Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Sự thật đằng sau clip người đàn ông chết đuối ở Đà Nẵng

Sau khi xem đoạn video clip được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, nhiều người tỏ ra bức xức trước thái độ dửng dưng của nhiều người dân khi đứng xem một người bị đuối nước mà không cứu!

Chiều 22/2, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Kiều Văn Vương, Phó trưởng công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) về vụ việc trên.

Thượng tá Vương cho biết, vào lúc 8h15 ngày 21/2, công an phường Vĩnh Trung nhận được tin báo của quần chúng nhân dân tại khu vực bờ hồ Thạc Gián (phường Vĩnh Trung) có một thanh niên nhảy xuống hồ tự tử. Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Vĩnh Trung cử Tổ công tác gồm 4 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường xử lý.

Bờ hồ nơi nạn nhân nhảy xuống

Khi đến hiện trường phát hiện một nam thanh niên đã lội đến giữa hồ, cán bộ chiến sĩ công an phường đã tiến hành vận động thuyết phục đối tượng, đồng thời cử cán bộ đến UBND phường huy động phương tiện, áo phao cứu hộ. Tuy nhiên, đối tượng không hợp tác và tiếp tục di chuyển ra giữa hồ. Vì vậy, Tổ công tác vận động, kêu gọi 2 người dân có khả năng bơi lội nhảy xuống ứng cứu nhưng đối tượng lui dần ra giữa rồi chìm xuống hồ. Người dân và cơ quan chức năng nhanh chóng cứu vớt, sơ cứu nhưng người thanh niên đã tử vong?!

Qua xác minh, được biết danh tính thanh niên trên là Nguyễn T.G. (sinh 1992, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu). G. là đối tượng nghiện ma túy nên UBND phường Hải Châu 2 có 2 lần lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tại Trung tâm 05 - 06 (năm 2011 - 2013 và 2013 - 2015).

Công an quận đã phối hợp với PC54 khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân sơ bộ là do G. sử dụng chất ma túy, bị ảo giác, gia đình xin không mổ tử thi. Hiện gia đình nạn nhân không có khiếu nại gì và nhận thi thể về mai táng.

“Nghĩa vụ của công an là phải cứu người nhưng cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người cứu”, Thượng tá Vương nói.

Theo Thượng tá Vương, khi nghe tin, công an phường đã có mặt tại hiện trường, như vậy là họ đã phản ứng nhanh rồi. Nhưng khi tới nơi, thanh niên này cứ bơi qua bơi lại nên lực lượng công an phải tìm cách cứu vì hồ quá sâu. Nếu người bình thường, người ta hợp tác thì có thể cứu được.

Clip về vụ việc này được một người quay lại và đăng lên Facebook. Đối với hành vi quay clip, Thượng tá Vương cho rằng đó là một hành động rất phản cảm. Nếu người đó có rảnh rỗi thì có thể làm một việc gì đó để tham gia vào việc cứu người.

“Điều 102 Bộ luật hình sự cũng đã quy định tội không cứu người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu người quay clip là người có khả năng bơi lội mà không cứu người thì không những không có đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Là một người vô cảm”, Thượng tá Vương cho biết thêm.

Một người sửa xe gần bờ hồ cũng cho biết G. bị ngáo đá. Vào thời điểm trên, G. nhảy xuống hồ, bơi đi bơi lại và luôn miệng nói xấu công an nên không ai dám nhảy xuống cứu.

“Nếu như người ngáo đá mà leo lên trụ điện thì người ta có thể cắt điện. Còn người ngáo đá nhảy xuống hồ thì mình càng tới gần để cứu họ càng bơi ra xa. Sao mà cứu được”, người này nói.

Anh Nguyễn Vũ, một trong hai người nhảy xuống để cứu nạn nhân cho biết, ít phút sau khi nam thanh niên xuống hồ nước, công an phường đến hiện trường. Công an bắc thang xuống hồ để anh ta trèo lên nhưng anh ta không chịu. Có đồng chí còn đứng trên bờ dụ dỗ khi lên bờ sẽ cho tiền nhưng anh ta cũng mặc kệ. Tôi thấy có công an đứng giải quyết nên đi vào nhà làm việc tiếp.

“Khoảng 10 phút sau, tôi nghe tiếng người kêu cứu thất thanh nên đã chạy ra xem sao nhưng không thấy người thanh niên đó nữa. Mọi người chỉ chỗ anh G. bị chìm, có một người nhảy xuống để cứu và sau đó tôi nhảy xuống tiếp. Tuy nhiên, khi chúng tôi vớt được nạn nhân lên bờ thì đã quá trễ”, anh Vũ nói.

Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng luật sư Đỗ Pháp - Đà Nẵng) cũng cho rằng việc quay clip phát tán trên mạng khi người khác gặp nguy hiểm là vô cảm.

“Họ có thể la hét, kêu gọi hay bàn cách cứu nạn nhân thay vì quay clip. Luật hình sự còn khá mơ hồ nên việc này khó xác định được hành vi không cứu giúp người khác khi gặp nguy hiểm”, luật sư Pháp nhận định.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?