Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Thùng hàng 'hạnh phúc' của những người con xa quê mắc kẹt tại Sài Gòn

Thùng hàng của ba má có mùi thơm ngọt của quê hương, gói ghém trong đó biết bao thương nhớ, đã khiến không ít người con xa quê cảm thấy ấm lòng.

"Má gửi có xíu hà"

"Đó là cái câu mà má tôi lúc nào cũng "phân trần" trong điện thoại. Nhưng lúc nào nhận được, tôi cũng thấy thùng hàng của má có "cả trời" thức ăn", chị Hoàng Ngọc Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mở đầu câu chuyện. 

Thùng hàng 'hạnh phúc' của những người con xa quê mắc kẹt tại Sài Gòn. Ảnh 1

Những ngày TP.HCM bước vào giãn cách xã hội, chị cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Công việc ở cửa hàng quần áo của chị tạm ngưng, chủ shop trả cho chị 3 triệu mỗi tháng, để giữ nhân viên, phần nào giúp chị trang trải cuộc sống ở Sài Gòn. Mức lương đó chỉ đủ để chị trả tiền trọ, phần đồ ăn phải nhờ đến ba má ở quê. "Vì lần lựa mãi, mình lại bị kẹt ở Sài Gòn, không còn xe nữa. Mình nhớ nhà lắm chứ, lần nào gọi điện thoại về má mình cũng khóc rấm rứt trong điện thoại". 

Thùng hàng 'hạnh phúc' của những người con xa quê mắc kẹt tại Sài Gòn. Ảnh 2

Những ngày chưa siết chặt giãn cách xã hội, chị lấy xe máy chạy ra bến xe để nhận hàng ba má gửi lên. Có lẽ, đối với chị, đó là thùng hàng mang đến những "hạnh phúc" nhất đời. Không chỉ có thức ăn, nó còn chứa đựng tình thương của người gửi. Mớ xoài còn đầy nhựa do ba hái ngoài vườn, mấy con ếch xào lăn má gói kĩ trong hũ nhựa, từng bịch gia vị nho nhỏ như mắm muối, đường, bột ngọt... cũng được má cột cẩn thận. Mở thùng hàng, chị dàn dụa nước mắt vì thương má quá đỗi. 

Thùng hàng 'hạnh phúc' của những người con xa quê mắc kẹt tại Sài Gòn. Ảnh 3

Cùng cảm xúc đó, chị Thu Thảo (nhân viên Marketing, quận 7, TP.HCM) chia sẻ: "Lần nào mẹ nói gửi đồ cho mình cũng sợ mẹ cực, kêu mẹ gửi ít thôi mà không lần nào mẹ gửi ít hết. Đợt này, Vĩnh Long quê mình cũng có nhiều ca nhiễm nên đi chợ khó khăn. Mẹ nghe TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 là chiều đó liền ra vườn gom trái cây. Nhà còn thịt cá gì là gói cho mình hết. 

Sáng hôm sau, cha với mẹ đi chợ lúc 4 giờ sáng để vắng, không có nhiều người chen chúc, mua thêm cho mình ít thịt cá nữa. Mẹ đi chợ nghe ai cũng gói ghém đồ cho con họ gửi lên Sài Gòn, vì giờ Sài Gòn mua rau củ khó lắm. Để thịt cá còn tươi, từng gói, từng gói đều được mẹ ướp nước đá sẵn. Cha với mẹ đứng ngay đầu chợ chất rau củ, thịt cá vào túi để chở ra nhà xe, thêm chục kí gạo nữa. Bao nhiêu yêu thương đều gói vào thùng hàng".

Gói ghém yêu thương

"Lúc trước, mẹ biết mình đi làm không có thời gian nấu ăn nên mẹ hay nấu sẵn rồi gửi lên. Thịt kho, cá ngừ kho, sườn rim mặn... phân vào từng bịch nhỏ để đông đá. Tới lúc cần, mình chỉ rã đông, hâm lại là ăn. Nhiều khi có mấy món đó ăn đi ăn lại hoài cũng ngán, nhưng nghĩ công của mẹ là mình không dám bỏ. Trái cây cũng vậy nữa, mẹ dặn mang lên cho bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp mỗi người một ít, dưới quê mình bán rẻ, chứ trên Sài Gòn kiếm đồ quê như vậy không ra. Thiệt thì của không bao nhiêu nhưng công đi hái, rồi gói ghém, chở qua nhà xe, gửi lên tới Sài Gòn nhọc vô cùng", Thu Thảo chia sẻ.

Thùng hàng 'hạnh phúc' của những người con xa quê mắc kẹt tại Sài Gòn. Ảnh 4

Những vốc gạo thơm lừng, con cá lóc đồng được làm sạch, bó rau muống tươi xanh, mớ hành còn nguyên gốc rễ, quả mít chín cây.... Mùi đồng quê thơm ngọt cứ lan tỏa, dặt dìu. Nó khiến khóe mắt người ta cay cay, mường tượng được hình ảnh của những người cha, người mẹ với bao thương nhớ ở quê nhà. Ngồi dỡ từng món đồ trong thùng, người ta cũng có thể cảm nhận được sự chắt chiu, tần tảo của người gửi.

Thùng hàng 'hạnh phúc' của những người con xa quê mắc kẹt tại Sài Gòn. Ảnh 5

Chị Thu Thảo chia sẻ thêm: "Nhà mình ở bên cù lao, muốn gởi đồ đi ba mẹ thường phải chở qua phà, tới nhà xe mới gửi lên thành phố được. Hiện giờ, mình không thể nhận đồ dưới quê nữa. Nhưng lâu lâu, mẹ cũng hỏi nhà xe có chạy không để gửi đồ thêm cho mình. Ăn cái này thấy thương ba mẹ hết biết, vì ba mẹ bỏ công nhiều lắm. Ăn không hết, bỏ mứa là có lỗi lắm".

Thùng hàng 'hạnh phúc' của những người con xa quê mắc kẹt tại Sài Gòn. Ảnh 6

Anh Ngô Duy Khương (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) kể: "Ngày 9/7, TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trước đó, bạn mình nhắn tin hỏi: "Mày có cần tao mua gì không? Tao đi chợ mua cho, ở đây còn mua được". Khi đó, mình chỉ bảo là có gì mua được thì cứ mua giùm, gửi lên mình cảm ơn. Hôm sau, cái thùng gà, vịt, thịt heo đã tới Sài Gòn trước 0 giờ ngày 9/7. Về mở thùng ra cảm giác muốn khóc vì không nghĩ có ngày mình phải trữ đồ ăn như vậy, một đứa bạn là con gái nhỏ con mà phải chở cái thùng to vậy để gửi mình", anh nói.

Mỗi lần giở thùng thức ăn được gửi từ Tiền Giang, anh đều rưng rưng xúc động. Có trái bầu thì gửi trái bầu, cái bắp chuối, có lúc là mớ hành, hay rổ tép bạc... nhưng nó gói ghém hết hương vị quê nhà.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tin buồn của Rosé