Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Spa - thẩm mỹ chui bất chấp pháp luật

Theo Công An Nhân Dân Theo dõi Saostar trên google news

Ngày càng có nhiều spa mở ra khắp hang cùng ngõ hẻm. Tuỳ theo việc đầu tư, spa cao cấp sẽ có các kiểu "chơi" cho cao cấp, bình dân hay dưới bình dân đều có giá phù hợp, vì mục tiêu của spa là "không để cho khách hàng "chạy" đi được nữa"…

Xung quanh việc đi tìm câu trả lời cho thị trường spa - thẩm mỹ vì sao thu hút được lượng khách quá đông đảo, PV nhận thấy cùng với sự năng động của các chủ kinh doanh thời buổi công nghệ, việc tận dụng mạng, thiết lập trang web chuyên cho dịch vụ này được coi là mấu chốt thắng lợi của các dịch vụ, kỹ thuật tại các spa. Spa qui mô càng lớn, càng có hẳn một đội ngũ chuyên marketing.

Dược phẩm - thiết bị spa: “Bịt mắt” lấy tiền “thượng đế”

Một nhân viên marketing của cơ sở spa rất lớn đã tâm sự với chúng tôi: “Kinh doanh trong spa thật kinh dị. Trong vài năm làm công ăn lương của những chủ spa, tôi được lãnh vài chục triệu/tháng, nhưng trong lòng luôn cảm thấy tội lỗi khi chứng kiến biết bao trường hợp khách hàng bị thối thịt do tiêm filler, bị ngất xỉu suýt chết vì tắm trắng. Có lúc chúng tôi được lệnh của bà chủ, lau từng lô hàng thiết bị toàn là hàng Trung Quốc mà cứ phải nói dối khách là của Hàn, của Mỹ; phải chứng kiến da dẻ những người làm đẹp bị tác hại mỗi ngày, cứ phải nghiện các sản phẩm kem bôi, kem trộn đầy chất độc tố trong đó. Spa dễ kiếm tiền, nhưng tôi đành rút chân ra khỏi lãnh địa này”.

Nhiều khách hàng đã từng “xanh mặt” cấp cứu khi tham gia tắm trắng trong “Phi thuyền ánh sáng”. (Ảnh minh họa)

Th. là một nhân viên của tiệm spa thuộc quận Tân Bình tiết lộ bí mật mà chúng tôi tin rằng rất nhiều chị em sẽ gặm nhấm nỗi buồn “tiền ơi!”, khi phơi bày giá trị thật của liệu trình làm đẹp như sau: “Ôi! tụi tôi mua một quả cam, 1 túi sữa tươi Vinamilk và trộn vào một bịch thuốc làm trắng da có giá… 20.000 đồng (thuốc của Trung Quốc) và trét lên da khách gọi là liệu trình “tắm dưỡng” cho khách, thu từ 1.000.000 đồng tới 1.500.000 đồng. Nghe thì thấy nhiều bước phức tạp và có vẻ hoàn toàn dùng sản phẩm tự nhiên, nhưng bước cuối cùng dập kem trộn bôi cho khách mới là thuốc làm trắng da và chỉ nói là kem chống nắng trước khi họ ra về”.

Th. còn nói, liệu trình tuỳ độ “thần bí” mà thời gian thực hiện có thể là 3 hay 5 hoặc 10 lần. Như vậy, khách đã bước vào spa coi như sẽ bị “bịt mắt” lấy tiền vậy. Hay một lần trị liệu cho da mịn, trắng sáng có giá 500 ngàn, 600 ngàn, thậm chí 1 triệu/lần tuỳ theo đẳng cấp của spa. Nhưng theo Th. khẳng định, nguyên liệu, mỹ phẩm trong các spa đều là kem trộn của Trung Quốc. “Tôi có thể khẳng định điều này. Mỗi spa có từ 3 tới 5 liệu trình làm đẹp da. Liệu trình “giá rẻ nhất” cũng là 350.000 đồng/lần đẹp da. Thế nhưng trong liệu trình này, chủ spa nhập vào có 5 ngàn/gói nguyên liệu” - Th. nói.

PV tìm hiểu được biết, kể cả có những loại mỹ phẩm có nhãn hiệu Hàn Quốc thật nhưng tại nước này, người dân cũng được ngành y tế khuyến cáo không nên dùng. Nhưng khi những túi bột đắp mặt làm đẹp da này về Việt Nam lại thành hàng “hot”. Còn có chuyện “chế” a xít non thành loại mỹ phẩm để trị nám mà chỉ người trong nghề mới biết. Vì đã xảy ra không ít vụ người đẹp là chủ spa còn bị “lủng” da mặt vì “thử nghiệm” trước sản phẩm điều trị nám da này.

Một nhân viên sale và maketing spa cũng kể: “Kem trộn tắm trắng body của bà “sếp” spa của tụi tôi khi trộn xong, thành phẩm bán ra là 3 triệu/chai. Nhưng nguyên liệu trộn này được “chiết” ra từ một loại bột sền sệt đựng trong can, đưa về từ Trung Quốc theo đường “cửu vạn” vùng biên giới. Can mang về có khi còn dính nguyên bùn đất. Sau đó, chúng tôi tự trộn, đóng chai, dán nhãn mác lên. Thích hàng của Hàn Quốc hay của Nhật thì cứ ra cửa tiệm in ấn nói họ in nhãn theo ý mình: các thành phần trong sản phẩm thì cứ bịa ra mà “phun chữ” lên. Sản phẩm xong là hoàn hảo như chai mỹ phẩm nhập khẩu”.

Các sale của spa cũng cho hay: “Chỉ cần bôi 2 lần kem trộn dành cho body trên là da trắng tinh, ngay lập tức, lông tay chân còn chuyển qua màu vàng. Ngoài tác dụng nhìn thấy ngay, đội ngũ marketing của spa còn “sáng tạo” đặt tên loại mỹ phẩm độc quyền của tiệm mình bằng những cái tên nghe lạ, dễ quảng cáo, dễ đánh được vào thị hiếu khách hàng. Liệu trình có những cái tên mỹ miều như kiểu: “kem dịch chiết xuất từ Cúc La Mã”. Thế mà khách còn tin hơn hàng chục hãng mỹ phẩm trên thế giới có thương hiệu”.

Không cần đi đăng kí mẫu mã, nhãn hiệu hay tiêu chuẩn chất lượng, nhưng những loại mỹ phẩm spa như vậy cứ được bán “rủ rì” trong spa với giá cao ngất mà chị em không mấy phản đối.

Tay ngang thực hiện kỹ thuật cao và liệu trình “sửa lỗi”

Đã có lần, một “thượng đế” sau khi nằm vào lồng làm trắng da toàn thân đã bị cấp cứu tại BV… Chủ của spa khéo léo thương thảo với vị bác sĩ, xin lại được hồ sơ bệnh án, chỉ ghi là tụt huyết áp bất ngờ và trình cho người thân của bệnh nhân.

Thế nhưng sự thật được “rút kinh nghiệm” trong nội bộ của spa này là khách bị ngất vì da không còn ôxy để thở, do sau khi trét thuốc lên da, bên ngoài lại bị bịt một lớp nilon kín như bưng, rồi nằm trong lồng ấp, toàn bộ lỗ chân lông không còn “thở” được và nguy cơ tất yếu đã xảy ra.

Thế nhưng, khi kỹ thuật làm đẹp của các quý bà này tạm lắng xuống vì nhiều ca bị sự cố thì gần đây, tại địa bàn TP.HCM lại đang “hot” với khách từng ngày. Với những cái tên liệu trình đang “lên ngôi” như: “Phi thuyền ánh sáng”, “Cải lão hoàn đồng”. Điều này chỉ có thể lý giải, cũng như với việc dùng kem làm đẹp da, nhiều chủ spa dù đã nói thẳng với khách rằng là sản phẩm của Trung Quốc nhưng khách chỉ hỏi qua loa “hàng Trung Quốc à?” và vẫn bỏ ra 2 triệu đồng mua 3 hộp kem đủ cho liệu trình làm trắng da mặt mà mình “sờ sợ”.

Ngoài ra, theo sale Th., còn một liệu trình “lột da” cũng đang được coi là dịch vụ “hót hòn họt” tại các spa khu vực TP.HCM. Giá liệu trình này là 5 triệu. “Thế nhưng khi có khách làm liệu trình này hầu như tụi tôi “chạy” hết, để khách nằm trong phòng một mình vì mùi thuốc xông lên rất muốn ói. Cái vụ lột da này cũng gây ra không ít ca bị cấp cứu”, nhân viên sale Th. cho biết.

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng cho hay, hàng tháng họ đều tiếp nhận không ít ca người bệnh bị dị ứng, bị hỏng da vĩnh viễn vì tác hại của đi làm đẹp da từ spa do nhiễm Corticoid. Thế nhưng, cũng nhờ đó mà trên thị trường, các loại máy soi da, các loại kem thải độc tố tiếp tục ra đời. Kèm theo đó là kỹ nghệ maketing xuất hiện, với việc “sáng tạo” ra những liệu trình mới về làm đẹp mà đang nhan nhản quảng cáo trên mạng. Vậy là nghiễm nhiên, spa đã có một lượng khách lâu dài, những con “nghiện” spa.

Qua những dòng tâm sự của giới chị em trên Hội “Tâm sự Eva”, sau khi đi làm đẹp, nhiều người bị “thối mũi”, “thối cằm” sau tiêm filler không đảm bảo nhưng không đi bệnh viện chữa trị, ngoài việc xấu hổ, còn có một lý do đó là vì “khổ chủ” được “hứa” làm lại triệt để. Kể cả việc đưa đi cấp cứu, trả lại tiền… miễn là đừng đi tố giác. Sau năm 2006, các dịch vụ làm đẹp cấp tốc như filler tại các spa trên địa bàn Hà Nội đã đi vào thoái trào thì hiện nay lại đang “bùng nổ” tại TP.HCM.

Đặc điểm của tất cả các kỹ thuật làm đẹp của spa như PV đã tìm hiểu đều phải làm nhiều lần. Kinh ngạc hơn khi mà có những liệu trình mang tính chất “lừa đảo” trắng trợn như nhân viên Th. còn khẳng định: “Lúc trước, truyền Vitamin tươi 5 buổi giá 50 triệu nhưng bây giờ làm gì có thuốc, khách chỉ có được truyền nước cất vào người mà thôi”.

Lời “bật mí” trên đây đã lý giải, ngày càng có nhiều spa mở ra khắp hang cùng ngõ hẻm là vì vậy. Ngoài ra, tuỳ theo việc đầu tư, spa cao cấp sẽ có các kiểu “chơi” cho cao cấp, bình dân hay dưới bình dân đều có giá phù hợp, vì mục tiêu của spa là “không để cho khách hàng “chạy” đi được nữa”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Công An Nhân Dân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Gian nan nuôi dạy cầu thủ của bầu Đức
Tại sao iPhone 17 Air không nên đắt hơn iPhone 17 Pro?