Chiều 6/12, sau gần 1 tuần thất nghiệp, chị Trần Thị Giúp (quê Đồng Tháp) vẫn quẩn quanh trong căn trọ nhỏ. Vừa nói chuyện với chúng tôi, chị vừa miết đôi tay, nước mắt cũng chực trào. "Sắp Tết rồi...", người phụ nữ nghẹn ngào nói.
Bám trụ ở Sài Gòn
"Nhà không còn đất cát gì, làm sao mà về", chị Giúp mở đầu câu chuyện. Người phụ nữ quê miền Tây này đã gắn bó với công ty TNHH Tỷ Hùng (trụ sở phường An Lạc, quận Bình Tân) từ năm 2005. Trải qua 2 đợt dịch bệnh, công ty vẫn cố gắng bám trụ.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, chị Giúp nhận được thông báo đơn vị buộc phải sa thải 1200 công nhân do không còn đơn hàng sản xuất. Chị cũng như hàng nghìn đồng nghiệp khác bất đắc dĩ rơi vào cảnh thất nghiệp, ngay trước Tết.
Ngày cuối cùng ở công ty, chị đã khóc thật nhiều, ngay cả người quản lý cũng không kìm được nước mắt. Chị nhớ lại: "Tôi làm việc ở tầng 3. Ngày cuối cùng được đi làm có ai làm nổi đâu. Mọi người đều bùi ngùi, rưng rưng nước mắt. Chúng tôi biết rằng thất nghiệp là một điều gì đó rất nặng nề, không ai kịp xoay trở gì cả.
Tôi càng buồn hơn khi biết 2 tháng nữa là Tết rồi. Tôi và đồng nghiệp cùng đi xuống tầng 4 để phụ mọi người làm sản phẩm. Ai nấy đều nghẹn ngào, có biết bao tình cảm ở chỗ này mà. Tôi đã giành gần 20 năm ở công ty. Mức lương 8 triệu/tháng tuy không nhiều nhưng tôi có thể trang trải được cuộc sống gia đình".
Tiếng chuông tan ca reng lên, từng tốp công nhân lững thững bước ra ngoài. Phòng trọ của chị Giúp nằm đối diện công ty, đồng nghiệp cũng là hàng xóm của nhau.
Một số người quyết định gom tư trang, đón chuyến xe về quê. Số khác, như chị Giúp, lại quyết tâm bám trụ ở Sài Gòn. Chị nói: "Tôi còn hai con nhỏ và mẹ già ở quê. Cả gia đình cũng trông chờ đồng lương hai vợ chồng gửi về. Sắp Tết rồi, bao nhiêu thứ phải lo mà còn thất nghiệp nữa. Chúng tôi quyết định ở lại không về quê là vì còn muốn tìm công việc khác. Tôi cũng vào chung cư gần công ty Tỷ Hùng thử xin việc lao công. Tuy nhiên, họ nói sẽ phải sắp xếp lại nhân sự".
Tâm sự đầy nỗi niềm
Căn trọ của chị Giúp chỉ vỏn vẹn 30 mét vuông. Chị giăng võng ngang nhà, nằm đong đưa. Phía trong nhà, vài thùng mì, gạo của mạnh thường quân tặng vẫn còn nguyên. Chị rất quý những món quà này, dự định sẽ ăn dần trong 2 tháng tới.
Từ khi thất nghiệp, chị Giúp chạy đôn chạy đáo nhiều nơi xin việc nhưng chưa được. Chị không có xe, chẳng thể đi xa. Mỗi ngày, chồng chị vẫn chạy đi làm công xưởng ở vùng giáp ranh giữa Long An và TP.HCM. Đồng lương 6 triệu/tháng của anh cũng không đủ để hai vợ chồng xoay xở giữa thành phố.
Chị nói: "Có những buổi sáng, tôi chợt giật mình thức dậy tính mặc đồng phục để đi làm. Nhưng rồi, tôi nhận ra mình đã thất nghiệp... cảm giác thật sự chua xót lắm. Tôi không dám ăn sáng, chỉ tiêu khoảng 30.000 đồng/ngày để sống qua giai đoạn khó khăn này".
Ở tuổi 46 tuổi, chị Giúp thừa nhận mình không thể dễ dàng tìm được việc làm. Chị cho biết bản thân chỉ mong cầu một công việc tử tế, giúp chị có "đồng ra đồng vào" trong những ngày Tết cận kề.
Hai đứa con ở quê đã phải tạm ngưng việc học từ trước bởi bố mẹ chẳng đủ khả năng. Nghe mẹ thất nghiệp, con gái cũng buồn lây. Ráng chiều đổ xuống mái tôn phòng trọ, hơi nóng hừng hực bốc lên, chị Giúp vẫn ngồi phẩy quạt. "Chỉ biết động viên nhau ráng lên thôi", chị nói rồi nhìn ra khoảng sân trống.
Theo nguồn tin VOV, Liên đoàn Lao động Quận Bình Tân đã có văn bản gửi công đoàn cơ sở của Công ty TNHH Tỷ Hùng về việc chăm lo cho 1.185 công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động. Liên đoàn đề nghị Công ty Tỷ Hùng tiếp tục theo dõi tình hình công nhân lao động, tránh để xảy ra tình trạng công nhân ngừng việc tập thể, đình công.
Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cũng xây dựng kế hoạch chăm lo cho gần 1.200 công nhân bị mất việc với số tiền 500.000 đồng/người và giúp họ tìm kiếm việc làm mới. Đồng thời, cùng ban giám đốc công ty đảm bảo thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động phải nghỉ làm đúng theo quy định