Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Thực tập hè không lương tại McDonald’s Việt Nam gây tranh cãi vì 'bóc lột' sức lao động trẻ vị thành niên

Liệu có hay không, chương trình này có dấu hiệu kêu gọi sử dụng lao động trẻ em trái luật dưới hình thức học tập hè?

Mới đây, một chương trình thực tập hè không lương tại McDonald’s Việt Nam dành cho những bạn trẻ có độ tuổi từ 14 - 18 do một tổ chức giáo dục tiến hành đã gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng. Liệu chương trình này có đang kêu gọi sử dụng lao động trẻ em trái luật dưới hình thức học tập hè hay không?

Một tài khoản facebook tên D.T.H với số lượng người theo dõi trên trang cá nhân lên đến hơn 11 nghìn theo dõi đã đưa ra những quan điểm so sánh về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay mở đầu bài viết, tài khoản này khẳng định không kết luận chính thức mà chỉ đưa ra những luận điểm so sánh để người đọc tự nhìn nhận. Thế nhưng những luận điểm này đã thu hút hàng nghìn lượt thích, chia sẻ và bình luận thể hiện sự đồng tình.

Theo đó, chương trình thực tập hè không lương tại McDonald’s Việt Nam dành cho các bạn trẻ có độ tuổi từ 14 - 18 do một tổ chức giáo dục có tên Học viện I.P (tên đã được viết tắt) tiến hành. Theo bài chia sẻ trên fanpage chính thức của tổ chức giáo dục này, chương trình thực tập sẽ mang lại: “Cơ hội đào tạo và trải nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, rèn luyện kỹ năng mềm và có một mùa hè đáng nhớ.”

Chương trình thực tập hè không lương được thông báo trên trang fanpage chính thức của Học viện I.P

Công việc của các bạn thực tập sinh khi tham gia chương trình này là: Chiên khoai, gói burger, kiểm tra nguyên liệu, chuẩn bị nguyên liệu và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các công việc lau dọn như rửa chén, lau sàn, đổ rác… Mỗi thực tập sinh làm việc ít nhất 5 giờ mỗi ngày, tối đa là 8 giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên, cũng trong thông báo này, quyền lợi mà các thực tập sinh nhận được chỉ là: Hỗ trợ một phần ăn tại nhà hàng trong ca làm việc, đồng phục, tham gia hoạt động của cửa hàng, giấy chứng nhận tham gia chương trình và cuối cùng là được tham gia các buổi tập huấn theo tiêu chuẩn của McDonald's. Trong các quyền lợi mà Học viện I.P đưa ra không nhắc đến bất kỳ khoản thù lao nào.

Theo như luận điểm mà tài khoản facebook D.T.H đưa ra, so sánh chương trình thực tập hè tại McDonald’s ở Anh Quốc và Việt Nam sẽ thấy rõ sự khác biệt. Chương trình thực tập hè tại McDonald’s Anh Quốc chiêu sinh các bạn trẻ có độ tuổi từ 16-24 (đây là độ tuổi được đi làm hợp pháp ở đất nước này). Thực tập sinh được nhận lương tối thiểu 7,34 bảng/giờ, có bảo hiểm lao động và được cấp các chứng chỉ khác nhau.

Gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề sử dụng lao động trẻ em.

Không những vậy, tài khoản này còn đưa ra các dẫn chứng về luật, chứng minh việc tổ chức giáo dục này chiêu sinh những bạn trẻ từ 14 - 18 tuổi, tức là có lao động trẻ em dưới 15 tuổi tham gia làm việc tại nhà hàng là có biểu hiện trái luật. Bởi theo dẫn chứng của tài khoản này, trẻ em dưới 15 tuổi không được làm việc quá 4 giờ một ngày, 20 giờ một tuần. Khi tham gia làm việc phải có chứng nhận về sức khoẻ, cam kết của người giám hộ hợp pháp, sơ yếu lí lịch có xác nhận của chính quyền. Đồng thời, khi sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi phải: “Thông báo bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cơ sở đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc. Bên cạnh đó, hằng năm phải báo cáo việc sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc cùng với báo cáo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.”

“Công việc nhà hàng là loại lao động nặng, ví dụ như chiên khoai là làm việc với nguồn nguy hiểm cao độ, ở nhà các em phụ gia đình nấu nướng thì không sao, nhưng bếp của nhà hàng fastfood là loại bếp công nghiệp khác hẳn, hệ thống xử lý rác của bếp công nghiệp cũng khác hẳn. Các khâu vệ sinh và nguyên liệu nhà hàng công nghiệp ai cho phép người không có trình độ, chứng chỉ sức khoẻ được tham gia? Sở Y Tế có cho phép? Các em làm việc hoàn toàn không lương, không lương tức không có hợp đồng lao động, không hợp đồng lao động thì không có bảo hiểm hay bất cứ loại hình trách nhiệm dân sự nào. Thời lượng làm việc tối thiếu lẫn tối đa đều vượt quá cho phép. Nếu có sự cố xảy ra liệu bên nào sẽ chịu trách nhiệm, I.P hay McDonald, hay là phụ huynh ký giấy miễn trừ trách nhiệm hết rồi chịu thiệt?”

Sau khi bài viết “bóc phốt” này gây bão trên mạng xã hội, Học viện I.P đã có bài viết thông báo trên trang fanpage chính thức về chương trình này, trong đó có khẳng định các thực tập sinh sẽ nhận được thù lao dựa trên thành tích sau khi kết thúc kỳ thực tập.

Tuy nhiên, liệu đây có phải chiêu trò chống đối sau khi bị “bóc phốt” hay không? Bởi trong bài viết chiêu sinh trước đó, quyền lợi mà các thực tập sinh sẽ được hưởng ghi trong bài viết không hề có danh mục thù lao. Và trong các bình luận giải đáp thắc mắc của khách hàng cũng không có nhắc đến điều khoản này.

Theo luật Lao động tại Việt Nam, quy định về việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi được luật sư Lê Việt Nga (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, ĐT: 04.37622619- 37622620) trả lời báo Hà Nội Mới ngày 10/9/2014 như sau:

Theo Danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc (ban hành kèm theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11-6-2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội), thì danh mục công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc: 1. Diễn viên: múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước). 2. Vận động viên năng khiếu: thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền.

Danh mục công việc được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm việc: 1. Những công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc. 2. Các nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa Kế. 3. Các nghề thủ công mỹ nghệ: Thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he. 4. Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình. 5. Nuôi tằm. 6. Gói kẹo dừa.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11-6-2013 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội thì người sử dụng lao động có trách nhiệm: a) Rà soát lại các công việc đang sử dụng người dưới 15 tuổi; chỉ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm các công việc theo danh mục công việc nhẹ được ban hành kèm theo thông tư này; b) Khi tuyển dụng người dưới 15 tuổi làm việc phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc; tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần; c) Tuân thủ các quy định về sử dụng người dưới 15 tuổi được quy định tại khoản 2 Điều 162; khoản 2, khoản 5 Điều 163; khoản 2 Điều 164 của Bộ Luật lao động; d) Nơi làm việc bảo đảm các yếu tố vệ sinh môi trường lao động đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của pháp luật hiện hành; đ) Khi tuyển dụng lần đầu người dưới 15 tuổi vào làm việc phải thông báo bằng văn bản về Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh) nơi cơ sở đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc theo mẫu quy định tại phụ lục ban hành kèm theo thông tư này; e) Hằng năm, báo cáo việc sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc cùng với báo cáo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động về Sở Lao động, thương binh và xã hội.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đỗ

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất