Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ - CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo đó, để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo như sau: Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định nêu trên để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, những ngày qua nhiều cá nhân đứng ra kêu gọi, giúp đỡ đồng bào miền Trung.
Theo luật sư Tú, chúng ta thấy rõ tấm lòng của mọi người đối với đồng bào phải gánh chịu thiên tai, địch hoạ... Việc làm này gây xúc động tới nhiều người.
"Tôi đánh giá cao việc huy động nguồn lực, đóng góp giúp cho người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bão lũ", luật sư Trương Anh Tú bày tỏ.
Nghị định 64/2008 nêu một số về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng.
Theo đó, chỉ có 3 nhóm tổ chức, đơn vị được phép tiếp nhận, phân phối tiền và hàng hóa cứu trợ, gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương...
Luật sư Trương Anh Tú cho hay, trong Nghị định này chưa thấy nói tới các tổ chức cá nhân... Xã hội đã có nhiều thay đổi, dường như Nghị định ra đời đã hơn 10 năm này đến nay có lẽ đã lỗi thời. Nghị định chưa giúp được chúng ta, tổ chức cá nhân phát huy hết nguồn lực tham gia nguồn lực tham gia hoạt động cứu trợ.
"Có lẽ trong thời gian tới chúng ta phải nghiên cứu, mở rộng trên tinh thần các đối tượng được tiếp nhận, vận động cũng như được phân phối hàng cứu trợ theo hướng người người, nhà nhà chỉ cần có tấm lòng, có khả năng, trung thực thì cũng nên được tạo điều kiện cứu trợ cho đồng bào.
Trong số hàng trăm, hàng nghìn người đứng ra tổ chức phần lớn đều là những người rất có tâm, có khả năng tổ chức hoạt động cứu trợ. Bên cạnh đó thi thoảng chúng ta vẫn thấy có đối tượng lợi dụng việc này. Tuy nhiên trên nguyên tắc khi nào phát hiện sai phạm thì cần xử lý nghiêm minh", luật sư Tú nhấn mạnh.
Luật sư Tú cho hay, công việc đứng ra kêu gọi, vận động quyên góp ai làm cũng được nhưng Nhà nước cần có quy định phải làm theo trình tự rõ ràng, lập quỹ có sự giám sát...
Trong quá trình công khai chi tiêu, báo cáo với Mặt trận Tổ quốc địa phương, báo cáo với mạnh thường quân đã chi tiền cho mình. Nhà nước bên cạnh đó cũng có quyền kiểm tra, để tránh việc lợi dụng làm ảnh hưởng xấu.
"Trong Nghị định 64/2008, luật quy định các tổ chức đứng ra vận động phân phối việc quyên góp giúp đỡ cũng không nói đến việc cá nhân đứng ra vận động tổ chức. Trong trường hợp như ca sĩ Thuỷ Tiên đứng ra kêu gọi quyên góp chưa có điều luật nào nghiêm cấm cả. Trong thời gian tới theo tôi cần có Nghị định sửa đổi hoặc Nghị định thay thế để phù hợp hơn với bối cảnh thực tế", luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm.