Tạp chí Asian Scientist (Singapore) vừa công bố danh sách 100 nhà khoa học được vinh danh trong năm 2018 do có giải thưởng quốc tế hoặc giải thưởng quốc gia trong năm 2017.
Trong danh sách này, Việt Nam vinh dự có 2 người được bầu chọn là GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật hoá học trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) và PGS.TS Nguyễn Sum, Giảng viên khoa Toán Trường ĐH Quy Nhơn.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam được Tạp chí Asian Scientist đưa vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Hóa học. Còn PGS.TS Nguyễn Sum được vinh danh ở lĩnh vực Toán học. Cả hai nhà khoa học này được bình chọn dựa vào thành tích cùng nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam - Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2015
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam từng là giáo sư trẻ nhất năm 2015 khi ông mới 36 tuổi. Đến thời điểm này ông đã có 74 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI.
Vị GS.TS này cũng chính là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực Hóa học Kỹ thuật. Công trình nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các ứng dụng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine. Đặc biệt, công trình phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố.
Đáng nói là một công trình khoa học này được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam do 5 tác giả là người Việt Nam, hoàn toàn không có yếu tố nước ngoài. Bài báo khoa học làm nên giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm: bài báo đã được trích dẫn 21 lần.
Hiện nay, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là trưởng khoa Kỹ thuật hóa học, Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu. Năm 2014, ông được phong hàm Giáo sư, danh hiệu cao quý của người làm công tác giảng dạy và trở thành một trong những vị giáo sư trẻ tuổi nhất trong bậc giáo dục đại học ở nước ta.
PGS Nguyễn Sum - vị PGS chỉn chu, nhiệt thành, nhưng gần gũi với đồng nghiệp và sinh viên
PGS Nguyễn Sum đang làm việc tại Đại học Quy Nhơn (Bình Định). Công trình “Về bài toán hit của Peterson” (On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274, 432-489) của ông được nhận xét xuất sắc khi giải quyết được trường hợp đặc biệt của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây hơn 30 năm.
Điểm đặc biệt ít người biết đến là công trình này được thực hiện hoàn toàn tại Trường ĐH Quy Nhơn, bởi tác giả duy nhất là TS Nguyễn Sum, không liên quan đến yếu tố “nước ngoài”, như cách nói vui của ông là hoàn toàn “thuần Việt”.
Trong đời thường lẫn công việc, đồng nghiệp và sinh viên kính trọng PGS.TS. Nguyễn Sum ở sự chỉn chu, nhiệt thành, nhưng giản dị, gần gũi. Ông đam mê nghiên cứu Toán học, nhưng thuộc trường phái cổ điển: có nhiều ý hay, nhưng công bố rất ít. Như cách nói của thầy ông - GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, thì Nguyễn Sum “điềm tĩnh lạ thường trên con đường riêng mà anh đã chọn trong khoa học”.
Asian Scientist là một tạp chí của Singapore ra đời bản online từ năm 2011. Đây là năm thứ 3 tạp chí này công bố danh sách các nhà khoa học hàng đầu khu vực với những nghiên cứu, đổi mới và có đóng góp đáng kể ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tiêu chí lựa chọn các nhà khoa học để đưa vào danh sách 100 nhà khoa học châu Á của Asian Scientist là các nhà khoa học được chọn phải được trao các giải thưởng về khoa học trong năm được bình chọn.
Đây là năm thứ ba Asian Scientist công bố danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á. Năm 2016, Việt Nam có hai nhà khoa học nữ được lọt vào bảng xếp hạng này là TS Trần Liên Hà Phương (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM) và TS Đặng Thị Oanh (Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Thái Nguyên). Năm 2017, PGS Lê Thị Kim Phụng (Đại học Bách khoa TP HCM) cũng được lọt tốp này ở lĩnh vực khoa học nông nghiệp.