Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), nhiều nguồn thông tin cho rằng virus corona không sống được trong điều kiện thời tiết trên 25 độ C, do đó vùng có khí hậu nóng ẩm có nguy cơ lây nhiễm thấp,… xuất hiện trên các trang mạng xã hội gây hoang mang.
Liên quan vấn đề này, Zing.vn dẫn lời Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội kiêm điều hành khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, corona virus sẽ suy yếu ở nhiệt độ ấm áp, nhất là trên 25 độ C. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là TP.HCM và các địa phương có khí hậu nóng khác sẽ không có nguy cơ.
TS. Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope, California, Mỹ, cho biết, trong một nghiên cứu năm 2011 về khả năng sống của virus SARS, ngoài môi trường, người ta cho thấy virus khô trên bề mặt nhẵn giữ được khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22-25 độ C, độ ẩm 40-50% (đây là môi trường phòng máy lạnh).
Tuy nhiên, khả năng sống của virus bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ và độ ẩm cao hơn (ví dụ: 38 độ C và độ ẩm trên 95% làm khả năng sống của virus giảm hơn 1.000 lần). Ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để tiêu diệt virus ở ngoài tự nhiên.
Về thông tin virus corona không sống được ở điều kiện trên 25 độ C, TS. Vũ cho biết đây quan điểm sai lầm.
Theo đó, cơ thể của con người lúc nào cũng duy trì ở nhiệt độ 37 độ C và lúc sốt có thể lên đến 40 độ C hoặc hơn. Ở nhiệt độ đó virus vẫn có thể sống tốt trong cơ thể vật chủ. Virus chỉ chết trong cơ thể khi hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết ra chúng, tấn công tiêu diệt chúng và các tế bào chứa chúng.
TS. Vũ cho rằng, bên ngoài môi trường vật chủ, virus sẽ dễ bị chết sớm chỉ trong vài phút cho đến vài giờ. Tuy nhiên, ở các điều kiện môi trường như nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp có thể kéo dài thời gian chúng sống.
Như vậy, không thể kết luận virus corona mới không có nguy cơ lây lan ở miền Nam Việt Nam hay bị tiêu diệt khi thời tiết ấm lên. Do đó, người dân không nên chủ quan, khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, từng đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người bị bệnh, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, cách ly và điều trị.
Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trên VietNamNet cho rằng những nghiên cứu ban đầu chỉ ra virus corona Vũ Hán phát triển tốt hơn ở nhiệt độ thấp, tuy nhiên, không phải miền Nam nóng hơn thì không có nguy cơ cao mắc bệnh.
“Việc lây lan dựa trên sự tiếp xúc giữa người với người chủ yếu trong nhà nơi nhiệt độ không cao và thoáng khí”, PGS Phu giải thích.
Ông cũng dẫn thông tin về hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV). Đây là một loại virus cùng họ với nCoV, nhưng nó vẫn phát triển mạnh mẽ ở khu vực nắng nóng như ở Trung Đông.
Do đó, tốt nhất lúc này, người dân cũng nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh: hường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc thường xuyên, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng. Người dân có thể tận dụng yếu tố nhiệt độ để làm giảm sức mạnh của virus như tránh ở trong các phòng kín có nhiệt độ quá lạnh, hạn chế bật điều hòa có nhiệt độ dưới 25 độ C, nhà cửa nên bố trí, mở cửa thông thoáng.