Người Việt Nam chỉ cần chung nhau tiếng nói, màu da nói thì tự khắc sẽ chia nhau những câu chuyện về quê hương, bất kể họ đang ở nơi nào trong cuộc đời này. Những câu chuyện đã cũ lắm rồi được cất ngăn nắp trong chiếc hộp ký ức của mỗi người chỉ để thỉnh thoảng gặp lại những người xưa cũ, rồi cùng nhau nhắc lớ quớ những ngày đã xa lắm rồi.
Những người “cũ” ở quanh khu vực chợ Hồ Thị Kỷ thì chắc đã quen lắm rồi với những ngày như vậy, ở cái quán cà phê nhỏ là nơi tụ về của những cô chú Việt kiều Campuchia. Họ gặp nhau sớm sớm khi vừa ghé qua chợ mua ít thịt cá, hay gặp nhau buổi xế trưa khi cái nắng Sài Gòn quá đỗi hanh hao. Rồi ngồi đó, kể nhau nghe những câu chuyện đã nằm lòng rồi mà lần nào nghe cũng thấy thương nhau đứt ruột.
Các cô chú ở đây đều đã lớn tuổi, người nào nhỏ nhất cũng đã ngoài 60. Những ngày tháng ở Campuchia quay về đây họ bỏ lại tất cả ở đất nước xa xôi đó, tháo chạy để lại cả một vùng trời những ngày bình yên nhất trước khi trở thành một vùng của khói lửa và chiến tranh. Họ về Sài Gòn như để bắt đầu lại tất cả, sống lại một cuộc đời khác chưa từng trên mảnh đất này.
Cô Hiếu, cô Nhàn, cô Đến và cô Út là những người kiều bào đầu tiên về ở đây. Cái khổ còn ám ảnh họ qua đôi mắt, nét cười và trong lời kể. Những ngày ở bên Campuchia mà như các cô nói: “Sống chung với chuột trên mấy cái nhà sàn tạm bợ nè con ơi, không thì ở trong chuồng heo. Người với heo sống chung với nhau vậy đó, rồi buôn gánh bán bưng kiếm sống qua ngày.”
Qua mấy dòng kể đó chắc ít ai hình dung được những người phụ nữ lam lũ này từng sống một cuộc đời sung túc và thậm chí là giàu có trước đây ở Campuchia. Nhưng khi vòng xe lớn của xã hội lăn bánh thì nó cũng cuốn theo bánh xe nhỏ của cuộc đời họ. Mà lúc cùng cực nhất, là lúc người ta nghĩ về quê hương nhiều nhất. Và họ đã về đây, về để được sống và sau đó là để quên đi những biến cố thăng trầm.
Cô Út, người mất chồng vào năm 1970 sau đó tiếp tục mất đi con trai duy nhất vào năm 1978 khi con của cô đi bộ đội ở Campuchia. Giờ tóc đã bạc trắng nhưng lòng vẫn còn mới nguyên như ngày hôm qua cô còn thấy bóng dáng mình và gia đình trên đường về đây. Về đây nương nhau với những người đồng hương để sống, sống mạnh mẽ khi cuộc đời cướp đi của cô cả 2 người đàn ông thương yêu nhất. Vậy mà cô cứ cười: “Thì phải sống chứ sao con, mình còn 3 đứa con gái phải sống để mà lo cho tụi nó. Chứ lúc đó mình mà chết theo thì ai lo cho mấy đứa con.”
Những người phụ nữ trong cái xóm nhỏ này có một nét khắc khổ kì lạ trên gương mặt dẫu cái khổ đã lùi về quá khứ lâu lắm rồi. Nhưng ở họ lại còn có một ý chí sống mạnh mẽ không thể gọi tên, sự mạnh mẽ góp nhặt từ trong đau thương và mất mát, góp nhặt bằng tình làng nghĩa xóm nương nhờ vào nhau từ những ngày tay trắng. Là mạnh mẽ để sống tiếp cuộc đời của những người thân đã gửi lại tuổi trẻ cho những dặm dài nắng mưa.
Câu chuyện đã cũ nhưng người ta luôn tìm cách nhắc lại, nhắc để sợ chừng vài năm nữa thời gian sẽ đánh cắp đi ít nhiều những kỷ niệm trong số đó. Nên các cô đã tự động viên rằng: “Nghĩ lại chị em xóm mình vậy mà giỏi, sống qua được những ngày đó rồi giờ nuôi con cái nên người. Giỏi thiệt.” Nói xong câu đó các cô bật cười với nhau, cái cười vừa buồn lại vừa vui.
Những câu chuyện thì vẫn ở đó, sớm sớm hay chiều chiều những người trong cái xóm nhỏ lại thấy các cô ra cái quán cà phê nhỏ ấy kể chuyện xưa. Chuyện đã thuộc lòng hết rồi nhưng sao ngày nào cũng kể. Hay người ta ra đó kể chỉ còn là cái cớ, cái yếu là để gặp nhau. Gặp để thương và nhớ nhau nhiều - những con người từng phải xa xứ.