Liên quan tới sự việc bé trai 22 tháng tuổi tử vong bất thường sau khi truyền dịch chữa tiêu chảy ở phòng khám Chuyên khoa Nội của bà Nguyễn Thị Kim Cúc (địa chỉ tại phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội), ngày 18/10, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, phòng khám trên hoạt động quá phạm vi, không được phép truyền dịch.
“Phòng khám này hoạt động trong phạm vi chuyên môn hiện nay là khám chữa bệnh các bệnh nội khoa thông thường và không làm các thủ thuật”, ông Trung nêu rõ.
Cũng theo ông Trung, ở các phòng khám không được tiêm truyền khi chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật. Theo ông Trung, hiện nay Sở Y tế Hà Nội rất hạn chế cấp giấy phép cho phòng khám thực hiện kỹ thuật chuyên sâu, chủ yếu cấp cho các phòng khám đa khoa, cấp cứu vì truyền dịch dễ gây sốc phản vệ kể cả với những loại thuốc thông thường.
Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, phòng khám có con người, phương tiện kỹ thuật và được người đứng đầu ngành đồng ý cho truyền dịch hay không mới được phép chứ không phải phòng khám nào cũng được truyền dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 15/10 cháu N.G.B. (22 tháng tuổi, ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được bố mẹ đưa đến khám tại phòng khám của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (quận Long Biên, Hà Nội) với các dấu hiệu ho, sốt.
Sau đó, bác sĩ Cúc kê đơn thuốc điều trị tại nhà, sau khi uống thuốc 1 ngày bệnh nhân không đỡ, kèm theo bị tiêu chảy, nôn nhiều lần, nên gia đình đưa cháu B. đến khám lại tại phòng khám của bác sĩ Cúc vào lúc 16h20 phút ngày 16/10.
Tại đây, cháu B. được bác sĩ khám và trực tiếp truyền dịch (loại dịch Ringer lactat), truyền được 15 phút thì bệnh nhân có dấu hiệu tím tái, bác sĩ Cúc ngay lập tức rút kim truyền và trực tiếp cùng gia đình đưa bệnh nhân vào BV Đa khoa Đức Giang cấp cứu vào hồi 17h40 phút.
Tại khoa Cấp cứu (BV Đức Giang), bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn 4mm, không phản xạ ánh sáng…Ngay sau đó, cháu B. được cấp cứu theo phác đồ ngừng tim, không có kết quả. Bệnh nhân được chẩn đoán tử vong ngoại viện.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, về tư cách pháp nhân, phòng khám của bác sĩ Cúc có giấy chứng nhân đăng ký kinh doanh, có giấy phép hoạt động khám bệnh, chững bệnh. Phạm vi hoạt động của phòng khám này được phê duyệt bao gồm: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa.
Phòng khám này có 2 nhân sự bao gồm bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám. Ngoài ra, còn có một y sĩ là nhân viên hợp đồng thực hiện khám, chữa bệnh tại phòng khám.
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Long Biên đã phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục pháp y với bệnh nhân. Toàn bộ hồ sơ, tài liệu, thuốc và vật tư liên quan đến việc khám và điều trị bệnh của bệnh nhân tại phòng khám đã được cơ quan chức năng niêm phong để phục vụ điều tra.