"Lúc biết 5 người trong nhà là F0, tôi bật khóc tỉnh queo"
Vốn là một tài xế lái xe dịch vụ du lịch, tuy nhiên, kể từ khi đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM bùng phát (27/4), anh Nguyễn Hoàng Phúc (SN 1997, quận Bình Tân, TP.HCM) buộc phải tạm ngưng công việc.
Thời gian rảnh rỗi, Phúc bắt đầu tham gia vào đội tình nguyện của phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân) để hỗ trợ địa phương công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ban đầu, Phúc làm những công việc đơn giản như giúp cán bộ phường nhập liệu lấy mẫu trên địa bàn, sau đó tham gia điều phối người dân vào khu lấy mẫu... Dần dần chàng thanh niên trẻ trở thành một trong những lực lượng nòng cốt hỗ trợ phường Bình Trị Đông trong công tác chống dịch từ khi nào không hay.
Thậm chí, thấy phường thiếu phương tiện để vận chuyển các F0, F1, Phúc đã không ngần ngại đem theo "gia tài" là 2 chiếc ô tô của mình để hỗ trợ.
"Từ khoảng giữa tháng 5, tất cả các công việc của phường từ việc lấy mẫu, vận chuyển F0 đi cấp cứu, hỗ trợ thực phẩm cho bà con trong khu cách ly đến chở bình oxy đến tận nhà cho F0... tôi đều tham gia hỗ trợ. Công việc có lúc mệt mỏi nhưng nhìn thấy các F0 được cấp cứu kịp thời, người nhà của họ an tâm, tôi và các đồng đội cũng cảm thấy vui mừng, dường như quên hết vất vả", anh Phúc chia sẻ.
Hơn 3 tháng tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, với Hoàng Phúc có vô vàn những kỷ niệm đặc biệt. Thế nhưng, một kỷ niệm khiến anh không thể nào quên đó chính là, bản thân anh từng là người chở 5 người trong gia đình mình đến khu cách ly khi biết tin họ dương tính với Covid-19.
"Tôi đã từng chở rất nhiều trường F0 đi điều trị, đi cách ly; cũng đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng x.ót xa khi người nhà bệnh nhân khóc lóc vì lo lắng, thế nhưng khi tình huống này rơi vào gia đình mình, tôi vẫn không thể giữ được bình tĩnh...
Lúc nhận tin 5 người trong gia đình trở thành F0, nhìn cả nhà chuẩn bị hành lý để đến khu cách ly, tôi bật khóc tỉnh queo. Tôi thực sự bối rối và lo lắng, lúc đó, đồng đội phải động viên tôi rất nhiều. Tuy nhiên, tôi đã tự trấn an được bản thân để còn động viên mọi người trong gia đình.
Những ngày tháng sau đó, tôi và gia đình thường xuyên thăm hỏi tình hình của nhau qua điện thoại. Vì còn nhiệm vụ hỗ trợ các bệnh nhân F0 khác nên các đồng đội, đại diện bên phường Bình Trị Đông đã cùng với tôi chăm sóc cho gia đình tôi trong khu cách ly. Rất may, đến hiện tại, cả 5 người nhà tôi đều đã khỏe mạnh, hoàn thành thời gian điều trị và trở về nhà an toàn", anh Phúc kể lại.
Cũng theo Hoàng Phúc, thời gian đầu khi mới tham gia vào công tác hỗ trợ tuyến đầu, bản thân anh cũng không tránh khỏi được những lo lắng, bởi nguy cơ lây nhiễm là điều không thể nói trước. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, nỗi sợ ấy dường như nhỏ bé lại, nhường chỗ cho sự nhiệt huyết của Phúc với công việc.
"Tôi nghĩ, với bất kỳ tình nguyện viên nào cũng có nỗi sợ về nguy cơ bị lây nhiễm trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, nỗi sợ đó sẽ qua rất nhanh, bởi lẽ, khi chứng kiến những trường hợp bệnh nhân cần cấp cứu, thời khắc đó ai cũng khẩn trương làm nhiệm vụ, không còn thời gian để suy nghĩ về nỗi sợ nữa", Hoàng Phúc tâm sự.
Nhiều lúc quá mệt nhưng không muốn dừng lại...
Chia sẻ về công việc của mình, Hoàng Phúc cho biết, anh và các thành viên trong đội tình nguyện thường bắt đầu công việc từ lúc 7h sáng nhưng khi kết thúc thì không có khung giờ nào cố định. Cả đội gần như "trực chiến" 24/24, bất cứ khi nào có ca cấp cứu cần hỗ trợ, anh Phúc đều nhận nhiệm vụ, lên đường vận chuyển F0 kịp thời.
Với Phúc, không kịp ăn uống là chuyện bình thường. Những ngày qua, cả đội đều phải tranh thủ thời gian ăn uống, bất kỳ thức ăn gì, bất kỳ nơi đâu để khi có điện thoại báo nhiệm vụ sẽ kịp thời lên đường hỗ trợ.
Làm việc không ngừng nghỉ, không quản ngày đêm, bản thân Phúc đã có lúc thấy mệt mỏi, muốn dừng lại. Thế nhưng, mỗi lần nhận điện thoại của người nhà bệnh nhân, nghe tiếng họ khóc òa, cầu cứu khẩn thiết, anh Phúc lại quên đi những mỏi mệt ấy, khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ.
"Nghe gia đình bệnh nhân gọi cho tôi năn nỉ, khóc lóc nên dù có mệt đến mấy cũng ráng đi làm. Đúng là có nhiều khi cực kỳ mệt, thậm chí muốn muốn tắt nguồn điện thoại nhưng nghĩ đến tình cảnh đáng thương của các gia đình bệnh nhân, tôi lại không cho phép bản thân bỏ cuộc.
Bên cạnh đó, sau mỗi lần làm nhiệm vụ, tôi và các đồng đội lại nhận được sự cảm kích của các gia đình bệnh nhân, họ liên tục gọi điện cảm ơn, bày tỏ sự biết ơn chân thành đến anh em khiến các thành viên như được tiếp thêm sức mạnh, động lực để cố gắng hơn nữa", Hoàng Phúc chia sẻ.
Là người trực tiếp trải qua cảm xúc khi nhận tin người nhà trở thành F0, chứng kiến những bệnh nhân Covid-19 trở nặng đau đớn, gia đình bệnh nhân kiệt quệ vì lo sợ, bản thân Phúc luôn đau đáu mong mỏi mỗi người dân hãy nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
"Chúng ta hãy xem đây là một "cuộc chiến" thực sự, xác định sẵn tâm lý sẽ "sống chung" với dịch bệnh để chuẩn bị các kỹ năng cần thiết. Thời gian này, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều thông tin tiêu cực, không chính xác, chúng ta hãy cố gắng chọn lọc và tìm hiểu về các thông tin này để tránh gây hoang mang cho bản thân và gia đình.
Quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng chống dịch, chấp hành và tuân thủ các quy định mà Nhà nước đã đưa ra", Hoàng Phúc nhắn nhủ.