Nhắc đến phố cổ Hà Nội mọi người vẫn liên tưởng tới 36 phố phường. Trước đây mỗi con phố này đều mang đậm dấu ấn tại Hà Nội. Khu vực phố cổ hiện nay vẫn tồn tại những biển hiệu cửa hàng, cửa hiệu ra đời từ Pháp thuộc hay thời bao cấp.
Hiện nay, chỉ còn rất ít cửa hiệu gắn biển hiệu cũ còn kinh doanh, phần lớn đã từ lâu không còn hoạt động. Đa phần những biển hiệu từ thời Pháp thuộc được đắp nổi bằng vôi vữa hiện nay vẫn tồn tại dù nhiều biển hiệu trong số đó không ai nắm được lai lịch.
Ngồi bán nước bên vỉa hè ở phố Hàng Gà sầm uất, khang trang bà Gái (79 tuổi) cười cho biết, ở tuyến phố này ngôi nhà nào cũ kỹ nhất chính là nhà mình. Bao năm qua nhà bà Gái không hề tu sửa gì. Tấm biển hiệu mang tên “Lợi Ký” của gia đình bà có tuổi đời đến nay cả trăm năm. Bà Gái cùng người thân không nhớ nó có từ bao giờ.
Trong ký ức của bà Gái, từ khi lấy chồng tới nay đã hơn 60 năm tấm biển này đã tồn tại. Trước đây, phố Hàng Gà nổi tiếng là tuyến phố bán gà. Xung quanh nhà bà nhiều biển hiệu mọc san sát nhau. Gia đình bố mẹ chồng bà trước đây là phiên hiệu cắt, uốn tóc. Thời điểm đó lúc nào cửa hàng cũng có 4,5 nhân viên làm việc cả ngày lẫn đêm. Ngày nào cũng có nhiều người đến làm đẹp. Ở phố cổ dù thời điểm đó vẫn bao cấp tuy nhiên nhu cầu làm đẹp thì lúc nào cũng có.
Bà Gái là con dâu trưởng trong gia đình có 8 anh em. Trong tâm trí bà Gái, người phố cổ Hà Nội luôn nhẹ nhàng, buôn bán khéo léo. Trải qua thời gian, kinh tế phát triển những tấm biển hiệu từ thời Pháp thuộc, bao cấp đã mai một không còn nữa. Thay vào đó là những tấm biển sáng màu, hiện đại và bắt mắt.
“Xưa đường phố vắng lắm, cả tuyến phố chỉ có 1,2 chiếc xe máy. Tôi đi làm vải bạt giày da, vali ở hợp tác xã ngay đối diện nhà. Làm ở đây hơn 10 năm thì xoá bỏ bao cấp nên tôi nghỉ rồi ở nhà nội trợ, sau bán nước khuây khoả tuổi già. Biển hiệu xưa được đặt tên theo chủ nhà, như bố mẹ chồng tôi được dùng đặt biển hiệu, nhà khác kinh doanh cũng vậy…”, bà Gái chia sẻ.
Hiện tại trong ngôi nhà rộng 40m2 có tấm biển hiệu phủi màu theo thời gian còn sót lại duy nhất ở phố Hàng Gà ấy có 4 gia đình với hàng chục nhân khẩu sinh sống. Gia đình bà Gái có hai con trai trong đó người con đầu làm nghề sửa xe. Các gian phòng khác có con, cháu cùng gia đình người em chồng sinh sống.
Nhiều mảng tưởng trên nhà bà Gái đã bong tróc lộ những cốt thép đã hen gỉ, lối vào nhà tường cũ kỹ nhưng bà Gái cho biết, gia đình vẫn gìn giữ những gì còn sót lại từ thời cha mẹ chồng để lại.
“Nhìn tấm biển hiệu vậy chứ nhiều người đến xin chụp ảnh nhất là du khách nước ngoài hay các cặp đôi chụp ảnh cưới. Nhiều người ở khu vực bờ hồ còn vẽ truyền thần. Giờ cuộc sống phát triển xung quanh mọi người xây khang trang hết rồi. Gia đình chúng tôi thì vẫn cũ kỹ như vậy suốt bao năm qua”, bà Gái hoài niệm.