Mới đây, cư dân mạng lại liên tục xôn xao vì thông tin một bà cụ hơn 90 tuổi ở Hà Nội phải tự mò cua bắt ốc, nhặt túi nhựa nuôi thân tại khu vực cầu vượt Đỗ Xá.
Trong video, bà cụ người gầy gò, trên mình chỉ có manh áo cộc cùng chiếc áo mưa rách nát đang ngồi bệt xuống vệ cỏ, cầm chiếc giỏ tre mưu sinh. Trả lời câu hỏi về con cái của người quay video, bà cụ rành mạch nói rằng “có mỗi cô con gái, đi lấy chồng chả ra gì rồi lại về, ở với em đi mò cua bắt ốc. Nó còn nuôi con nó, chứ nuôi em nữa thì hết”.
“Mỗi người mỗi khác nhau, có ai giống nhau đâu. Cả nước mà giống nhau thì đã thoải mái như nhau. Mà thôi mỗi người mỗi phương”, cụ bà nghẹn ngào tâm sự về hoàn cảnh của mình, tay run run buộc lại giỏ quà vừa nhận được.
Anh Phi Hoàng Quân, chủ nhân của đoạn video và chia sẻ trên cho biết rằng cụ bà tên là Nguyễn Thị Lộc, sinh năm 1933, là người ở thôn Đống Chanh, xã Minh Cường, huyện Thường Tín.
Anh thường thấy cụ khi đi làm ngang qua con đường đó và thỉnh thoảng vẫn biếu cụ đồ ăn cùng một ít tiền mặt. Thấy mùa đông đã đến mà cụ vẫn ăn mặc phong phanh, tất tả ngoài đồng ngoài ruộng, anh cảm thấy vô cùng bức xúc.
Ngay lập tức, anh Quân đã cởi áo khoác đang mặc để tặng cụ, nhưng bà một mực không nhận. Thấy vậy, anh bèn chạy vào khu chợ gần đó, hỏi thăm tình hình và mua tặng cụ một chiếc áo mới, kèm ít đồ ăn. Sau khi gói ghém cẩn thận và trao quà cho cụ, anh bèn quay video “phỏng vấn” cụ Lộc, đăng lên mạng để kêu gọi sự chú ý của cộng đồng.
Ban đầu ai mới gặp cũng tưởng cụ có vấn đề thần kinh, nhưng thực ra cụ trả lời vẫn rất minh mẫn. Vì muốn giúp đỡ cụ, anh đã đưa cụ đến gặp cán bộ địa phương và xác minh hoàn cảnh, thân thế kỹ càng.
Còn về con gái của bà cụ, thì chị năm nay đã trên 40 tuổi. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, bị chồng bỏ, chị một nách hai con, về sống với mẹ già, mở quán nước buôn bán qua ngày. Nhưng kinh doanh lại ế ẩm, ngày nào khá lắm cũng mới được gần 100 ngàn đồng, còn đâu chỉ khoảng 20 - 30 ngàn. Cả nhà bốn người không thể nào trông chờ vào quán nước này được. Hai đứa con của chị đều đang trong độ tuổi đi học, đứa lớn nhất cũng chỉ 15 tuổi nên cũng chưa có khả năng phụ giúp gì nhiều về mặt kinh tế.
Sau khi mò cua bắt ốc, và thu nhặt phế liệu, cụ Lộc đem lên vệ đường và bày hàng. Theo anh Chiến, người ở cách nhà cụ khoảng 2 km, quan sát thấy thì thỉnh thoảng vẫn có người đến mua giúp. Nhưng do hàng hóa của bà cụ không dùng được là bao, nên chủ yếu anh và những người khác xem như giúp đỡ cụ là chính.
Ban đầu, anh Quân cũng lo sợ cụ bị con cái bắt chẹt, bỏ rơi. Nhưng sau khi tiếp xúc và thăm dò thông tin xung quanh thì anh cho rằng chị là một người khá hiền lành nhưng hơi chậm chạp. Do cuộc sống khó khăn nên cũng không thể nào chăm sóc tốt cho mẹ già. Vì thương cụ, và muốn nhà hảo tâm có thể giúp đỡ gia đình cụ có cuộc sống khá hơn, anh Quân đã dẫn cụ lên ngân hàng mở tài khoản.
Nhưng do chứng minh nhân dân của lập từ năm 1979, đã quá cũ, anh phải đứng ra cam kết và nhờ sự giúp đỡ, tác động của vài người bạn. Ngân hàng cũng đã tạo mọi điều kiện để cụ Lộc có thể mở tài khoản một cách nhanh nhất.
Sau khi thông tin về cụ Lộc được tuyên truyền rộng rãi, nhiều nhà hảo tâm đã đến thăm và cho quà, cũng như gửi tiền vào tài khoản. Một Facebooker tên Hiếu Trần cũng đã đến tận nhà cụ xác minh và thấy rằng gian nhà của cụ khá nhỏ và chật chội, hôi tanh vì phế thải chất đống, lâu ngày không ai dọn dẹp.
Một số tình nguyện viên đã tham gia dọn nhà cho bà, nhưng không biết tình trạng này sẽ duy trì được bao lâu. Cụ từ chối nhận tiền và gạo từ các nhà xung quanh, có nhận thì cho vui và để chất đống trong nhà. Hàng tháng hai mẹ con vẫn nhận trợ cấp 875.000 từ chính quyền địa phương vì thuộc diện người già cô đơn, con bà thì lại không được khôn ngoan. Ngoài ra gia đình cũng được hỗ trợ tiền điện và cấp nước sạch miễn phí.
Việc quá nhiều người ồ ạt mang đồ dùng và tiền bạc qua ủng hộ cho cụ trong một thời gian ngắn khiến nhiều người lo ngại và cảm thấy chưa hữu hiệu. Hành động này vô tình có thể thu hút kẻ xấu lợi, khiến cuộc sống của cả gia đình bị ảnh hưởng. Hiếu Trần cũng cho biết thêm rằng có một nhóm tình nguyện viên sẽ định kỳ qua giúp đỡ gia đình cụ Lộc, chứ không cho nhiều tiền như những nhóm người hiện giờ đang đổ về.
Với những thông tin trên, hy vọng rằng mọi người sẽ tìm ra cách giúp đỡ gia đình cụ lâu dài và hiệu quả. Chứ không như những phong trào từ thiện chỉ có tính nhất thời mà không quan tâm đến ảnh hưởng sau này của nó.
Mong rằng một mùa đông ấm áp sẽ đến với cụ, từ những người có tấm lòng cao quý như anh Quân - anh Chiến và các mạnh thường quân khác!