Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Đức Thịnh - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội cho biết: “Tình hình thời tiết năm 2017 đã và đang có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật. Cụ thể là mùa đông ấm, nhiều đợt không khí lạnh tăng cường kéo dài đến tận tháng 5.
Tình hình thời tiết những tháng tiếp theo trong năm còn nhiều diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, mưa lũ diễn biến bất thường và ở mức cao, bão hoạt động sớm ở Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền tương đương với trung bình nhiều năm.
Hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính và có dấu hiệu chuyển từ pha lạnh sang trạng thái El Nino từ nửa cuối năm 2017. Do tác động của El Nino, năm 2017 bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN)”.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội, năm 2017 sẽ xuất hiện khoảng 7 - 10 cơn bão và ATNĐ (TBNN khoảng 12 - 13 cơn). Trong đó, có khoảng 3 - 4 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1 - 2 cơn bão hoặc ATNĐ. Thời gian của bão tập trung vào tháng 7, 8, 9.
Về tình hình nắng nóng, ông Thịnh cho biết, trong toàn mùa từ tháng 5 đến tháng 10, nắng nóng ở mức xấp xỉ cao hơn TBNN (TBNN 27.4 - 27.9°C). Toàn mùa có 6 - 8 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên). Nắng nóng chủ yếu tập trung vào nửa cuối tháng 5, 6 và tháng 7. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến ở mức 38 - 40°C.
Về mưa lũ, toàn mùa có từ 6 - 8 trận mưa to đến rất to (lượng mưa > 50mm trong 24h). Tổng lượng mưa toàn mùa từ tháng 5 đến tháng 10 vào khoảng 1300 - 1500mm, ở mức xấp xỉ TBNN (TBNN 1347 - 1484). Mùa mưa lũ năm 2017 có khả năng đến muộn hơn so với TBNN. Lũ tiểu mãn xuất hiện ở hạ lưu sông Hồng, sông Đáy và một số sông suối nhỏ hơn trong khu vực.
Đỉnh lũ nhỏ hơn TBNN và xấp xỉ năm 2016. Toàn mùa lũ xuất hiện 2 - 3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2016 và thấp hơn đỉnh lũ TBNN. Hạ lưu sông Hồng dưới mức báo động 1, các sông còn lại ở mức báo động 1 và trên báo động 1.
Để đối phó với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai cần tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão. Đồng thời, đôn đốc, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.