Bán nhà, nhặt rác, vay mượn khắp nơi để con được trị bệnh
Ông Tả Vĩnh Khánh năm nay 47 tuổi vốn là một công nhân mỏ than ở huyện Hoà Thuận, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Công việc tuy vất vả nhưng cả gia đình 3 người lúc nào cũng hòa thuận, đầm ấm.
Thế nhưng vào 5/2016, tai họa ập xuống gia đình khi cô con gái duy nhất của ông là Tả Hân Vũ (đang là sinh viên năm 2 đại học) sức khỏe bất ngờ chuyển xấu. Sau cơn sốt cao, Hân Vũ được đưa vào bệnh viện kiểm tra tổng quát và phát hiện em mắc chứng máu trắng cấp tính. Theo lời các bác sĩ, chỉ có ghép tủy là phương pháp duy nhất có thể giúp em giành cơ hội sống sót lúc này.
Dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng để chữa trị cho con, vợ chồng ông Khánh đành ngậm ngùi bán đi căn nhà - tài sản giá trị và ý nghĩa nhất, cộng thêm khoản tiền vay mượn khắp nơi để con được làm phẫu thuật ghép tủy.
Không còn nhà, kinh tệ dần kiệt quệ nhưng gia đình vẫn không hề đầu hàng số phận. Cuối năm 2016, vì muốn con có điều kiện chữa trị tốt hơn, vợ chồng ông đã đưa con lên Bắc Kinh nhập viện. Tại Bắc Kinh, ông Khánh vừa chăm sóc con vừa nhặt ve chai, còn vợ ông sống tạm bợ ở chỗ làm.
Đối với chứng bệnh máu trắng của Hân Vũ, bác sĩ khuyên rằng tốt nhất nên uống nước đóng chai, loại có lợi cho sức khỏe. Tận dụng những vỏ chai của con và những bệnh nhân khác đã sử dụng, ông cần mẫn thu nhặt tất cả mang đi bán để phần nào chi trả tiền viện phí đắt đỏ của con.
Bao tình cảm được gói gọn trong bức tâm thư: “Con ghét bố mẹ”
Từ ngày Hân Vũ phát hiện chứng bệnh ngặt nghèo thì cũng là lúc gánh nặng chi phí càng ghì chặt lên đôi vai của vợ chồng ông Khánh. Tiền ăn uống, tiền sinh hoạt đắt đỏ ở Bắc Kinh, tiền thuốc men viện phí… tất cả là bài toán không hề nhỏ với đồng lương bấp bênh của công việc thời vụ và nhặt ve chai của hai vợ chồng.
Vốn dĩ, ông Khánh mắc bệnh thận cần điều trị nhưng để tiết kiệm tiền lo cho con nên ông từ chối nhập viện. Còn vợ cũng mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp thường xuyên choáng váng và ngất xỉu.
Mặc cảm bệnh tật, lại không muốn tiếp tục làm khổ gia đình, đã nhiều lần cô con gái nghĩ đến ý định kết liễu đời mình. Thế nhưng, trước sự khó nhọc của bố mẹ, Hân Vũ nhận ra mình càng không được đầu hàng số phận.
Trên giường bệnh, cô gái trẻ đã gói trọn tình cảm trong bức tâm thư: “Con ghét bố mẹ”:
“Con được sinh ra trong một gia đình nông thôn, cuộc sống chẳng phải giàu sang nhưng đầm ấm. Dù bận bịu mưu sinh nhưng bố mẹ luôn dành thời gian chăm sóc con từng li từng tí.
Nhưng ngày 27/5/2016 là một bước ngoặt trong cuộc đời, ngày con được bác sĩ chuẩn đoán mắc chứng bệnh máu trắng cấp tính nguy hiểm loại M5.
Kể từ đó, bệnh viện cũng trở thành nhà vì sự thật là căn nhà mấy mươi năm cả gia đình gắn bó cũng phải bán đi để chi trả viện phí”.
Sức khỏe của bố mẹ vốn dĩ không được tốt. Vào 2 năm trước, bố phát hiện mình mắc bệnh thận mãn tính. Kinh tế gia đình lúc đó chưa eo hẹp như hiện tại nên sau một thời gian điều trị sức khỏe bố có chút cải thiện. Nhưng cũng vì bệnh tình của con mà hôm nay bố phớt lờ bệnh tật. Dù bố không nói ra nhưng con biết bố đã suy sụp đi nhiều.
Còn mẹ từ nhiều năm nay mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu. Vì lo lắng cho bệnh tình của con cộng thêm công việc cực nhọc mẹ vẫn thường hay choáng váng, ngất xỉu.
Con ghét bố mẹ! Vì để chạy chữa cho con mà phải bán nhà, chạy vạy khắp nơi, thậm chí là quỳ xuống cầu xin người ta để có tiền đóng viện phí. Nhìn hóa đơn viện phí bố mẹ chỉ biết nép vào một góc tường để khóc nhưng trước mặt con vẫn rạng rỡ , tươi cười: “Con yên tâm, có bố mẹ đây rồi”.
Con ghét bố mẹ! Vì để chăm sóc con mà thờ ơ với bệnh tình của mình. Hai chân bố phù nề chẳng mang được giày, toàn thân nổi mẩn ngứa nhưng một viên thuốc cũng chẳng nỡ bỏ tiền ra mua. Mẹ rất dễ ngất xỉu nhưng hôm nào cũng cố sức lau người, chăm sóc con. Con truyền dịch cả ngày là cả ngày mẹ không ăn không ngủ để trông nom.
Con ghét bố mẹ! Vì luôn dành cho con những món ngon tẩm bổ trong khi bản thân mình lại ăn qua loa cái bánh bao, bát cháo trắng. Lúc nào cũng bảo với con: “Bố mẹ đã ăn rồi”.
Con ghét bố mẹ nhưng cũng ghét chính bản thân mình. Nếu còn có kiếp sau con xin được đổi vai trò: Con sẽ làm mẹ và bố mẹ sẽ làm con. Con sẽ dùng cả đời mình để yêu thương đền đáp công ơn”.
Thoạt nhìn qua tựa đề của bức thư hẳn nhiều người bức xúc khi tình cảm và sự hi sinh lại chỉ đổi về những dòng chữ “con ghét bố mẹ”. Nhưng ghét ở đây là ghét cảnh bố mẹ phải chạy vạy cầu xin khắp nơi để chi trả viện phí; ghét cảnh bỏ mặc bệnh tình của bản thân; ghét cả những món ăn bổ dưỡng bố mẹ một mực nài ép. Càng “ghét” bố mẹ, ghét bệnh tình bản thân bao nhiêu thì cũng là lúc tình cảm càng nhiều bấy nhiêu.
Sống trên giường bệnh và chiến đấu với bệnh tật chưa bao giờ là điều dễ dàng. Rồi chẳng biết đến khi nào sau một giấc ngủ ta chẳng còn cơ hội gặp lại những người yêu thương. Hân Vũ cùng nhiều người mắc bệnh nan y hẳn cũng từng nung nấu trong đầu ý định kết liễu đời mình khi mọi thứ trước mắt đều mờ mịt. Thế nhưng, tình cảm gia đình lúc này là chiếc phao cứu sinh vực dậy họ trong những ngày tháng cùng cực nhất.
Cả cuộc đời bố mẹ nhọc nhằn hi sinh: chấp nhận từ bỏ bản thân, từ bỏ công danh, sức khỏe chỉ để đổi lấy nụ cười bình yên của con. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy làm sao đủ đầy khi gói gọn trong 2 chữ “ghét” hay “thương”…