Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW: 'Chủng virus ở Hải Dương có khả năng bám dính ở tế bào người'

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW cho biết, chủng virus ở Hải Dương được xác định là biến chủng ở Anh, có khả năng bám dính ở tế bào người rất mạnh.

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 5/2 thông tin Việt Nam có tổng cộng 1068 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 375 ca.

Hiện tại tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 80.113, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 489; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.362; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 55.262 người.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW: 'Chủng virus ở Hải Dương có khả năng bám dính ở tế bào người' Ảnh 1
PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW cho biết, chủng virus ở Hải Dương được xác định là biến chủng ở Anh. 

Trao đổi về chủng virus mới tại Hải Dương, PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, trưởng đoàn công tác của Viện tại Hải Dương, nhận định chủng virus mới có tốc độ lây lan rất nhanh, tất cả các lực lượng phải nỗ lực thần tốc, thần tốc và thần tốc chạy đua với thời gian để có thể chiến thắng dịch bệnh.

"Virus ở Đà Nẵng là chủng cũ, khả năng lây nhiễm thấp, chu kỳ lây truyền dài đồng nghĩa với việc khả năng lây từ người nọ sang người kia ít. Ít có trường hợp từ một ca lây sang nhiều ca khác.

Còn chủng virus ở Hải Dương được xác định là biến chủng ở Anh. Phía Nhật Bản cũng đã thông báo ca nhiễm bệnh của nữ công nhân N.T.G (Hải Dương) là chủng ở Anh và ngày 1/2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã chính thức thông báo giải được trình tự gene của bệnh nhân liên quan đến Hải Dương là chủng biến đổi của Anh", PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW: 'Chủng virus ở Hải Dương có khả năng bám dính ở tế bào người' Ảnh 2
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW: 'Chủng virus ở Hải Dương có khả năng bám dính ở tế bào người' Ảnh 3
Nhiều khu vực bị phong toả do dịch COVID-19.

Theo ông Dương: "Chủng biến đổi mới của Anh có khả năng bám dính ở tế bào người rất mạnh, phải bám dính vào người thì mới có khả năng lây nhiễm. Hơn nữa tốc độ tăng 70% so với chủng cũ đồng thời chu kỳ lây truyền rút ngắn chỉ còn 2-3 ngày so với 5 ngày như trước đây. 

Có thể nói chủng virus này lây truyền nhanh hơn rất nhiều so với chủng cũ. Chúng ta đang phải chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm hơn rất nhiều so với trước đây, cho chúng ta phải chuyển thành phương án tốc độ, tốc độ và tốc độ để chiến đấu với kẻ thù".

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW nhấn mạnh, chúng ta phải đi thật nhanh, nếu đi chậm hơn virus là thua. Vì vậy, tất cả mọi người đều đang làm việc vô cùng khẩn trương thâu đêm suốt sáng chạy đua với thời gian để thắng được chu trình của virus.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW: 'Chủng virus ở Hải Dương có khả năng bám dính ở tế bào người' Ảnh 4
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW: 'Chủng virus ở Hải Dương có khả năng bám dính ở tế bào người' Ảnh 5
Khu vực bị phong toả tại TP Chí Linh, Hải Dương.

Ông Dương cũng cho biết, việc truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh là một trong những điều sống còn bởi nhờ truy vết mới có thể phát hiện ra và cách ly ngay lập tức.

Trong đó việc truy vết bao gồm: tốc độ truy vết, tốc độ khoanh vùng, tốc độ xét nghiệm để chiến thắng lại tốc độ lây lan của virus. Ở đây sắp xếp các đội truy vết không kể ngày đêm, ra danh sách chuyển ngay xuống địa phương để tổ chức cách ly bất kể đêm ngày. Các thông tin được chuyển đi theo tiến độ chứ không phải theo sự hoàn thành, được đến đâu chuyển đi đến đấy.

Về câu nói “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đã trở thành phương châm về giám sát, khoanh vùng, dập dịch, ông Dương cho biết, năm 2007-2008, có một ổ dịch tả xảy ra Trúc Sơn (Chương Mỹ- Hà Nội), ông được cử về để xử lý ổ dịch này. 

"Dịch tả lây lan rất mạnh, việc yêu cầu người dân giữ gìn vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi và đặc biệt phải uống kháng sinh dự phòng rất quan trọng. Tuy nhiên, cán bộ y tế cũng không chắc rằng phát thuốc kháng sinh xong người dân có uống hay không? 

Vì thế chúng tôi đề nghị thành lập những tổ đi từng ngõ, gõ từng nhà. Trong buổi tập huấn cho nhân viên y tế, tự dưng trong đầu tôi nảy ra câu nói đó, cũng không nhớ là nghe của ai hay học được ở đâu, và chỉ đạo mọi người rằng: “Phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để xem người dân có uống không? Phải chứng kiến cảnh người dân uống thuốc, bởi việc uống kháng sinh dự phòng rất quan trọng trong việc chống dịch tả”", ông Dương chia sẻ thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất