cực đoan.
“Các hiện tượng thời tiết cực đoan và khó lường đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn tại Lào và khu vực vì biến đổi khí hậu. Sự cố này cũng cho thấy sự thiếu vắng hệ thống cảnh báo cho những công trình xây dựng và vận hành đập thủy điện. Cảnh báo thường được đưa ra rất trễ và không có tác dụng trong việc đảm bảo người dân được báo trước để bảo vệ bản thân và gia đình”, theo tuyên bố của tổ chức này.
Theo đó, những người sống gần con đập chỉ nhận được thông báo về việc sơ tán 5 tiếng trước khi xảy ra sự cố đập vỡ. Trong khi đó, bên công ty chịu trách nhiệm khẳng định là đã gửi đi cảnh báo trước một ngày.
Chính phủ Lào đã xuất 1,2 tỷ Kíp hỗ trợ trước mắt cho đồng bào vùng lũ, đồng thời huy động mọi nguồn lực cho công tác này. Chiều 27/5, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã thuê máy bay trực thăng đến Attapeu giải cứu thành công 26 công nhân bị mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn.