Vậy mà, 5 tiếng nữa thôi ấy mãi không bao giờ đến. Trong tích tắc của vụ tai nạn thảm khốc, Long bước lên chuyến xe để đi rước Yên về nhà và không xuống nữa. Im ắng và lạnh dần. Giờ, Yên chỉ còn lặng đi, khóc đến khô người vì kẻ ở lại chưa mặc được chiếc áo cưới se duyên.
“Chỉ vài tiếng nữa là chúng ta thành vợ thành chồng rồi. Hôm qua anh điện thoại hứa với em nhiều thứ lắm, sao anh nỡ nằm như vậy…”, Yên khóc.
2h30 sáng 30/7, niềm vui bỗng chố hóa nỗi buồn, nụ cười hóa dòng nước mắt, ngày chung vui của Long - Yên sao đã nỡ hóa thành cuộc đại tang cả một làng Lương Điền đau đến thế.
13 người cùng mất trên chuyến xe rước dâu định mệnh
“13 người rước dâu cùng tử vong…”, tôi chỉ dám đọc đến dòng tin vắn ấy, đã vội tắt ngay điện thoại. Tim co thắt lại, đau tận trong lồng ngực. 13 người, đó gần như là tất cả.
Danh sách nạn nhân đưa xuống có 3 đến 4 người cùng một gia đình, cùng thôn, cùng làng, và cùng vui vẻ chờ 5 tiếng nữa Long cưới vợ. Cả dòng họ Nguyễn Khắc đã chờ đợi điều đó từ lâu, vì tình yêu hai đứa nhỏ những mấy năm trời, dù không giàu có, làm ăn cực nhọc tận trong Nam nhưng đôi trẻ thương nhau thật lòng. Người nhà còn thuê chiếc xe 16 chỗ, chạy quãng đường hơn 700 km để rước nàng dâu mới về nhà nữa mà.
Và họ đã nằm lại trên chiến xe định mệnh ấy.
Ở quê nhà Mỹ Quang, buổi sáng tinh mơ ấy, nhà gái đã bật nhạc vu quy, người đi dự đám áo quần xúng xính đến nhà Yên cho kịp cái cưới. Cô dâu trẻ đâu hề hay biết chồng mình mãi không đến kịp.
Còn bên làng Lương Điền, người người vẫn vui nói râm ran rằng cậu Long đi Sài Gòn lâu nay làm ăn, cuối cùng cũng về làng, 2/8 này lấy vợ. Cô dâu tên Yên, người Bình Định, họ đã bên nhau được mấy năm. Vậy mà, cái đêm định mệnh đó đã cướp đi từ tay họ tất cả. Với Yên, có lẽ bầu trời sẽ lâu lắm mới có thể sáng lại.
“Người ta chỉ kịp nhận tin báo điện thoại, đọc báo trên mạng rồi ôm nhau khóc hết cả một làng”, một người dân sụt sùi kể lại.
2h30 sáng, chiếc xe xe khách 16 chỗ BKS 75B-000.52 chở theo đoàn người đi rước dâu lưu thông trên QL1 theo hướng Bắc - Nam. Đến Km 950+700 bất ngờ đâm thẳng vào xe đầu kéo BKS 51D - 411.21 lưu thông chiều ngược lại. Cú va chạm mạnh nhanh chóng rơi vào thảm cảnh: 17 người trong cùng gia đình, là họ hàng, anh em, cô chú bác, lên cùng một chiếc và không ai có thể tự bước xuống.
“Sau tiếng nổ thì im lặng đáng sợ lắm, hơn 10 người không cất một lời kêu cứu” - một nhân chứng kể lại. Vô số người dân quanh khu vực đã gần như sững lại cả phút vì không thể tin vào sự im lặng đáng sợ ấy. “Quá muộn rồi, họ chết hết…” - lời người khác vội vã nói, khi đang cố kéo xác người ra khỏi chiếc xe tang tóc. Nhưng đều muộn.
13/17 người tử vong. Riêng gia đình chú rể, chú rể, người chị, người cháu ruột và người mẹ góa chồng 10 năm ngày đêm chờ đại hỉ của con, đều mất. Lỗi chỉ vì 1 cơn ngủ gật không ai muốn…
Nhận định đưa ra, tài xế Lê Ngọc Cương, trong lúc điều khiển xe lưu thông trên làn đường đã vô tình ngủ gật lấn sang làn bên cạnh. Dù xe đầu kéo đã giảm tốc độ, đánh lái sang thì vẫn đâm thẳng gây ra thảm kịch. Trên cung đường ấy, cũng tháng trước đây thôi đã xảy ra vụ tai nạn khiến 2 mẹ con tử vong, nó được ông Trần Úc (Chủ tịch UBND thị xã Điện Biên) đánh dấu là điểm đen giao thông nghiêm trọng.
Theo thống kê của Tổng Cục Thống kê, năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20.280 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, bao gồm 9.770 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 10.310 vụ va chạm giao thông, làm 8.279 người chết; 5.587 người bị thương và 11.453 người bị thương nhẹ.
Nếu lấy 365 ngày một năm nhân với 24 tiếng, rồi chia cho con số 20.280 này, bạn sẽ thu được một mức trung bình đáng ngại: cứ 1 giờ đồng hồ, ở Việt Nam có thêm 2-3 vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Các nguyên nhân gây tai nạn cũng rất đa dạng: Do phương tiện, do hạ tầng, do “ý thức tham gia giao thông”… và thiếu ngủ đã nhanh chóng là nguyên nhân chính, uớc tính khoảng 10-15% tai nạn xe, giáo sư Telfilo Lee Chiong (Trung tâm Nationnal Jewish Health, Mỹ) cho biết.
Long đi rồi, người ở lại áo cưới phải làm sao?
Chiếc ảnh thờ của Long, người nhà phải cắt vội từ ảnh cưới, tấm thiệp đỏ gửi bà con lối xóm vẫn còn đặt trên bàn ghi rõ ràng vào 2/8, “cái ngày nớ chừ thành ngày đưa tang, đưa nó về với đất, ông trời sao khéo trêu người”.
Và dòng chữ hỷ anh gói ghém cẩn thận từ quê nhà Quảng Trị xa xôi vẫn còn đỏ nằm lạnh tanh giữa đống đổ nát. Chữ hỷ đó, ngày mai Long sẽ trao tận tay cho Yên, bằng giấy thôi nhưng đong cả tấm lòng. Nhưng giờ đây chữ hỷ vất vưởng trên mớ vụn sắt xe con, trên xác người chồng chéo và cả bước chân đang qụy ngã vào nhau… không ai biết nó có màu đỏ hay nhuộm bằng máu. Chữ hỷ không trả lời, chữ hỷ lặng thinh.
Người vợ trẻ vẫn nhoái nhoài về phía chồng, quặn từng câu tỉ tê và nước mắt: “Anh ơi sao lại thế này. Hôm nay là ngày vui của tụi mình mà, anh tỉnh lại với em đi, anh Long ơi”. Nhưng anh chỉ lặng im. Thân hình anh rồi sẽ co lại trong chiếc quan tài, lạnh dần đi giữa những tiếng vãn đưa. Ai không khóc được cơ chứ?
Cả làng quê Lương Điền chảy máu, khóc cho một chàng trai hôm trước còn nói nói cười cười: 30 con ra nhà Yên ngoài Bình Định làm đám cưới. Vậy mà… giờ, cả trăm người khăn trắng dìu nhau, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt vẫn còn ám nắng đồng tháng 8 và nỗi đau là vô cùng tận.
13 con người đó từng là một gia đình, cùng họ hàng, cùng bàn nhau về cái cưới của thằng Long mỗi đêm, nhà chỉ cách nhau dăm con ngõ 100m thôi, đã bốn năm chiếc quan tài đặt san sát nhau như thế. Đứa con khóc tiễn biệt cha mẹ, ngày mai con sẽ là đứa trẻ mồ côi. Người vợ khóc chồng, ngày mai mình sẽ là quá phụ. Và cả nhà Long cùng tiễn biệt nhau. Tất cả kêu gào, gục ngã.
Ông Nguyễn Khắc Ế (76 tuổi), người cậu của chú rể Nguyễn Khắc Long có con trai cũng cùng thiệt mạng, quỵ ngã: “Có ai ngờ ngày vui của cháu Long trở thành ngày đại tang của dòng họ. Tôi tuổi lớn thế này rồi sao trời không bắt, mà bắt con cháu tôi”.
“Người nhà ôm nhau khóc. Hàng xóm ôm nhau khóc. Ai cũng khóc. Có người ngất xỉu đưa đi trạm xá. Chỉ đám đàn ông, thanh niên cứng rắn hơn, chung tay nhau dựng rạp. 5 cái rạp đám tang trong một ngày. Cả làng đang chuẩn bị ngày hỉ cho thằng Long bỗng chốc quay ngược chiều thành đám tang. Cả một góc làng phủ màu tang trắng, chỉ còn nước mắt với nhau. Cả làng chẳng ai dám cười một cái dù đang đứng ở đâu”, ông Phú (trưởng thôn Lương Điền) xót xa nhắc lại.
“Mấy chục năm rồi, làng này chưa có ngày nào đau thương đến thế”, một cụ ông nhìn thấy chép miệng.
Tôi không thể tưởng tượng được rồi ngày mai, Yên sẽ đối mặt thế nào khi bất chợt nhớ về Long. Nhớ về cái buổi sáng 30/7 niềm vui hóa nỗi buồn ấy. Yên chỉ vừa 26, vẫn đang ở độ tuổi đẹp nhất trong thanh xuân. Ở cái tuổi mà bao cô gái bắt đầu ước mơ về một gia đình hạnh phúc, cô trở thành “góa phụ”.
Buổi sáng 30/7 ấy, sẽ mãi là ám ảnh, sẽ mãi là cuộc chia ly vĩnh hằng. Long đi. Anh bỏ lại đây người từng đợi chờ, bỏ lại bao lời hẹn thề non nước.
Người vợ trẻ sau này vẫn sẽ sống tiếp phần đời của mình. Chặng đường phía trước, dù muốn dù không, chị vẫn sẽ đi. Nhưng rồi một ngày nào đó, Yên mệt mỏi và gấp gáp nhìn lại sau, có ai hỏi: Em có mệt không? Như cái thuở yêu nhau, như cái ngày vu quy của sớm mai vài tiếng đồng hồ nữa thôi nhưng là dự định suốt 2 năm trời vỡ tan tành trong tích tắc. Long ơi! Anh trả lời Yên đi chứ?